Lỡ được tiếng “có phước”

Mẹ tự hào: “Con gái mẹ tuy không đẹp nhưng có duyên, có phước”. Hồi đưa anh về ra mắt họ hàng, ông bác họ nhìn anh, rồi lại nhìn tôi, nói như khen, mà cũng như dọa: “Thằng đàn ông vừa đẹp vừa giỏi vậy, sao mày dám lấy hả con?”. Tôi nghe như đang được khen, cười tít mắt.


Lỡ được tiếng “có phước”



Giờ tôi mới biết, mình quả thật đã rất liều khi dám lấy anh. Cưới về, những lời tán tỉnh không còn cần thiết nữa, vợ chồng tôi cũng ít chuyện trò. Nhận ra sự bất ổn này, tôi cố khơi gợi chuyện này chuyện kia, nhưng anh hoặc thờ ơ, hoặc gắt gỏng, “em thì biết cái gì”. Chuyện công ty của anh tôi không biết đã đành, cả những mối quan hệ, bạn bè của anh, tôi cũng hiếm khi được biết đến. Chỉ những buổi tiệc tùng chẳng đặng đừng anh mới miễn cưỡng dắt tôi theo. Nhưng những cuộc vui ấy, khi anh “lột xác” thành người đàn ông hoạt ngôn, vui vẻ cùng bè bạn, tôi chẳng mấy mặn mà.

Những buổi tối lặp đi lặp lại: anh về nhà, miệng lẩm nhẩm tính toán gì đó, hoặc ngẩn ngơ suy nghĩ chuyện công ty trong suốt bữa ăn, rồi lên phòng “ôm” cái ti vi cho tới khi ngủ thiếp. Hôm đó, em gái tôi ghé chơi vừa lúc anh đi làm về. Anh vừa bước vào nhà đã than mệt, miệng lầm bầm chửi ai đó, rồi ngồi phịch xuống ghế, chẳng buồn trả lời khi em vợ chào hỏi. Tôi theo anh xuống bếp, rót cho anh ly nước, rồi kiên nhẫn “giải khuây” cho chồng: “Đường về có kẹt xe không anh?”. Anh vẫn im re. “Trời hôm nay nắng ghê, anh có phải đi công trình không?”. Anh nổi quạu: “Đang bực mà hỏi hỏi hỏi!”. Anh quay đi, không quên đá vào cái chân bàn như hăm dọa. Em gái vừa ngỡ ngàng, vừa khó xử, dè dặt nhìn tôi, rồi vội kiếm cớ ra về.

Sinh nhật, tôi tổ chức tiệc chung với cô bạn thân. Vừa tới chỗ hẹn đã thấy chồng cô bạn hớt hải chạy tới, nhìn vợ như biết lỗi: “Nhiều việc quá, giải quyết xong, anh chạy đi liền đó…”. Tôi gọi cho anh. Anh bắt máy, chẳng chờ tôi nói câu nào: “Đang làm. Đang làm”, rồi tắt máy. Tôi gượng gạo cười trừ, rồi cố lấy vẻ tươi tắn để khỏa lấp sự tội nghiệp của mình. Nghe tôi báo anh không đến được, cô bạn trề môi: “Sếp có khác!”. Bữa đó tôi cố tình uống cho say mới về nhà, để “dằn mặt” anh. Vậy mà, vừa bước vào phòng, tôi đã thấy anh say khướt nằm đó. Kế hoạch “dằn mặt” chồng thất bại, nhưng dằn vặt tôi hơn cả, là sự thất bại trong việc che đậy lỗ hổng của cuộc hôn nhân “lý tưởng” của mình.

Một hôm, mẹ đặt vấn đề: “Hai bây mà thôi nhau, mẹ cũng không chữa bệnh nữa, sống làm gì?”. Rồi mẹ nhắc tới niềm hân hoan của cả dòng họ trong ngày cưới tôi, kể lể lời khen ngợi của người này người kia về đứa con gái may mắn của mẹ. “Khối người thèm được như con, đừng có sướng quá hóa…”, mẹ nói nửa chừng thì bỏ dở. Đúng thế, vẫn khối người muốn được như tôi. Tôi là người vợ thất bại trong căn nhà mình, nhưng khi ra ngoài, tôi vẫn được tán tụng, ngợi khen. Cái gánh này tôi đã trót đặt lên vai, khó mà bỏ xuống.

Theo Thanh Tân
Phụ nữ TPHCM