Làm mẹ rồi, thương mẹ vạn lần hơn

(Dân trí) - Ở mỗi giai đoạn cuộc đời mỗi người sẽ có những buồn vui khác nhau. Nhưng dù nghèo khổ hay đủ đầy, dù là bé thơ hay đã trưởng thành, thì khi ta buồn, khi ta đau, người ta nghĩ về, nhớ về nhiều nhất có lẽ vẫn là Mẹ.


Hình minh họa: Corbis Images

Hình minh họa: Corbis Images

Hôm nay con sốt, nghỉ làm. Trưa nằm dỗ con ngủ, thấy nắng xuân rọi qua cửa sổ. Lạ, thấy nắng mà sao lòng cứ hoang hoải buồn. Ti vi đang chiếu một bộ phim. Trong phim, có cô bé mồ côi nói với bạn: “Những người hạnh phúc nhất thế gian là những người còn mẹ”. Niềm hạnh phúc lớn lao ấy, thật may mắn mình vẫn còn, nhưng lại ít được tận hưởng. Không phải vì quá xa, mà vì không được thường xuyên ở gần, nên tự thấy thiệt thòi.

Đôi khi giữa chốn đô thị phồn hoa, thấy đôi chân mình tự nhiên quá đỗi mệt mỏi. Những lúc như thế chỉ ước được về nhà. Để mỗi sáng mai thức dậy đã nghe con khướu đen hót vang ngoài cửa sổ. Để ngồi bên ấm nước chè xanh mẹ dậy vò từ sớm, uống từng ngụm chát đắng mà nhìn lá tre rơi đầy ngõ chưa kịp quét đã phủ dày lối đi. Cuộc sống là thích nghi, bởi vì cuộc sống luôn luôn biến động. Nhưng có những thứ mãi mãi không đổi thay mỗi khi nhớ về.

Cứ tưởng khi đã có gia đình riêng rồi, có con rồi thì mỗi lần về nhà bố mẹ như một cuộc viếng thăm mà thôi. Vậy mà mỗi lần ra đi lại cứ khóc. Có một nỗi nhớ thương, một niềm tiếc nuối dâng lên không ngăn được. Nhất là khi nhìn mẹ ôm cháu vào lòng mà khóc, nhìn bố thẫn thờ nhìn theo bóng con. Mới hiểu rằng một phần đời của mình là ở đó. Là góc bếp cũ, mảnh sân nhỏ, khu vườn rộng. Là những bờ tre, giếng nước, con đường. Tuổi thơ đã từ bỏ ta đi như một người tình sâu nặng. Biết là mình đã từng có, đã từng yêu lắm mà không thể quay về.

Đêm qua, bế con ngủ gục trên vai vì mệt mỏi sau cơn sốt. Chợt nghĩ, ngày xưa mỗi lần mình ốm, mình quấy, mình có làm mẹ khóc như mình bây giờ không? Ngày xưa, mỗi lần mình không chịu ăn, mình đòi hết thứ này qua thứ khác, bắt mẹ hết xoa lưng lại gãi chân, hết gãi đầu lại gãi cổ suốt đêm, mẹ mình có cáu với mình như mình đã cáu với con không?

Chiều qua đón con từ lớp về, thấy con quấy khóc đòi bế, tưởng con làm nũng liền phát nhẹ vào mông con một cái. Tối con sốt, biết con mệt, mới biết mình đánh oan con, mới rối rít xin lỗi con. Con bảo: “Con không giận mẹ đâu.” Vậy mà nước mắt mẹ loang cả vai áo con nóng hổi. Có những việc khi đã sai rồi, dẫu là vô tình sai, dẫu là không biết mà sai, dù đã xin lỗi, dù đã được thứ tha vẫn thấy lòng day dứt.

