Làm "oshin" cho vợ
Đã có con nhưng anh Trung long đong mãi mới xin được việc ở một xí nghiệp cơ khí. Vốn tính nóng nảy, lại gặp phải ông sếp gia trưởng, cục cằn nên anh hay đụng chuyện với sếp. Sau nhiều lần bực bội, anh xin nghỉ việc, quyết tâm về "quán xuyến" việc nhà.
Chị Hải vợ anh chấp nhận, phần vì biết tính chồng như vậy khó hòa nhập với sếp cũng khó làm việc, phần vì để anh ở nhà cũng giải tỏa stress phần nào. Những ngày đầu thấy anh chịu khó đi chợ, nấu ăn và chăm con, chị thấy đỡ vất vả cho mình rất nhiều nên cũng vui.
Nhưng chỉ được năm bữa nửa tháng, vốn tính không kiên trì, lại từ bé phải xa nhà sống tự lập, mọi "kiến thức" để lo cho một tổ ấm gia đình không có, nên anh Trung cảm thấy công việc nhà trở thành gánh nặng. Anh trả lại cho vợ việc tề gia nội trợ.
Chị Hải bực bội, mệt mỏi vì phải đi làm, về đến nhà việc cơm nước, con cái lại ngập đầu trong khi chồng chỉ rong chơi, nhậu nhẹt với bạn bè. Từ một phụ nữ dễ thương chị trở thành khó tính, cáu kỉnh. Về đến nhà là chị "chửi gà, mắng chó", đá thúng đụng nia.
Sự coi thường của vợ càng khiến Trung bị tổn thương nặng nề. Có những lúc chịu không nổi, anh đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay với chị. Cái gia đình bé nhỏ, một thời là biểu tượng hạnh phúc của cả khu tập thể này, đã trở thành chiến trường với những cuộc đấu khẩu bất tận và những trận đánh nhau chí tử. Và, giải pháp cuối cùng khi "nước đã tràn ly" là ra tòa ly dị.
Còn anh chị Phương, Hoa kết hôn đã gần 20 năm nhưng hầu như hàng xóm láng giềng và ngay cả con cái trong gia đình chưa bao giờ thấy anh chị nặng lời với nhau. Cũng như bao gia đình trẻ khác, anh chị xây dựng tổ ấm bằng hai bàn tay trắng nên cuộc sống cũng rất thăng trầm. Anh Phương tốt nghiệp đại học ở nước ngoài. Với tấm bằng đỏ khoa chế tạo máy, về nước anh được nhận ngay vào làm tại một viện thiết kế.
Thế rồi, kinh tế thời mở cửa, các viện nghiên cứu thu hẹp lại, Phương về nhà máy chế tạo thiết bị của một bộ, làm trưởng phòng kỹ thuật. Nhà máy cũ kỹ, các mặt hàng sản xuất không phù hợp với thị trường nên nhà máy gần như phá sản. Đi làm với đồng lương ít ỏi "không đủ tiền xăng" như anh nói, Phương tình nguyện ở nhà giúp vợ nội trợ, chăm sóc hai đứa con nhỏ - một trai 7 tuổi, một gái 2 tuổi - cho vợ đi làm.
Còn Hoa, rất thông cảm với chồng nên khi nghe anh nói không muốn đi làm, chị động viên anh ở nhà để mình đi làm kinh tế. Lúc đó cơ quan chị cũng rơi vào tình trạng nửa bao cấp nửa không nên đồng lương cũng chỉ ba cọc, ba đồng. Thấy anh lo được việc nhà, chị quyết định hùn vốn với bạn bè làm ăn. Lúc đầu chỉ là một cửa hàng mỹ phẩm nhỏ, nhưng thấy làm ăn được, chị bung ra một lúc 3 cửa hàng nên phải đi làm từ sáng đến 22h mới về đến nhà.
Việc nhà giao toàn bộ cho anh quán xuyến. Mỗi lần về đến nhà, mặc dù rất mệt mỏi nhưng trên môi chị bao giờ cũng nở một nụ cười rất tươi với anh và các con. Chị luôn thể hiện sự biết ơn của mình đối với chồng khi thấy việc nhà cửa, con cái được anh chăm sóc chu đáo.
Hoa rất hiểu việc chồng rơi vào cảnh thất nghiệp không đơn thuần là chuyện lo lắng tiền bạc, mà còn là cảm giác thất bại về sự nghiệp của anh trước chị. Nỗi ám ảnh lớn nhất của anh là sợ vợ coi thường. Vì vậy, chị luôn động viên anh và cho rằng cơ hội cho một người có học, có tài như anh rất nhiều; rằng nay anh chỉ tạm ở nhà, nhường cơ hội kiếm tiền cho chị mà thôi. Và quả như lời chị nói, với những kiến thức và phong cách làm việc của Phương đã giúp anh tìm được một công việc phù hợp và thu nhập cao ở một công ty nước ngoài.
Còn chị, cho đến lúc này mới dám thở phào vì biết giai đoạn nguy hiểm nhất của hôn nhân đã qua nhờ chị hiểu rõ giá trị đích thực của chồng và tình yêu chân thành của chị dành cho anh.
Theo Kiến Thức Gia Đình