Làm dâu trời Tây: Mẹ chồng như bạn gái!

- “Con dâu là một thành viên mới trong gia đình nhà chồng nhưng không có nghĩa vụ phải chăm sóc cha mẹ chồng. Mẹ chồng - nàng dâu làm quen với nhau như hai người bạn gái, sinh nhật thăm hỏi tặng quà và tôn trọng lẫn nhau”, Tâm Phan chia sẻ.

Tâm Phan, tác giả cuốn “Hồi ký Tâm Phan”, “Sex và những thứ khác”, “Lần đầu làm mẹ”, “Yêu như là sống”…là một nàng dâu Việt ở trời Tây. Hiện cô đang sống cùng chồng và con gái nhỏ tại Geneva, Thụy Sĩ. Cô đã dành thời gian chia sẻ với VietNamNet về chuyện mẹ chồng - nàng dâu ở phương Tây.

“Con dâu không có nghĩa vụ gì với mẹ chồng”

Phần lớn phụ nữ Việt kết hôn đều rất áp lực với việc làm dâu, đặc biệt khi phải sống chung với gia đình chồng. Khi chị lấy chồng, chị có bị áp lực về điều này không?

Tôi không hề chịu áp lực với việc làm dâu vì chồng tôi đã không sống chung với cha mẹ từ năm 21 tuổi. Hiện vợ chồng tôi sống ở Thụy Sỹ trong khi bố mẹ chồng ở Úc.

Chị có thể chia sẻ rõ hơn về việc làm dâu của chị?

Tôi may mắn có một người mẹ chồng rất tuyệt vời, tâm đầu ý hợp. Bà và tôi hợp nhau từ khẩu vị ăn uống đến gu thời trang. Năm nay mẹ chồng tôi đã 70 tuổi nhưng bà luôn theo dõi thời sự trong nước (Úc) và Quốc tế. Trong các cuộc điện thoại giữa mẹ chồng - con dâu, ngoài những chuyện về đầu tóc làm đẹp chúng tôi còn trao đổi, bày tỏ quan điểm về những sự kiện Kinh tế, Chính trị và Xã hội đang diễn ra trên Thế giới. Mỗi tuần 2 lần vào thứ tư và ngày Chủ nhật, bố mẹ chồng gọi video skype cho chúng tôi, nói chuyện với con trai, con dâu và cháu nội. Mỗi lần gọi ông bà dành cả tiếng đồng hồ để chơi với cháu nên chúng tôi không có cảm giác xa cách về địa lý cũng như về tình cảm.

Người ta vẫn nghĩ làm dâu ở trời Tây sướng lắm vì mẹ chồng - nàng dâu không phải sống chung nhà, mẹ chồng cũng không can thiệp vào cuộc sống của con dâu như ở Việt Nam, không có lễ giáo, tục lệ gì phải theo… Thực tế có đúng như vậy không thưa chị?

Thực tế đúng như vậy. Trước hết, phải nói về mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái. Người phương Tây họ rất độc lập mặc dù họ vẫn lấy tình cảm gia đình làm trọng. Tuy nhiên, không phải cứ sống chung với nhau thì mới là yêu thương nhau. Con cái đến tuổi trưởng thành phải tự lập, ra ở riêng, không thể sống dựa vào cha mẹ. Khi con cái trưởng thành, cha mẹ luôn tôn trọng con như một cá thể độc lập. Con tự quyết định tương lai sự nghiệp mình muốn theo đuổi. Cha mẹ sẽ đưa ra những lời khuyên và giúp đỡ con nhưng người quyết định vẫn là con. Về đời sống tình cảm cũng vậy, yêu ai, lấy ai do chính con quyết định. Giàu hay nghèo, sướng hay khổ là số phận của con, cha mẹ có muốn cũng không thể thay đổi được. Chính vì vậy, con dâu có là ai thì cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của bố mẹ chồng. Vì họ không sống chung một nhà nên không có gì xáo trộn, chỉ có cuộc sống riêng của người con trai là thay đổi từ một người độc thân thành người đàn ông có vợ. Vậy thôi.

