Kiểu gia đình “để mai tính”

Nghĩ mình trẻ, mới cưới, còn nhiều thời gian để tận hưởng cuộc sống, lại đang có cơ hội kiếm tiền nên không ít cặp vợ chồng chủ trương hoãn nhiều dự định của đời sống hôn nhân: hoãn sinh con, hoãn đi du lịch, hoãn luôn chuyện quan tâm chăm sóc nhau.

 
Kiểu gia đình “để mai tính” - 1


Hình minh họa: SGTT
 
Chia hạnh phúc ở thì tương lai

 

Có một người vợ muốn cùng chồng đi du lịch Singapore, nhưng người chồng quá bận rộn cứ hẹn lần hẹn lữa. Khi công việc có thể thu xếp được và người chồng lên kế hoạch cho một chuyến đi, thì người vợ gặp tai nạn xe máy qua đời, một mình bước vào chuyến đi vĩnh hằng.

 

Trường hợp vợ chồng chị Nguyễn Hạnh Thuý, quận 2, TPHCM thì chưa đến mức bi kịch như thế. Sau khi tổ chức lễ cưới, cô dâu và chú rể trở lại với công việc, không có thời gian nghỉ ngơi vì họ cho rằng kiếm tiền để lo cho cuộc sống mới thật sự quan trọng. Chị nói: “Lúc đó chúng tôi nói với nhau khi nào có tiền đi trăng mật cũng chưa muộn. Bẵng đến bảy năm sau chúng tôi mới được thong thả về tài chính để tự thưởng một vài chuyến du lịch hàng năm, nhưng với cảm giác bề bộn nhà cửa và con cái cùng bao mối lo khác nhau, không thể nào trọn vẹn được như ngày ấy. Có thể kiếm tiền cả đời nhưng không thể đi trăng mật hai lần!”.

 

Còn vợ chồng anh N. thì khi cưới nhau cả hai thống nhất sẽ xây dựng kinh tế vững vàng rồi mới có con. Suốt bốn năm ròng, cả hai cũng nỗ lực kiếm tiền. Khi đã có nhà, có xe, có đủ các tiện ích trong gia đình, hai anh chị nghĩ đến việc có con. Nhưng năm năm liền, hai anh chị làm đủ mọi cách, đi khắp các bệnh viện trong Nam ngoài Bắc để chạy chữa, dùng cả thuốc tây lẫn ta, tốn rất nhiều tiền mà mái nhà của họ vẫn vắng tiếng cười con trẻ.

 

Những mối nguy tiềm ẩn

 

ThS Phạm Phúc Thịnh, chuyên viên tư vấn tại TPHCM cho biết lối sống “để mai tính” của các cặp vợ chồng trẻ là một thực tế đáng ngại trong xã hội hiện nay. Vì áp lực của cơm áo gạo tiền… đa phần các cặp vợ chồng trẻ đều có khuynh hướng ưu tiên cho việc “cày cuốc” để xây dựng kinh tế, còn một số việc như con cái, hưởng thụ cuộc sống hoặc những vấn đề mang tính tinh thần thường được lên kế hoạch ở tương lai.

 

“Thoạt nhìn có vẻ hợp lý, tuy nhiên, nếu nhìn nhận sâu hơn, thì trong kế hoạch đó tiềm ẩn một số mối nguy. Áp lực của việc xây dựng kinh tế sẽ làm tình cảm vợ chồng có nguy cơ phai nhạt, những giây phút dành riêng cho nhau không còn, những thời khắc lãng mạn như khi chưa cưới bị xem nhẹ. Bên cạnh đó, việc áp dụng quá mức các biện pháp ngừa thai lâu dài có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, mà thường gặp nhất là vô sinh thứ phát”, ông Thịnh lưu ý.

 

Theo ông, các cặp vợ chồng trẻ nên có một kế hoạch hợp lý cân bằng giữa việc “cày cuốc” để xây dựng kinh tế với việc có những phút giây dành riêng cho nhau như cùng đi du lịch ngắn ngày, cùng tham gia làm một công việc xã hội... để thường xuyên hâm nóng tình cảm vợ chồng. “Đồng thời, đừng quên rằng, sự có mặt của một đứa con chính là yếu tố giúp cho tình cảm vợ chồng thêm gắn kết”, ông Thịnh nói.

 

Theo ThS Phạm Thị Thuý, phó bộ môn xã hội học, giảng viên học viện Hành chính TPHCM, “để mai tính” là lối sống thụ động, chần chừ. Không ai tắm hai lần trên một dòng sông, dòng nước đã trôi đi không bao giờ quay trở lại. Vậy để mai tính những việc nên và cần làm ngay sẽ là sự lãng phí thời gian. Ông bà ta có câu “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. Lãng phí thời gian cũng chính là lãng phí cuộc sống. Hãy tận hưởng từng phút giây của cuộc sống.

 

“Mỗi người cần có mục tiêu sống và kế hoạch thực hiện mục tiêu đó. Khi đã cân nhắc kỹ điều quan trọng mà mình muốn và cần làm thì phải quyết tâm thực hiện ngay, kẻo không còn cơ hội. Ví dụ như việc dạy con, con mỗi ngày một lớn, nếu chúng ta không ở bên con từng ngày, lúc nhìn lại sẽ tiếc tuổi thơ của con đi nhanh quá. Bản thân tôi đôi khi vẫn tiếc vì đã không làm sớm hơn những việc mình muốn làm. Tận hưởng cuộc sống không khó nếu ta biết tận hưởng từng giây phút để làm điều mình cho là quan trọng nhất, có như thế mới không phải nói lời hối tiếc”, bà Thuý chia sẻ.

 

Theo Ngô Phương Thảo

SGTT