Khuôn… khổ

Một trong những nguyên tắc sống không gây phiền phức cho nhau là sự tự giác thực hiện đúng những thỏa thuận giữa các thành viên trong gia đình. Sự thỏa thuận là những quy ước chung nhất nhằm tạo ra một một nề nếp riêng cho từng gia đình. Tuy nhiên...

Càng vào khuôn càng... khổ?

 

Khi quyết định lấy nhau, anh Trần Hùng yêu cầu chị Huỳnh Cúc, vợ sắp cưới của anh, không được có bất kỳ sự liên lạc nào với anh Trương Văn - là người yêu cũ của chị. Đó là điều không khó, bởi chính chị Cúc cũng không muốn gặp lại người cũ. Chị hiểu việc đó rất dễ dẫn đến những chuyện không hay cho hạnh phúc hiện tại của mình. Vả lại, chính lòng chị cũng chẳng thấy còn vương vấn gì với người yêu từ thời phổ thông ấy.

 

Tuy nhiên, do từng là bạn học cũ, nên sau khi gạt bỏ phần tình cảm lứa đôi thì giữa hai người vẫn còn nhiều dịp gặp gỡ thông thường như: sinh nhật, họp lớp, thăm thầy cô giáo cũ... Vì muốn giữ đúng thỏa thuận ban đầu, nên mỗi khi nghe bạn bè rủ rê, chị đành từ chối những cuộc gặp như vậy. Anh Hùng rất hài lòng và hết lời khen vợ, vì anh biết trong đám bạn cũ của vợ nhất định phải có Văn. Tuy nhiên, chị Cúc lại lâm vào tình trạng khổ tâm.

 

Chị tâm sự: "Ngày xưa với tư cách là lớp trưởng, những cuộc như vậy tôi đều là chủ xị. Những ai không tham gia tôi đều xem họ là thiếu nhiệt tình với lớp, hờ hững với bạn bè và lạnh nhạt với thầy cô... Còn bây giờ...".

 

Cuộc ly hôn của bác sĩ Nguyễn Thành, với cô giáo dạy toán cấp II Hà Lam, sau gần 10 nãm chung sống được nhiều người xem như là một chuyện tất nhiên phải đến. Mâu thuẫn giữa họ xảy ra từ lâu và gần như thường xuyên.

 

Chị Lam không thể chấp nhận tật về nhà trễ, không đúng theo những nguyên tắc đơn giản mà vợ chồng đã thỏa thuận lúc đầu. Theo thỏa thuận đó, hết giờ làm việc thì mọi thành viên phải có mặt tại nhà. Với suy nghĩ của một nhà sư phạm quen nề nếp, khuôn khổ nên chị Lam, xem nguyên tắc đó phải được chấp hành tuyệt đối.

 

Trong cách nghĩ của chị, sự rề rà, cẩu thả, thiếu tự giác... không chỉ là sự vô nguyên tắc, mà còn là biểu hiện của cách ứng xử thiếu văn hóa. Hết giờ dạy ở trường là chị Lam về nhà ngay và chị muốn mọi người, nhất là chồng chị, phải nghiêm túc thực hiện như vậy.

 

Chị cứ ấm ức: "Anh ấy cũng làm việc nhà nước như tôi, cơ quan anh lại gần nhà hơn tôi, thì tại sao lại thường xuyên về nhà trễ?". Theo anh Thành, những lần về nhà trễ của mình đều có những lý do thuyết phục từ công việc chuyên môn của một bác sĩ thường xuyên tham gia phẫu thuật. Nhưng chị Lam cho rằng đó chỉ là cái cớ, không gì không khắc phục được nếu thực sự quyết tâm. Vì vậy, chị cảm thấy rất khó chịu và bộc lộ sự bực bội ra bên ngoài mỗi khi thấy chồng về nhà không đúng như giao ước ban đầu.