Tâm Phan và mẹ chồng như hai người bạn gái (Ảnh: vietnamnet)

Tâm Phan và mẹ chồng như hai người bạn gái (Ảnh: vietnamnet)


Chị có thể so sánh sự khác nhau căn bản giữa việc làm dâu, quan hệ mẹ chồng - nàng dâu ở Việt Nam và phương Tây?

Sự khác nhau căn bản nhất là mẹ chồng nàng dâu không sống chung một nhà. Con dâu là một thành viên mới trong gia đình nhà chồng nhưng không có bất kỳ một nghĩa vụ nào với mẹ chồng. Mẹ chồng - nàng dâu làm quen với nhau như hai người bạn gái, sinh nhật thăm hỏi tặng quà và tôn trọng lẫn nhau. Mẹ chồng nàng dâu có thể không ưa nhau, không hợp nhau về tính cách nhưng vì không sống chung nên họ cũng không phải va chạm với nhau.

Bí quyết hòa hợp là không sống chung

Nhắc đến chuyện mẹ chồng - nàng dâu ở Việt Nam là nghĩ đến sự thiếu hòa hợp, mâu thuẫn. Có ý kiến cho rằng phụ nữ hiện đại có cái tôi cá nhân rất lớn nên khi làm dâu họ không còn nín nhịn, sẵn sàng cãi nhau tay đôi với mẹ chồng nên gia đình mới căng thẳng. Theo chị đó có phải là nguyên nhân chính dẫn đến quan hệ mẹ chồng – nàng dâu ngày càng xấu đi?

Không. Nhân vô thập toàn - không có ai hoàn hảo cả và cũng không phải những người mới gặp và làm quen đều hợp tính và yêu quí nhau, nói chi đến mẹ chồng - nàng dâu. Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu phức tạp hơn mối quan hệ giữa 2 người phụ nữ vì cả hai cùng yêu 1 người đàn ông và đều muốn chứng tỏ tầm quan trọng của mình đối với người đàn ông đó. Đây mới là nguyên nhân chính, chứ không phải do mẹ chồng hay con dâu hiền hay dữ.

Bí quyết hòa hợp với mẹ chồng của chị là gì?

Bí quyết hòa hợp giữa mẹ chồng với nàng dâu là KHÔNG SỐNG CHUNG MỘT NHÀ. Cho dù là người thân thiết trong gia đình, sống chung một nhà cũng đôi lúc xảy ra mâu thuẫn, chứ đừng nói đến một người xa lạ (con dâu) dọn đến ở cùng. Tôi có thời gian 4 tháng sống cùng với bố mẹ chồng, mặc dù tôi và mẹ chồng quí mến và rất hợp tính nhau nhưng đôi lúc tôi cảm thấy ngột ngạt, muốn có những khoảnh khắc được một mình nhưng vì sống chung luôn đòi hỏi phải tương tác với những người trong nhà, sinh hoạt gia đình cũng phải theo thói quen của bố mẹ chồng.

Có những lúc tôi bị stress công việc, về nhà gắt gỏng trong khi mẹ chồng rất quan tâm và cưng chiều. Bà có thể bị tổn thương khi thấy tôi khó chịu, nói năng thô lỗ. Sau đó tôi cũng xin lỗi mẹ chồng và bà cười xòa nhưng những việc nho nhỏ đó như những vết rạn, có ngày sẽ vỡ ra. Tôi không muốn làm hỏng mối quan hệ tốt đẹp với mẹ chồng nên tôi đã thuê nhà ra ở riêng. Từ đó đến nay mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu giữa chúng tôi lại tốt đẹp như xưa (cười).

Nếu Tâm Phan phải làm dâu trong một gia đình Việt truyền thống, sống cùng mẹ chồng, khi mẹ chồng và chị không cùng chung quan điểm về một vấn đề gì đó như cách chăm sóc con cái, nhà cửa… chị sẽ xử lý như thế nào?

