Lấy vợ đẹp để làm sang
Cái câu “sang vì vợ” đang được nhiều người đàn ông giàu có, nhất là lớp doanh nhân, áp dụng theo nghĩa: Người vợ là một bông hoa đẹp làm sang cho mình, khiến mình được vị nể, đẳng cấp như cao lên trước quan khách, đối tác...
Anh khiến chị cảm thấy mình như một viên kim cương sáng chói.
“Xin giới thiệu với mọi người, đây là Thu Hằng, nội tướng của tôi”, sau câu nói đầy hãnh diện này tại các buổi lễ hay chiêu đãi, hầu như bao giờ Phúc, 39 tuổi, chủ một công ty kinh doanh thiết bị y tế, cũng nhận được những cái nhìn ngưỡng mộ hoặc ghen tỵ.
Nhiều người còn ồ lên khi thấy Hằng. Cô cao hơn anh nửa cái đầu, vẻ đẹp đoan trang, đài các, trong khi Phúc thấp nhỏ và chẳng lấy gì làm đẹp trai.
Phúc ngưỡng mộ sắc đẹp của vợ và luôn đưa cô đến mọi buổi gặp gỡ. Phúc còn tâm sự với bạn bè rằng nhờ Hằng, việc làm ăn của anh thuận lợi hơn, anh được nể hơn. Thế nên anh không tiếc tiền cho Hằng làm đẹp, trưng diện, thậm chí lập hẳn một phòng spa cho cô trong nhà. Nhưng những người gần gũi nhất của Phúc đều biết, anh vẫn đi lại với đám tình nhân dù chẳng ai trong số họ đẹp và ngoan bằng vợ. Bên cạnh các mối quan hệ chóng vánh, anh có một người tình khá bền, chính là bạn gái cũ. Người phụ nữ này đã sốc khi Phúc nói sẽ cưới một cô gái trẻ hơn đến 17 tuổi mà anh mới quen, tính cách theo anh là hơi nhạt nhẽo, chỉ vì “những người kinh doanh như anh cần có vợ đẹp để làm sang, để dễ làm ăn hơn”. Không đủ bản lĩnh để từ bỏ mối tình mấy năm, chị chấp nhận làm tình nhân của Phúc.
Cái câu “sang vì vợ” đang được nhiều người đàn ông giàu có, nhất là lớp doanh nhân, áp dụng theo nghĩa: Người vợ là một bông hoa đẹp làm sang cho mình, khiến mình được vị nể, đẳng cấp như cao lên trước quan khách, đối tác... “Có vợ chân dài, mình cũng nghiễm nhiên được nâng lên hàng đại gia” - Hùng, giám đốc một công ty kinh doanh thực phẩm ở Hà Nội nói.
Người đàn ông 32 tuổi này cho biết, anh đang tìm vợ và đó phải là một cô gái đẹp, phong cách sành điệu, không cần thông minh nhưng cũng phải có bằng ĐH. Một tiêu chuẩn khác là phải ngoan, chưa có điều tiếng gì, bởi anh tuyển “chân dài” làm vợ cho đẹp mặt mình chứ không phải để cặp bồ. Hùng cho biết, những người bạn trong giới của anh đa số có vợ đẹp. “Một là trong các cuộc gặp, vợ người ta đẹp, vợ mình tầm thường là đã kém hơn rồi. Hai là vợ đẹp, biết ăn mặc sang trọng thì cũng thể hiện sự thành đạt của mình”, Hùng nói.
Làm vợ đại gia, không sướng
Hằng biết chuyện trăng hoa của chồng khi đang có bầu bốn tháng. Lo cho đứa con trai trong bụng vợ, Phúc hết sức dỗ dành, bảo rằng đó là cố tật của đàn ông, anh sẽ bỏ dần vì làm sao có ai bằng em được. Nhưng càng ngày Hằng càng thấm thía rằng vị trí của mình trong lòng chồng không cao như cô tưởng. Cô biết Phúc không thực sự yêu mình, chẳng qua cô được nâng niu như một vật trang trí đắt tiền cho cơ nghiệp của anh. Nhưng rồi cô tự nhủ, nhiều người con gái như cô chỉ mong được là bồ của đại gia, còn cô thì đã là vợ đại gia, thế cũng đã hơn người rồi.
