Lại chuyện "vợ chồng cuối tuần"

Hằng là phóng viên một tờ báo, sống cùng mẹ ở TPHCM, còn chồng cô làm kiến trúc sư ở Vũng Tàu. Cuối tuần, khi thì anh phóng xe về với vợ, lúc thì chị bắt tàu cánh ngầm ra thăm chồng. Bạn bè ai cũng bảo họ lúc nào cũng như cặp tình nhân.

Nhiều người còn nói, Hằng thế mà sướng, đi làm về khỏi phải lo chuyện cơm nước hầu chồng, nhà cửa đã có người dọn dẹp. Mỗi khi cô đi công tác, chỉ cần nhấc máy thông báo với chồng một tiếng là xong, không phải tất bật chuẩn bị đồ ăn dự trữ trong tủ lạnh như các chị đồng nghiệp.

 

Cũng nằm trong số những đôi sống kiểu gặp nhau cuối tuần, chị Hạnh, kế toán một ngân hàng ở TPHCM và anh Kiên, kỹ sư dầu khí Vũng Tàu, sau 3 năm xa cách phải đối mặt với nhiều thách thức khi hai con lần lượt ra đời.

 

Nội, ngoại đều ở xa, mỗi khi con ốm đau, chồng không về được, một mình chị lo lắng ngược xuôi mà không khỏi tủi thân và chạnh lòng.

 

Nhưng chính vì xa chồng, một mình nuôi dạy con đã khiến chị trở thành một người đảm đang. Từ việc nhỏ đến việc lớn trong nhà đều một tay chị lo, có lần chị than: “Anh ấy cứ như khách trọ trong nhà, đụng đến cái gì cũng hỏi. Hai đứa con cũng không gần gũi với ba như những đứa trẻ khác”.

 

Và sống lâu thành quen, chỉ có mấy mẹ con nên bữa cơm gia đình chị cũng đơn giản, có gì ăn nấy, mỗi người một bát chứ ít khi dọn thành mâm.

 

Giờ thì hai con của chị Hạnh đều đã đi học nhưng cuộc sống vợ chồng chị lại trở nên căng thẳng. Chị kể, mấy lần chồng chị đổi việc, chuyển công tác về thành phố nhưng không hiểu sao anh lại bực bội mỗi khi về nhà, con cái đùa giỡn cũng rầy la. Lúc đầu, chị nhẹ nhàng góp ý nhưng được vài ngày đâu lại vào đấy. Giọng anh hằn học: “Đây quen sống một mình” và rồi anh tìm mọi lý do để thôi việc.

 

Trầy trật hơn 2 năm, giờ anh Kiên đang đầu quân cho một tập đoàn nước ngoài, làm việc ở Cà Mau và đều đặn tuần, tháng đi về với vợ con. Chị Hạnh tâm sự: “Lúc đầu, tôi nghi anh ấy có “phòng nhì”, bị vợ con trói chân nên hằn học. Nhưng bỏ công tìm hiểu mới biết là không phải. Sống bên vợ con, anh ấy thấy tù túng, tôi cũng chẳng thoải mái gì. Chồng ở nhà nên mọi thứ phải nề nếp, ngày lo ba bữa tươm tất, công việc bộn bề nên tôi rất căng thẳng”.

 

Mong ở gần nhau

 

Ở gần nhau dù bực bội chuyện gì vẫn phải gặp nhau hằng ngày, dễ có cơ hội bộc bạch, làm lành, nhưng xa nhau thì đôi khi chuyện nhỏ cũng khó giảng hòa. Quỳnh đi dạy ở Cao đẳng sư phạm Quảng Bình, còn chồng lại ở trong Nam đảm đương vai trò giám đốc một công ty chi nhánh về xây dựng. Nhiều lần họ bàn tính chuyện sum họp, nhưng 4 năm đã trôi qua, mỗi người vẫn ở một phương.

 

Hồi chưa mua được nhà, anh sợ vợ con ở nhà thuê sẽ khổ, đến khi mua được rồi thì Quỳnh chưa xin được việc ở trong đó. Lần lữa mãi, vợ chồng họ vẫn phải chọn giải pháp đi về hằng tháng. Quỳnh tâm sự: “Hồi sống chung với nhau thì không sao nhưng từ khi chồng mình chuyển công tác, lâu lâu mới được gặp nhau, mình lại hay hờn giận và tủi thân. Lần nào cũng vậy, vợ chồng không gây chuyện này thì cũng xích mích chuyện khác”.

 

Trường hợp của Nhung và Tiến cũng không kém phần rắc rối. Nhung làm ở công ty liên doanh nước ngoài tại TPHCM, còn Tiến là cán bộ hải quan ở một tỉnh Tây Nguyên. Cưới nhau đã hơn 2 năm nhưng họ vẫn như mặt trăng, mặt trời. Nhung tâm sự: “Chồng mình ghen khủng khiếp, gọi điện thoại kiểm tra liên tục. Có khi thình lình anh ấy bắt xe về trong đêm mà không báo trước. Mình thấy ngột ngạt và thiệt thòi, chỉ mong sao vợ chồng được gần nhau để bớt đi những nỗi lo không đáng có”.

 

Theo giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện xã hội học, kiểu sống vợ chồng “cuối tuần” có mức chi phí cao gấp nhiều lần so với những gia đình bình thường do đi lại rất tốn kém. Ngoài ra, lối sống này sẽ tạo cho người trong cuộc cảm giác cô đơn, lo lắng và những giây phút yếu lòng rất dễ xảy ra khiến cho gia đình đổ vỡ. Bên cạnh đó, tâm lý nghi ngờ, ghen tuông vô lối cũng thường xuất hiện hơn khiến cả hai đều căng thẳng.

 

Theo ông, nếu điều kiện công việc không thể sống cạnh nhau, người trong cuộc cần phải có sự tin tưởng, chia sẻ và biết cảm thông cho nhau để hạn chế tối đa những vết gợn trong quan hệ vợ chồng.

 

Theo Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm