Lợn nhựa khốn khổ

(Dân trí) - Nhà cu Kiên có một con lợn nhựa màu xanh nước biển xinh xắn, mẹ nó mua về để dạy con bài học dành dụm.

 
Lợn nhựa khốn khổ


“Xem này, mẹ sẽ để những khoản tiền Kiên được mừng tuổi vào đây”. “Hôm nay mẹ được thưởng đấy, chia cho lợn một ít, con cho bạn ăn đi”. “Bố đi mua đồ còn thừa chỗ lẻ này, con mang lợn lại đây nào”…

 

Thằng bé nhót chạy đi ôm lợn đến cho ăn và vỗ bồm bộp, lắc lắc. Mẹ nó mỉm cười xoa đầu con: “Khi nào lợn ăn no căng thì mình mổ ra cất một khoản riêng tiết kiệm cho con nhé”.


Vấn đề là kinh tế càng ngày càng khó khăn, chắc chú lợn cũng cảm thấy bất an khi ngày càng được ăn ít và còn bị chủ nhìn với con mắt hau háu, áng xem nó được bao nhiêu rồi.

 

Cu Kiên thích chú lợn lắm vì thấy bố mẹ cũng có vẻ nâng niu. Một lần nó chơi đùa bỗng con lợn rơi xuống đất, bị nứt mất cái miệng, anh chàng liền hý hoáy cố gắn chặt nó vào, xoay xoay thì bỗng thấy một lỗ to bằng ngón tay cái. Ra là cái miệng nhỏ và cái thân của lợn có thể xoay ra được. Khám phá việc con lợn có thể dễ dàng bị rút ruột cả nhà… phấn khởi ra trò, vậy là thi thoảng lợn lại được dịp cho chủ “vay nóng”.

 

Có việc đột xuất như bỗng nhiên hết gas mà tiền trong ví không còn đủ, đi rút ngoài cây ATM thì ngại, mẹ nó tặc lưỡi “mượn bạn lợn, mai trả luôn”.

 

Hôm bố Kiên đi vắng, hai mẹ con phải về quê gấp, đúng lúc hết tiền, lại moi bạn lợn ra, khi nào có tiền lại nhét vào trả sòng phẳng.

 

Mẹ nó chống chế “Nhân thể đổi ra tiền chẵn cho rộng chỗ để được nhiều hơn”.

 

Song tập đoàn “mũi nhòm mồm” đã chẳng để cho bạn lợn được yên thân. Mẹ nó hay vui miệng kể lợn đã có ngần này, ngần này, bố nó hào hứng vậy là đủ mua cái này, cái này rồi đấy.

 

Thời buổi cái gì cũng đắt đỏ, mẹ nó hay hoảng hốt mỗi lần đi chợ về, kiểm lại ví thất thần nhẩm nhẩm, đếm đếm. Công ty bố nó hiện chẳng bán được hàng, hay bị chậm lương, mẹ nó phải vo chỗ nọ, véo chỗ kia cho đủ bữa ăn hàng ngày. Vậy là lợn trở thành cứu cánh rất kịp lúc và giờ hẳn nhiên bạn ấy cũng chẳng buồn ăn làm gì, vì chửa được ấm chỗ đã bị móc họng ra.

 

Bố Kiên thương tình lấy keo dính cố định miệng và thân lợn vào, song từ đó bạn ấy chỉ còn là vật trang trí. Trong bụng chứa mỗi đồng xu 2.000đ và 500đ do mang đi tiêu chẳng ai người ta nhận. Cả nhà nhìn bạn lợn nhẹ bẫng, an ủi nhau “Có lẽ nó đã hoàn thành xong sứ mệnh của mình”.

 

Ôi, con lợn khốn khổ!

 

TSL