Lấy chồng có máu đỏ đen

(Dân trí) - Mẹ tôi thường bảo: “Cái thằng đó cờ bạc, lấy nó sau này con khổ!”. Nhưng tình yêu đã làm lu mờ tất cả, tôi tự trấn an mình: “anh ấy chơi thế, chứ có vợ có con rồi, lo làm ăn chứ ai mà bám mãi cái nghề đỏ đen ấy”.

 
Lấy chồng có máu đỏ đen - 1


Anh là con nhà khá giả, có của ăn của để, có “máu mặt” ở cái thị trấn nhỏ bé này, lại con một nên anh luôn được chiều chuộng hết mức. Thế mà anh rất chăm sóc và lo lắng cho tôi, anh luôn chiều theo ý tôi trước khi tôi xị mặt làm nũng.

 

Bỏ qua những lời ngăn cấm và khuyên giải của gia đình, tôi quyết lấy anh với những kỳ vọng, ước mơ mới trong tương lai. Trước ngày cưới, anh giao hết trách nhiệm cho người trong nhà lo mọi việc, anh trốn biệt để vùi đầu và những sới bạc thâu đêm. Ngày cưới trông bộ dạng anh ai cũng biết là thiếu ngủ, mệt mỏi. Tôi hỏi anh sao lại vô trách nhiệm với cái ngày trọng đại của cuộc đời như thế, anh đùa: “Chơi lần cuối để rồi mai bị em “còng xích”.

 

Lễ cưới cũng qua đi, ngày đầu tiên làm vợ anh tôi im lặng để hưởng hạnh phúc mới, cố quên đi chuyện cờ bạc. Nhưng cái sức hút đam mê cờ bạc đã kéo anh đi cùng với số tiền người ta mừng cưới. Tiền mất, anh trở về nhà như một cái xác, người đầy hơi men. Tôi òa khóc. “Chẳng lẽ cái trò đỏ đen ấy nó quyến rũ anh hơn em? Anh có biết cảm giác ở một mình trong ngôi nhà xa lạ?”. Nhưng những lời nói của tôi không thể lọt vào tai anh khi cơn khát ngủ đã nhấn chìm một con người vô tâm!

 

Tôi khóc, khóc cho hạnh phúc nhạt nhẽo của những ngày đầu làm vợ. Tôi chợt nhớ câu thán của mẹ mỗi lần nhắc đến anh: “Cờ bạc là bác thằng bần”. Giờ anh nằm co quắp như con nghiện, trái ngược với hình tượng mà tôi thấy trước đây. Và những ý nghĩ về anh bắt đầu làm tôi đau khổ nhưng trong xa xôi, tôi thầm ước “niềm đam mê” này của anh sẽ qua khi có con có cái.

 

Mẹ anh luôn là người chịu đau khổ vì đứa con trai mê cờ bạc của mình, nên khi quen được tôi, gia đình anh nghĩ tình yêu của tôi sẽ cảm hóa được anh, sẽ đưa anh về làm một con người có trách nhiệm, biết lo lắng và chăm sóc người khác. Khi chúng tôi quyết định cưới nhau, có lẽ người mừng nhất là bà. Những tưởng mọ chuyện sẽ trôi theo ý muốn, ai ngờ, “ngựa vẫn quen đường cũ”.

 

Tôi đã cáu gắt về những việc anh làm và quyết định “chiến tranh lạnh” để anh nhận ra điều phải trái. Những biện pháp đó cuối cùng cũng làm anh “tạm quên” cơn khát đỏ đen một thời gian…

 

Ngày phát hiện số nữ trang sau ngày cưới không cánh mà bay, tôi khóc vật vã như người điên. Những dự tính sụp đổ, những kỳ vọng và niềm tin cũng vỡ tan, chỉ còn niềm chua xót là dai dẳng, dày xéo tôi. Và hạnh phúc như mờ nhạt dần theo từng đêm nằm chờ anh trở về nhà.

 

Cái cảm giác đợi chờ, kỳ vọng, lo lắng và thất vọng đó cứ thay nhau ngự trị trong tôi một năm trường. Rồi người ta bắt anh. Ở trong vùng này, không có chuyện gì nhục hơn thế. Người ta xì xào về gia đình tôi như một đề tài nổi cộm. Tôi sinh con, tự mình chèo chống. Một đứa trẻ ra đời như là một niềm an ủi lớn, là một cứu cánh để tôi tồn tại. Ngày bế con vào thăm anh, nhìn anh khóc như một đứa trẻ tội nghiệp, tôi xót xa cho thân mình.

 

Về nhà mẹ anh bảo rồi nó sẽ hồi tâm chuyển ý. Hết tháng nay anh sẽ trở về nhà. Tôi không biết làm gì ngoài hi vọng. Chỉ có hi vọng mới không làm người ta héo hon!

 

Yên Mã Sơn