Giải pháp cho tất cả các tình huống là DỌN RA Ở RIÊNG. Không ai có thể nhịn mãi được, dù cố gắng yêu thương mà trong lòng không thực sự yêu thương thì đó cũng chỉ là giả tạo. Không ai giả tạo mãi được. Vì vậy, thay vì phải “đóng kịch” hay nghĩ cách đối phó với mẹ chồng, tôi sẽ bàn với chồng dọn ra thuê nhà ở riêng.

Chị có thể chia sẻ cách giải tỏa áp lực khi mẹ chồng - nàng dâu không hòa hợp?

Nói thật tôi không phải là người giỏi nhịn, tôi cũng không thể đóng vai “ngoan hiền chịu đựng” nên dù là mẹ chồng nói sai tôi không thể cúi đầu vâng dạ. Mẹ chồng một khi đã ghét con dâu, làm mọi thứ để hành hạ con dâu thì không có cách nào có thể biến chuyển điều đó thành “tình yêu thương” được. Các bạn đừng tự huyễn hoặc rằng: “mình cứ hiền thục nhẫn nhịn thì mẹ chồng sẽ yêu mình ngay”. Điều đó chỉ có trong các giấc mơ chứ thực tế thì ta vẫn phải đối mặt. Cách duy nhất để giải thoát cho cả hai là hãy sống xa nhau ra, đừng gặp mặt nhau nữa, đừng nói chuyện với nhau nữa, coi như không có mối quan hệ.

Theo chị người chồng có vai trò gì trong quan hệ mẹ chồng - nàng dâu?

Người chồng chính là lý do cốt lõi cho sự xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu. Vì 2 người đàn bà cùng yêu 1 người đàn ông (người chồng/người con) và đều muốn thể hiện quyền uy, sự ảnh hưởng của mình đối với người đàn ông đó.

Nếu người đàn ông tỏ ra độc lập, không bị người nào chi phối thì tình hình có thể khá hơn, 2 người đàn bà cũng sẽ có ít lý do để thể hiện quyền uy của mình. Người đàn ông đó chắc chắn yêu cả 2 người đàn bà nhưng với 2 tình yêu hoàn toàn khác nhau. Yêu mẹ, tôn kính mẹ nhưng đủ trưởng thành để biết đúng sai. Yêu vợ nhưng không quá mù quáng, vợ nói gì cũng nghe. Nếu tôi là người chồng, tôi sẽ dọn ra ở riêng để xây dựng một mái ấm hạnh phúc với vợ con, tôi sẽ thường xuyên gọi điện cho mẹ, thỉnh thoảng đưa vợ con về thăm mẹ. Như vậy, tình yêu của người đàn ông được thể hiện hết mình với 2 người đàn bà và 2 người đàn bà không phải cạnh tranh, mâu thuẫn với nhau.

Điều này không chỉ có lợi cho cả 3 người mà còn tốt đẹp cho cả con cháu sinh ra lớn lên trong một gia đình có ông bà và cha mẹ hạnh phúc bên nhau.

Có người cho rằng, trước khi nhận xét về trai Việt thì nên xem lại phụ nữ Việt Nam đã giáo dục con trai của mình như thế nào. Nếu chị có con trai, chị sẽ dạy con như thế nào?

Nếu tôi có con trai ở tuổi trưởng thành, tôi sẽ nói với con thế này: Con ạ, con yêu ai lấy ai là cho con, không phải cho mẹ. Con chọn lấy người lăng loàn đĩ thõa thì con phải chấp nhận vợ con bồ bịch. Con lấy được vợ hiền lành đảm đang thì con được sung sướng. Dù con dâu thế nào mẹ cũng chấp nhận NHƯNG hai đứa phải ra ở riêng, chuyện vợ chồng con sướng hay khổ, vui hay buồn mẹ không cần biết. Chỉ cần biết rằng mẹ luôn luôn yêu con, chào đón con dâu trong các buổi tụ họp gia đình. Mỗi khi con có điều gì cần tâm sự hay lời khuyên, mẹ sẽ luôn ở bên con. Mẹ yêu con và cầu chúc con được hạnh phúc!

Theo Kim Minh
Vietnamnet