Lấy chồng bộ đội

(Dân trí) - “Thôi mày ơi! Lấy chồng bộ đội khổ lắm! Đêm về cũng nằm chỏng queo” - cô Lan kêu lên khi hay tôi quen một anh chàng lục quân trên phố.

“À, mà cũng được. Bộ đội cũng có cái hay”, rồi cô lại chống chế.

Hình minh họa: Internet

Hình minh họa: Internet


Chả là thế này. Chồng cô là sỹ quan đóng quân tận miền nam, 3-4 tháng, thậm chí nửa năm mới tranh thủ về thăm gia đình. Công việc to nhỏ, lớn bé, đối nội, ứng ngoại, chăm lo con cái, chú giao hết cho cô.

Lúc mang bầu cu lớn, bụng cô chửa nước phình to như cái thúng, di chuyển khệ nệ, khó khăn, nên mỗi lần đến viện khám thai, mẹ tôi phải đỡ. Có hôm mẹ bận, cô phải tự thuê xe ôm đi một mình. Nhiều người ở khoa sản tò mò nhìn cô đầy ái ngại. Những lúc như thế, cô sượng sùng hé lộ “em vợ bộ đội!” rồi chợt nghe vài tiếng “à” tỏ vẻ thấu hiểu loáng thoáng phía sau.

Cô Lan từng làm kế toán huyện. Nhưng sau khi sinh, không biết cậy nhờ ai trông giúp, cô đành xin nghỉ, ở nhà mở cửa hàng tạp hóa buôn bán cho thêm đồng ra đồng vào.

Còn nhớ, có lần lon ton chạy sang chơi, thấy cô hì hụi đóng đóng, đập đập chiếc chuồng gà, mồ hôi nhễ nhãi, tôi nhanh trí tót vào trong tìm quạt nan phe phẩy. Đang đong đưa nhịp nhịp thì nghe tiếng cô thở dài đánh thượt: “Tao mới vào bà chặt mấy cây tre về đóng cái chuồng to hơn. Chứ gà bắt đầu phổng phao rồi, chen chúc nhau tội quá. Tết năm nay chú mày về kiểu gì cũng có nhiều gà ăn. Ôi chao! Nhắc đến mới nhớ. Có chú mày ở nhà lúc này thì tốt biết mấy!”.

Ừ, mà quả thật, nếu chú tôi ở nhà, chắc cô cũng rảnh rang chút ít. Không phải lo vã mồ hôi hột khi con đột ngột sốt cao nhập viện. Không phải một mình vật lộn rửa bể nước mưa bám đầy rong rêu, bọ gậy giữa trưa nắng gắt. Cũng không phải táy máy ngồi sửa đường dây điện do chuột cắn, và còn nhiều thứ không phải khác nữa… làm sao kể hết. Chú vốn nổi tiếng khéo tay, lại chịu thương chịu khó, làm gì cũng nhanh cũng đẹp, thế nên nếu có chú ở nhà, thì cái chuồng gà này thấm tháp vào đâu, nhoằng cái đảm bảo xong ngon lành.

Năm nào cũng vậy, chú đều được nghỉ nguyên một tháng dành trọn vẹn bên vợ bên con. Khoảng thời gian ấy, đối với cô Lan lý tưởng như sống trên thiên đường. Sáng sáng nhiệm vụ duy nhất chú giao cho cô là đi chợ mua đủ số nguyên vật liệu theo đúng yêu cầu, kiểu gì trưa chiều cả nhà cũng được thưởng thức những món lạ độc đáo do chính tay chú xào xáo. Ngay cả chuyện đưa đón con đi học, chú cũng dành phần hết. Tối tối, sau bữa cơm đầm ấm có đủ 4 người, hai cô chú lại rủ nhau dạo quanh thôn xóm vòng vòng tập thể dục, hoặc tíu tít chở 2 con đi mua sắm, đến khu vui chơi, ăn ốc, ăn kem, chuyện trò rôm rả, bù đắp lại cho những ngày thiếu vắng.

Thằng bé thứ hai rất quấn bố. Chỉ cần thấy thấp thoáng dáng bố, nó đã chạy lại ôm hôn, la hét sung sướng. Nó khoái nghe bố kể chuyện doanh trại, thích bố chỉ cho cách vẽ biển đảo, vẽ những con sò ốc, san hô, những ngọn hải đăng, tàu thuyền neo đậu và cả hình chú hải quân giương cao ngọn súng đứng gác dưới ánh trăng trắng sáng rồi cười tít mắt khẽ bảo “con vẽ bố đấy”. Biết bố dặn kĩ “ở nhà phải ngoan” nên nó hoàn toàn vâng lời mẹ bởi trong cái đầu non nớt 5 tuổi ấy, nó luôn suy nghĩ “có ngoan bố mới chịu về chơi”.

Thằng lớn thì khác. Không phải nó cách xa hay ghét bỏ bố mà nó hoàn toàn “sáp” mẹ. Có lẽ do những năm đầu đời, quãng thời gian rất cần sự quan tâm, dưỡng dục của bố, thì chú lại thường xuyên vắng nhà, nên thành ra cu cậu “quấn hơi hướng” mẹ. Thế nhưng, mỗi dịp lễ tết, nếu bố không về, nó sẽ chủ động gọi điện hỏi thăm. Và ngay cả ngày 22/12, nó cũng chưa bao giờ quên gửi quà chúc mừng bố và chú bác cùng doanh trại.

Còn với cô Lan, khi chú trở về đơn vị, cô rất ít đi chơi, thường chỉ quanh quẩn vui đùa cùng hai con hoặc đưa thằng bé qua nhà tôi trò chuyện, để thằng lớn thư thả, yên tĩnh học bài.

C.Nguyễn