 

Chỉ có vàng bốn số 9

 

Trong khi chờ hội đồng xét xử nghị án về trường hợp ly hôn của mình, anh Trần Trung, chủ một đại lý dịch vụ Internet ở Bình Thạnh, vẫn không giấu được sự mệt mỏi đối với người vợ cứ khăng khăng: "Càng sống trong khuôn khổ thì càng cảm thấy tự do". Anh nói: trong cuộc sống, công việc, phải đi sớm về trễ đôi khi không phụ thuộc vào ý chí của mình. Vì thế, những nguyên tắc đặt ra trong gia đình cần được điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống thay đổi hàng ngày, hàng giờ ở bên ngoài, ; miễn sao sự điều chỉnh đó không làm thay đổi bầu không khí trong lành trong gia đình. Nhưng tôi càng giải thích, càng chứng minh, cô ấy càng cho rằng tôi bịa chuyện để đi chơi. Chịu đựng mãi cái không khí nặng nề như vậy, trước sau gì mình cũng điên".

 

Bằng kinh nghiệm từ sự đổ vỡ của chính mình, chị Hoàng Nga, chủ một cơ sở thẩm mỹ ở quận 1 rút ra nhận xét: "Khuôn khổ, nề nếp của từng gia đình là điều cần phải có. Nó giúp mọi người trong gia đình sống có tổ chức. Tuy nhiên, không ít người lại hiểu không đúng hoặc cố tình không hiểu đúng bản chất của sự việc, lấy khuôn khổ ra để làm... khó cho nhau".

 

Chị Nga tâm sự: "Gần 20 năm sống chung, đã sắp có cháu ngoại mà vợ chồng phải chia tay là điều chẳng ai muốn. Nhưng, gặp nhau hàng ngày mà lúc nào cũng chì chiết, bóng gió xa gần vì chuyện... hôm nay về trễ hơn hôm qua, thì thử hỏi thần kinh người nào chịu nổi? Bây giờ nghĩ lại tôi mới hiểu ra rằng, sự gò bó mà chồng tôi khoác lên cho nó cái khuôn khổ cứng ngắc để gây áp lực với tôi, đã xuất phát từ tính đa nghi của một người tự ti, mặc cảm mất lòng tin vào chính bản thân mình dẫn đến sự khắt khe với người bạn đời".

 

Theo bà Đồng Thị Ánh, chủ tịch Hội luật gia TP.HCM thì "Quốc có quốc pháp, gia có gia quy. Nề nếp sinh hoạt trong mỗi gia đình là điều tất nhiên phải có. Nhưng khi người ta ràng buộc nhau bằng những nguyên tắc ứng xử cứng nhắc và xem đó là chuẩn mực của một gia đình có gia phong, thì đó chính là lúc tình cảm và lòng tin lẫn nhau đang có dấu hiệu suy giảm. Trong quá trình xét xử của mình khi còn là thẩm phán, tôi biết có nhiều cặp vợ chồng phải chia tay từ hệ quả này. Họ biết rất rõ những lý do đột xuất của chồng (vợ) mình, nhưng vẫn cố tình lấy đó làm nguyên nhân cho xung đột, khiến không khí trong gia đình ngày càng nặng nề. Mở lòng mình ra một chút, mọi chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều".

 

Trao đổi về vấn đề này, bà Trương Xuân Lan, chuyên viên tư vấn tâm lý nói: "Người xưa có câu: răng cứng nên gãy, lưỡi mềm nên còn. Khuôn khổ nào cũng có độ linh động nhất định. Chẳng hạn, gọi là vàng 10, nhưng có ai bảo đảm nó không lẫn tạp chất? Trong cuộc sống càng phải hiểu sự tương đối là thuộc tính không thể phủ nhận. Cho nên, khuôn khổ đặt ra trong gia đình cũng phải có độ "du di" nhất định. Điều này không chỉ tạo ra bầu không khí tươi mát, mà còn là thước đo tình cảm của nhau. Biên độ của sự "du di" càng rộng thì càng chứng tỏ sự thông hiểu, tin cậy lẫn nhau giữa các thành viên càng lớn và ngược lại. Vấn đề là mọi người phải xác định được độ "du di" này ở mức nào, để vừa không phá vỡ khuôn phép đặt ra, vừa giữ được hạnh phúc gia đình với tâm trạng thoải mái".

 

Theo Phụ Nữ TP.HCM