Con trai một tuổi, Phúc chiều vợ, cho cô làm phó giám đốc một công ty mới mở. Mặc dù chức này hữu danh vô thực nhưng Hằng vẫn thấy được an ủi vì cảm giác mình cũng là một nữ doanh nhân chứ không đơn thuần là bóng hồng sau lưng người đàn ông giàu có. Cô tìm niềm vui trong việc sai phái nhân viên, tiếp nhận sự ngưỡng mộ, ve vãn của nam giới. Nhưng Hằng hiểu niềm vui của cô chỉ có thể dừng lại ở đó, vì chỉ cần đi quá giới hạn với người đàn ông nào, hạnh phúc ảo của cô sẽ biến mất.
Còn Thu Hà, vợ cũ xinh đẹp của tổng giám đốc một doanh nghiệp ở Hà Nội, tâm sự về quãng đời làm vợ “đại gia” của mình: “Tôi cứ tưởng mình may mắn khi lấy được một người chồng đáp ứng mọi tiêu chuẩn, lại là người mình yêu. Vì quá tự tin nên tôi không hề nghi ngờ việc anh ấy có thật sự yêu mình không”.
Hà tự cho rằng mình giá trị hơn nhiều chân dài khác vì cô sinh ra trong gia đình trí thức, tốt nghiệp một ĐH có tiếng, rằng ông chồng “đại gia” hẳn phải tự hào khi cưới được mình. Thế nhưng, chị vẫn không vượt quá được vai trò là bình hoa trang trí cho anh. Những lần xuất hiện cùng chồng ở chốn giao tế, anh khiến chị cảm thấy mình như một nữ hoàng, một viên kim cương sáng chói. Nhưng khi về nhà, anh hầu như bỏ mặc chị.
Hà được chồng mở cho một tài khoản riêng với số tiền rất lớn, ngoài ra chị đòi gì được nấy, nhưng chỉ là về vật chất. Anh không có thời gian chia sẻ những tâm sự của chị, không đủ nhiệt tình để hỏi han khi vợ ốm mệt hay có chuyện buồn. Một lần khi vợ phàn nàn gay gắt về chuyện này, anh lạnh lùng bảo: “Em phải biết thế nào là đủ chứ. Em đã có cuộc sống vương giả, được mát mặt với đời rồi, đừng đòi hỏi chiếm hữu cả anh nữa”.
Câu nói đó cùng với cách cư xử của chồng khiến Hà nhận ra tình yêu anh dành cho mình nếu có cũng đã tắt. Tự ái, chị từ chối đi cùng chồng trong các buổi tiếp đón, lễ lạt, nhưng anh tuyên bố: “Xuất hiện bên cạnh anh là nghĩa vụ của em, em luôn luôn phải thật đẹp và tươi tắn. Anh chỉ yêu cầu em có thế thôi, còn em có yêu anh hay không cũng chẳng sao”.
Để khoả lấp nỗi buồn, Hà bắt liên lạc với các bạn cũ, làm quen với bạn mới, và liên tục tham gia các cuộc vui với họ, nhiều hôm gần sáng mới về nhà. Biết chuyện, chồng Hà cảnh cáo rằng chị có thể làm gì tuỳ thích, nhưng chỉ cần có hành động nào ảnh hưởng đến uy tín của anh, đặc biệt là nếu ngoại tình, chị sẽ phải ân hận. Cảm thấy lòng tự trọng bị chà đạp, đau khổ vì có nhan sắc vượt trội mà vẫn phải yêu chồng đơn phương, Hà xin ly hôn.
Hà tâm sự, nhiều người vẫn cho rằng, phận gái lấy được chồng giàu có, thành đạt là hạnh phúc, rằng người đẹp sợ gì không được yêu chiều, nhưng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”: “Có lấy đại gia hay tiểu gia thì cũng phải chắc một điều, là người ta yêu mình, nhưng nhan sắc không đủ bảo đảm cho điều đó”.
TheoĐất Việt