Làm lơ cho chồng đi ngoại tình

Biết chồng mình cặp bồ nhưng Hoa quyết không ly hôn. Chồng vừa kiếm được tiền lại vừa yêu thương con gái nên chia tay, chắc chắn mọi bất lợi sẽ đè nặng lên vai cô.

 
Làm lơ cho chồng đi ngoại tình - 1


Để tình cảm yếu đuối không đánh gục ý chí, Hoa cố tìm niềm vui trong công việc. Hoa đi làm rất sớm và thường là nhân viên sau cùng ra khỏi công ty. Hôm nào không làm thêm giờ, Hoa la cà khắp các siêu thị, cửa hàng giảm giá, sẵn tiền thì mua, nếu không, ngắm cho vui mắt. Cũng có khi, Hoa ngồi thiền trong quán cafe, nghe hóng chuyện của thiên hạ xung quanh. Hoa làm mọi cách, cốt sao để đầu óc luôn bận rộn tới mức không bị ám ảnh bởi chuyện “chồng mình đang tình tứ bên một cô ả khác”.

 

Phương (Hà Tĩnh) luôn phải tự nêu cao khẩu hiệu “cố gắng để con cái có cả bố và mẹ”. Khóc lóc, vật vã, dọa nạt mà chồng vẫn say bồ như điếu đổ (kể cả khi chồng chán cô này thì Phương có thể khẳng định chồng mình sẽ lại cặp ngay với một cô khác) nên Phương sống với phương châm: không biết - không nghe - không thấy.

 

Phương tuyên bố với chồng: “Em chẳng còn sức mà ghen nhưng lương tháng phải nộp đủ cho em”. Bù vào nỗi thiệt thòi tinh thần, Phương cố vớt vát chút vật chất để lấy vốn nuôi con. Thế nhưng những lúc buồn, Phương lại tự an ủi: “Coi như người chồng yêu thương của mình đang làm ăn xa, còn người đàn ông đang sống chung nhà chỉ là bố của con mình”. Rảnh rỗi là Phương lên mạng chat tít mù, để vượt qua cảm giác xót xa vì bị chồng hờ hững.

 

“Nhờ” chồng ngoại tình, Thục (quận 1, TPHCM) sụt mấy cân thịt mà không cần ăn kiêng. Chán cảnh giáp mặt chồng chỉ tổ cãi vã và cũng không thể chấp nhận cảnh thấy chồng vô tư nhắn tin, gọi điện cho bồ trước mặt, Thục đăng ký một khóa học thể dục nhịp điệu, học cắm hoa, trang điểm… Tóm lại, có khóa học nào buổi tối, Thục không tiếc tiền tham gia. Giao lưu bên ngoài sẽ giúp Thục được khuây khỏa, hơn nữa, tối về đến nhà là mệt nhoài thì sẽ ngủ ngon hơn. Điều này sẽ tránh được tâm lý cay đắng phải ngồi vò võ chờ chồng tàn “cuốc chơi gái” đêm khuya.

 

Nỗi lòng “sống chung với lũ”

 

Bị chồng phản bội, ở vào mỗi hoàn cảnh khác nhau, mỗi người có cách ứng xử khác nhau.

 

Nếu một số chị em sẵn sàng chia tay cho thanh thản, quyết chí nuôi con một mình thì cũng có người không muốn ly hôn vì nhiều lý do: Có thể do phụ thuộc kinh tế vào chồng, không thể vượt qua dư luận bị chồng bỏ (hoặc bỏ chồng), sợ con cái thiếu vắng tình yêu của bố, còn tình cảm với chồng hoặc kiên nhẫn chờ đến một ngày nào đó, chồng sẽ thay đổi. Không ít người vợ biết thừa chồng không thể thay đổi nhưng vẫn quyết tâm duy trì mái ấm.

 

Bỏ hoặc quyết định sống chung với người chồng trăng hoa, phụ thuộc phần lớn vào vợ. Nếu tiếp tục duy trì tổ ấm, người vợ nên chuẩn bị tinh thần thép để đối mặt với một chặng đường dài phía trước. Có 2 luồng suy nghĩ giằng xé trong tinh thần người vợ, một sẽ cố nhẫn nhịn vì con cái, hai là khao khát được công bằng. Một lúc nào đó, khi niềm tin đã cạn kiệt hoặc lúc mỏi mệt, người vợ sẽ băn khoăn: “Tại sao phải chịu đựng vì một người chồng không ra gì? Có nên ly hôn để tìm kiếm hạnh phúc mới”… Một số quyết tâm để được ly hôn nhưng cũng có một số, nhẫn nhịn để sống tiếp.

 

Cứ im lìm mà sống không thể giải quyết triệt để vấn đề. Người vợ nên học cách cân bằng tâm lý, tìm niềm vui trong cuộc sống như vui chơi, học hành, làm đẹp, tìm kiếm lời khuyên “cải tạo” chồng từ những người đáng tin cậy…

 

Nên tìm mọi cơ hội để chồng ở nhà (bớt thời gian với bồ) bằng cách nhờ chồng việc nhà, vui chơi, chăm sóc và dạy con cái học hành, gần gũi và hâm nóng tình cảm với chồng. Có thể nhờ họ hàng, người thân tác động thêm để chồng sớm “tỉnh ngộ” nhưng cách này phải khéo léo. Tránh cãi vã, bới móc hoặc tìm cách hủy hoại bản thân vì ghen tuông.

 

Bản thân người vợ nên học cách nắm bắt cảm xúc của mình, không nên cố gắng nhẫn nhịn tới mức bị khủng hoảng, stress hay trầm cảm quá mức vì chồng. Nếu sự chịu đựng vượt quá giới hạn, người vợ nên can đảm cân nhắc đến chuyện chia tay, vừa để giải thoát cho bản thân vừa tạo môi trường sạch cho con cái phát triển.

 

Theo Mẹ và bé