Lấy người cầu toàn

Chị Thanh Hằng ở quận 3, TPHCM vừa khóc vừa tâm sự với chuyên viên tư vấn: "Em không còn đủ sức để vừa giỏi việc nhà vừa giỏi kinh doanh và nâng cao trình độ như chồng yêu cầu được. Giờ em quá mệt mỏi, đầu óc rối tung, chỉ muốn buông xuôi mọi thứ".

Chị kể, cách đây 4 năm, chồng mở công ty, chị làm thủ quỹ kiêm kế toán giúp chồng. Lúc đầu, quy mô công ty còn nhỏ nên chị vừa lo việc kinh doanh vừa quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái.

 

Nhưng một năm lại đây, công ty mở rộng, việc làm ăn gặp khó khăn dẫn đến thua lỗ. Trong lúc tìm đối tác, chồng chị gặp lại cô bạn học cũ, giờ là một giám đốc thành đạt. Anh thường tán dương bạn và so sánh chị với cô ấy, nào là người ta có hai bằng đại học, nói tiếng Anh như gió, quản lý công ty cả trăm người.

 

Nếu lúc trước, anh luôn tự hào vì có một người vợ hiền lành, thật thà, vừa đảm việc nhà vừa giúp chồng kinh doanh thì giờ anh lại hay cau có và tỏ ra xem thường vợ. Thế là, chị Hằng quyết đi học Anh văn và tại chức đại học để chồng hài lòng. Nhưng mẹ chồng quá khó, không thuê người giúp việc được, còn chồng thì chẳng bao giờ giúp vợ, một tay ôm đồm mọi thứ khiến chị cảm thấy quá tải.

 

Đến khi kết quả học tập của chị và hai đứa con đều đi xuống, anh chồng làm ầm ĩ lên, cho là vợ học cũng không xong lại còn bỏ bê con cái. "Tôi cảm thấy quá sức khi đuổi theo yêu cầu của chồng. Tôi không muốn và không thể trở thành người vợ hoàn hảo, có lẽ phải ly hôn để được là chính mình", chị Hằng chua xót.

 

Còn chị Thuỳ Trang, vợ một chủ cửa hàng nội thất ở TPHCM, vừa có học thức lại xinh đẹp, giỏi nấu nướng nên ai cũng cho là anh Hưng, chồng chị rất tự hào về vợ. Nhưng vốn là Mr Cầu Toàn nên anh cũng muốn vợ mình trở thành Mrs Hoàn Hảo. Anh muốn chị phải thật khéo léo trong ứng xử giao tiếp, biết che đậy cảm xúc, lúc nào cũng tươi cười để không làm phật lòng ai.

 

Chị Trang kiên quyết phản bác yêu cầu này của chồng: "Thẳng thắn, chân thành là "bản sắc" của em. Anh đừng bắt em sống giả dối". Thế nhưng, cũng vì cái "bản sắc" ấy mà 5 tháng qua, anh chị tranh cãi nhau và dần xa cách như mặt trăng với mặt trời.

 

Không chỉ có chồng đòi hỏi vợ quá nhiều, không ít người vợ cũng yêu cầu chồng thật hoàn hảo. Chị Bích Vân, thư ký kiêm phiên dịch cho giám đốc một công ty của Pháp ở TPHCM thường giận dỗi chồng chỉ vì anh không biết ga lăng, tặng hoa và ngợi khen vợ. Chị nhất quyết cải tạo anh thành người lãng mạn, lịch lãm.

 

Khổ nỗi, chồng chị xuất thân từ một gia đình nông dân, chất phác, hiền lành, không quen nói lời hoa mỹ dù rất yêu vợ. Nhiều lần bị vợ càu nhàu, trách móc, anh đâm nổi nóng, nói ngang: "Tính anh như vậy đó, em không chịu thì thôi, đừng so sánh anh với người khác".

 

Theo chuyên viên tư vấn Nguyễn Thị Minh Thuỷ (công ty tư vấn Hồn Việt), sự cầu toàn trong tình yêu, hôn nhân như con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng đúng cách, nó sẽ giúp vợ chồng khắc phục được nhược điểm, ngày càng hoàn thiện hơn trong mắt nhau. Ngược lại, nó có thể làm phát sinh mẫu thuẫn, dẫn đến đổ vỡ gia đình. Sự đòi hỏi, buộc người bạn đời phải hoàn thiện theo mẫu mình đặt ra vô tình làm cho vợ/chồng cảm thấy phải chịu áp lực quá lớn và không được trân trọng.

 

Theo bà, nếu yêu cầu người bạn đời hoàn thiện hơn thì phải xét đến hoàn cảnh, năng lực, tố chất của họ xem có phù hợp không. Và bản thân những người cầu toàn phải biết chia sẻ, động viên, giảm tải áp lực và tạo điều kiện cho người bạn đời hoàn thành việc đó.

 

Như trường hợp vợ chồng anh Minh Trung là một điển hình. Cách đây 20 năm, anh chị đều là giảng viên một trường đại học ở TPHCM. Hồi đó, lương nhà giáo thấp, cuộc sống chật vật nên chị Phượng, vợ anh, xin nghỉ dạy, về nhà vừa chăm con, vừa nuôi lợn, bán tạp hoá. Năm năm sau, bằng sự tảo tần thu vén của chị, kinh tế gia đình khá hẳn lên. Nhưng đổi lại, sự duyên dáng, trí thức của một cô giáo mất đi, thay vào đó là hình ảnh một người nội trợ lam lũ, ngày làm quần quật, tối lăn ra ngủ. Giữa hai vợ chồng chị bắt đầu có khoảng cách.

 

Nhận thấy điều này, anh Trung quyết thực hiện chiến dịch "nâng cấp" vợ. Anh khuyến khích chị dành thời gian đọc báo, xem lại những kiến thức đã học, đã dạy trước đây và xin cho chị đi dạy trở lại. Để chị yên tâm làm được những điều đó, anh san sẻ việc nhà, đưa đón và dạy con học. Chị tâm sự: "Có lẽ tôi sẽ mãi là một người nội trợ lam lũ nếu không có sự động viên, hỗ trợ của chồng. Tôi tin ai cũng có thể hoàn thiện bản thân nếu có quyết tâm và người bạn đời sẵn sàng làm bạn đồng hành".

 

Theo bà Minh Thủy, những người vợ khéo léo luôn biết cách tự hoàn thiện mình mà không phải chờ yêu cầu hay nhắc nhở. Hãy biết tự làm mới mình, nhưng đừng quá tạo áp lực với bản thân. Có thể chỉ là học nấu một món ăn ngon, đọc sách báo để chia sẻ thông tin với chồng hoặc kể một câu chuyện vui, hay cho chồng nghe. Những việc tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy có thể làm cho nền móng hạnh phúc gia đình thêm bền vững.

 

Ngoài ra, để hạn chế những xung đột, mâu thuẫn vợ chồng chỉ vì sự cầu toàn, bà Minh Thuỷ khuyên, thay vì chăm chăm vào khiếm khuyết của người bạn đời, nên chịu khó nhìn vào những ưu điểm của nhau.

 

Theo Phụ Nữ