Lý do oái ăm khiến mẹ chồng tự dưng bắt nàng dâu ra ruộng cấy 5 sào lúa

Cô em chồng xui mẹ đòi lại mấy sào ruộng về cho tôi cấy để lấy gạo hai nhà cùng ăn. Tôi nghe mà giận sôi người.

Thực lòng chẳng muốn mang tiếng nói xấu mẹ chồng, cơ mà cứ nghĩ đến là tôi thấy bức xúc và ấm ức mãi. Từ khi bước chân về làm dâu nhà anh, lúc nào tôi cũng bị so bì với cô em chồng vì chúng tôi bằng tuổi nhau. Là út trong nhà nên cô được cả nhà chiều chuộng, thành ra khi tôi về sống, cũng phải cung phụng luôn cô em chồng bằng tuổi mình.

Cô này lười học ham chơi, thế nên trượt đại học phải ở nhà học việc buôn bán. Thời gian đầu cô ở nhà, cứ ăn ngủ đến 9, 10h sáng. Đến giờ cơm trưa khi tôi hì hụi vào bếp thì cô phóng xe đi chơi. Tới giờ cơm thì về ăn xong lại lên phòng mặc kệ không cần biết tôi phải dọn dẹp bát đũa, nhà cửa ra sao.

Tôi than thở với chồng để anh dạy dỗ em gái thì mẹ chồng tôi bênh con gái ra mặt, mắng lại chồng tôi là sợ vợ, xong bà cạnh khóe mắng tôi: “Chỉ có lau nhà, rửa bát, giặt giũ mà cũng tị với nạnh, lấy dâu về để làm gì không biết”.

May thay, một năm sau thì cô em lấy chồng, tôi thở phào nhẹ nhõm vì nghĩ đã “thoát nạn”, chẳng ngờ lại mệt mỏi hơn. Vừa cưới được hơn năm, do mâu thuẫn với bố mẹ chồng nên hai vợ chồng cô em đi thuê nhà ở. Bố mẹ chồng tôi thương con gái nên cắt đất phần trăm, xây cho vợ chồng cô cái nhà nho nhỏ cạnh nhà tôi. Hai vợ chồng cô đi buôn rau, con cái gửi nhà bà ngoại, mọi việc phục vụ mấy đứa cháu cũng lại đến tay tôi.

Mẹ chồng tôi thương con gái lận đận cũng là điều dễ hiểu, nhưng lạ là, bà luôn lườm nguýt tôi vì thấy tôi sướng hơn con gái bà. Lúc nào bà cũng than vãn rồi xỉa xói “Đứa thì ăn trên ngồi chốc, nhà cao cửa rộng, đứa thì đầu tắt mặt tối sớm hôm chợ búa, giời sao giời ở chẳng công bằng”. Rồi tôi làm gì cũng bị mẹ chê bai là làm không tốt bằng con gái bà.


Cô em chồng càng làm tôi muốn phát điên (Ảnh minh họa IT)

Cô em chồng càng làm tôi muốn "phát điên" (Ảnh minh họa IT)

Đợt tôi nghỉ sinh ở nhà, mẹ chồng tôi đã chẳng đỡ đần một tay mà cứ sớm tối qua nhà cô út để thổi cơm với dọn dẹp vì sợ vợ chồng cô đi chợ về vất vả. Bữa khác lại kéo hết cả nhà cô về nhà tôi tắm táp, rồi quẳng cả đống quần áo của vợ chồng con cái cho tôi giặt. Tôi bực mình lắm, có ý kiến với mẹ thì bà thản nhiên: “Mày ở nhà chả có việc gì thì phải giặt quần áo cho em cho cháu”.

Tôi bảo: “Con còn trông con, làm việc nhà, mà dù con không có việc gì thì con cũng không có nghĩa vụ phải giặt quần áo cho con gái của mẹ đã đi lấy chồng”. Sự việc là thế mà bà nhiếc móc tôi ngày này qua ngày khác, nào là cái loại khinh người, ăn ở không có đức nào là không biết thương em. Bà còn hờn dỗi chồng tôi “chó giữ mất láng giềng, vợ dữ mất anh em”.

Nhưng đến chuyện này thì tôi bực quá rồi. Mẹ chồng tôi có dăm ba sào đất ruộng, từ trước tới giờ vẫn cho người ta thuê cấy. Nhưng gần đây bà nghe con gái xui là tôi làm ở xã nhàn hạ nên lấy ruộng về cho tôi làm đỡ… phí người phí của. Mục đích chính là đỡ được khoản đong gạo cho cả nhà tôi và nhà cô út.

Khi bà đưa ra "chỉ thị", tôi khẳng khái từ chối thì mẹ chồng tôi thẳng mồm miệt thị: “Mày nghĩ mày cành vàng lá ngọc gì hả, cũng chân đất mắt toét mà ra chứ tiểu thư đài các cái nỗi gì. Có làm thì mới có ăn chứ. Mày không làm thì để cái bà già này làm cho mày ăn”. Nói thực là hàng tháng vợ chồng tôi vẫn đưa tiền ăn đầy đủ cho mẹ chồng, nhưng mẹ luôn tỏ ra ban ơn cho chúng tôi, như kiểu chúng tôi ăn bám.

Tôi ấm ức lắm mà chưa nghĩ ra cách gì để trị cho cô em chồng này một bài học và chống đỡ được bà mẹ chồng.

Theo Nguyễn Thị Thoa
Dân Việt