Liên tiếp các vụ đoạt mạng người thân: Những khoảng trống xã hội dần bộc lộ

Ngọc Linh

(Dân trí) - Chỉ trong một thời gian rất ngắn gần đây, các vụ án bạo hành, giết người đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong gia đình gây xôn xao dư luận.

Gần nhất là vụ nữ sinh 21 tuổi đầu độc bố đẻ bằng xyanua, đổ bê tông xác, tạo hiện trường giả gây hoang mang, phẫn nộ trong cộng đồng.

Trước đó không lâu, em bé 3 tuổi ở Thạch Thất nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì bị đóng 9 chiếc đinh vào hộp sọ, nghi phạm là người tình của mẹ trong khi mẹ vẫn lên tiếng bênh vực.

Vụ án xảy ra khi sự việc một bé gái 8 tuổi tại TPHCM bị dì ghẻ tra tấn 4 tiếng đồng hồ đến chết còn chưa ráo mực báo chí. Đáng nói hơn là bố đẻ của em còn xóa video từ camera để bảo vệ người tình.

Lời khai của những kẻ thủ ác khiến rất nhiều người trong chúng ta phải thốt lên rằng: "Không thở nổi!". Những câu chuyện đau lòng trên xảy ra trong một thời gian rất ngắn khiến mỗi người đều tự hỏi, những vụ việc như thế này, tại sao lại có xu hướng tăng lên.

Liên tiếp các vụ đoạt mạng người thân: Những khoảng trống xã hội dần bộc lộ - 1

Bé gái 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng 9 chiếc đinh vào hộp sọ.

Chị Trần Kim Thoa (Thanh Xuân, Hà Nội) từng bức xúc chia sẻ trên mạng xã hội:

"Thật sự không dám tin những gì đang xảy ra vào những ngày cuối năm như thế này. Tôi đã luôn tự hỏi rằng nếu đại dịch sớm được kiểm soát, những đứa trẻ kia được đến lớp đi học thì liệu các con có bị bạo hành dã man đến vậy? Nếu nữ sinh 21 tuổi kia được đến trường đi học bình thường, thì liệu có còn mâu thuẫn đến mức đầu độc cha ruột mình hay không?".

Tuy chỉ là những câu hỏi ngỏ nhưng lại cũng khiến nhiều người giật mình suy nghĩ. Chia sẻ về vấn đề trên, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội ISDS) cho biết:

"Dịch bệnh chỉ như một "chất xúc tác" và làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Nguyên nhân sâu xa, căn cốt dẫn đến những câu chuyện đau lòng này xuất phát từ sự thiếu sót trong giáo dục từ trước đến nay. Dịch bệnh khiến tất cả những khoảng trống xã hội trong vấn đề giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, tuyên truyền phổ biến pháp luật bộc lộ.

Và có chăng, chúng ta cũng đang có những thiếu sót trong dịch vụ xã hội hỗ trợ tâm lý cho người dân. Khi người ta gặp một vấn đề gì đó trong tâm lý lại không biết tìm đến đâu để được giải quyết. Những vấn đề nhỏ tích tụ dần và dẫn đến những câu chuyện đau lòng xảy ra".

Liên tiếp các vụ đoạt mạng người thân: Những khoảng trống xã hội dần bộc lộ - 2

TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội ISDS.

Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, ngay cả trước khi có dịch bệnh, mỗi người cũng đều sẽ có những vấn đề cá nhân khác nhau. Có rất nhiều những vụ bạo lực gia đình xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau đã xảy ra. Dịch bệnh tác động chung đến tất cả các vấn đề trong xã hội, khiến cho những vấn đề vốn có được bộc lộ và trở nên nghiêm trọng hơn.

Covid-19 khiến việc tương tác, giao tiếp xã hội trở nên khó khăn hơn, trẻ vị thành niên đang tuổi đi học lại không được đến trường, học trực tuyến tại nhà trong một thời gian rất dài. Người lớn cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, có thể mất công ăn việc làm, thu nhập giảm sút. Mọi tương tác chỉ còn bó hẹp trong chính gia đình.

Điều ấy đã tạo ra nhiều căng thẳng trong tâm lý mà không thể giải quyết và cũng không biết tìm ai để hỗ trợ. Bản thân họ cũng không có đủ kỹ năng để giải quyết những xung đột.

Những bức xúc dồn nén trong một thời gian quá dài dẫn đến những mâu thuẫn mà không thể giải quyết bằng cách thức nào khác ngoài bạo lực khiến vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn.

Liên tiếp các vụ đoạt mạng người thân: Những khoảng trống xã hội dần bộc lộ - 3

Những kẻ thủ ác gây ra sự việc đau lòng thời gian gần đây.

"Đối với người Việt Nam chữ "Hiếu" rất quan trọng, gia đình là một điều thiêng liêng nhất của mỗi người. Tuy nhiên với những sự việc gần đây, những giá trị này đang bị khủng hoảng một cách nghiêm trọng.

Những vụ việc đau lòng xảy ra trong thời gian quá ngắn khiến mọi người cảm thấy hoang mang và lo sợ, dẫn đến những hệ lụy về lâu dài trong xã hội và tác động đến tâm lý nhiều người.

Nhưng tôi cho rằng, việc chúng ta phẫn nộ, bức xúc, tức giận đến đâu cũng không khiến cho chúng ta vô can. Những sự việc đau lòng xảy ra khiến chúng ta tự vấn trách nhiệm xã hội từ góc độ của chính mình. Mỗi người đều cần có trách nhiệm lên tiếng để xây dựng nên những giá trị mới tích cực và tốt đẹp, nhân văn hơn thay vì chửi bới, phê phán.

Tôi đã đề cập rất nhiều lần, rằng trong giáo dục của chúng ta đang thiếu việc trang bị kỹ năng sống tối thiểu như thương thuyết, giải quyết xung đột, đi tìm sự trợ giúp khi bản thân có vấn đề.

Covid-19 như một bài học để chúng ta nhìn ra những khiếm khuyết tồn đọng, những khoảng trống cần thu hẹp trong xã hội. Bên cạnh đó cần tăng cường các dịch vụ xã hội, tăng cường giáo dục kỹ năng, và tuyên truyền và pháp luật để người dân đủ hiểu biết trong cách ứng xử xã hội và các mối quan hệ trong chính gia đình", Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận định.