Bố của con gái bảo: Yêu con nhiều hơn đi nhé. Đừng vì những mệt mỏi của riêng mình mà chấp nhặt cả những trò mè nheo của con nhỏ. Và mình nhận thấy, những khi mình mắng con, không hẳn tại vì con, mà chỉ là vì mình đang mệt hoặc đang dở tay việc gì đó mà không thể chiều con bế con một tý. Vậy là mắng con không ngoan, vậy là cáu giận. Làm một người mẹ luôn dịu dàng, thật khó biết bao nhiêu.

Em trai mình vừa được làm bố. Đêm con khóc, nó bồng con ru suốt đêm. Nó tâm sự trên facebook: “Có con rồi mới thấy thương cha mẹ nhiều hơn”. Mình hiểu được điều này từ khi bước chân ra khỏi nhà làm con nhà người khác. Cảm nhận rõ khi nằm trong phòng hộ sinh. Và thấm thía nhiều hơn sau mỗi lần con sốt, con ho, con biếng ăn, con đau ốm.

Giá mà mình hiểu được sớm hơn, để mẹ đỡ phải vất vả những khi mình lười biếng. Để cha khỏi phiền lòng khi dạy bảo mà mình bướng bỉnh không nghe. Sẽ bớt đi những nhăn nhó, cáu gắt. Điều mà dù thế nào cũng không nên có ở những đứa con đối với bậc sinh thành. Nhưng biết làm sao được khi mà “khôn không đến trẻ”. Chỉ tiếc cho rất nhiều người khi đã hiểu ra thì cũng chính là khi vĩnh viễn muộn mất rồi.

Nhớ dịp tết vừa rồi về quê, sang nhà bác họ chơi. Bác năm nay đã hơn 90 tuổi, già và lẩn thẩn lắm rồi. Cười với bác mà lòng rưng rưng. Nhớ hồi mình còn nhỏ, thỉnh thoảng bác lại hái một ít táo, một ít ổi trong vườn giấu vào túi áo rồi đem sang cho, mùa nào thức nấy. Đi đám giỗ, đám cưới ở đâu về, có quả chuối hay cái bánh bác cũng để giành phần. Mình đi học Đại học, mỗi lần về nghỉ hè nghỉ tết rồi đi bác đều cho tiền. Những đồng tiền bác dành dụm được từ tiền tuất liệt sĩ-con trai cả của bác.

Giờ sang thăm bác, phải nói mãi bác mới nhận ra mình là ai. Một chiều sang nhà, thấy bác đang nằm khóc. Bác cứ gọi “Mẹ” và khóc hu hu. Có ai từng nghe một người đã gần trăm tuổi, có một đàn chắt lớn chắt nhỏ khóc vì nhớ mẹ chưa? Cái tuổi đã thấy đất ở rất gần, đã muốn quên hết mọi thứ rồi lại nằm khóc vì nhớ mẹ. Nghe, lòng nao nao buồn không tả được. Hóa ra ở tuổi nào, dù là bé thơ, dù khi đã lớn, dù đã trở thành mẹ thành cha, hay đã sắp thành người thiên cổ, thì khi ta buồn, khi ta đau, người ta nghĩ về, nhớ về nhiều nhất vẫn là mẹ.

Nhiều khi, ôm con gái vào lòng, theo thói quen vẫn buột miệng hỏi “con có yêu mẹ không?” Và hạnh phúc trào dâng khi nghe con thì thầm “con yêu mẹ”. Mình cũng muốn nói thế với bố mẹ mình những chưa bao giờ làm cả. Và mình nghĩ, có lẽ có nhiều người giống mình, nhớ về mẹ về cha, thương đến quặn lòng, nhớ đến da diết. Vậy nhưng một câu nói yêu không thốt ra được. Không phải do vô tình, không phải không muốn thể hiện. Hình như nó quá nặng ở trong tim để có thể nhấc ra mà nói thành lời.

Lê Giang

Làm mẹ rồi, thương mẹ vạn lần hơn - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm