Không để vợ chồng mất kết nối
5 năm đầu hôn nhân, quay cuồng với bỉm sữa, ngẩng mặt lên thì cô và chồng như ở hai thế giới khác. Là vợ chồng nhưng hai người chẳng khác gì bạn trọ cùng nhà khi sự kết nối rất lỏng lẻo.
Cô biết, cứ kéo dài thế này, hôn nhân của cô sẽ bị đẩy đến bờ vực thẳm. Nhìn lại bản thân, cô thấy mình chỉ chăm chăm vào các con mà không để ý đến chồng. Chồng cô đang gặp khó khăn gì, công việc của chồng ra sao, cô cũng không biết. Lúc nào trong đầu cô cũng nghĩ đến hôm nay cho con ăn gì, ngày mai đổi sữa gì cho con.
Cô quyết định thay đổi cái nhìn với chồng. Đầu tiên, cô cố gắng ghi nhận chồng. Chồng cô vốn là người giỏi giang, được nhiều người công nhận nhưng cô lại không. Trước đây, trong mắt cô, mọi thứ chồng làm đều là chuyện bình thường, chuyện đương nhiên. So với xã hội, anh chẳng là gì, còn đầy người giỏi hơn anh. Khi nhìn lại để thay đổi, cô ghi nhận, động viên và cổ vũ những điều anh làm được. Kết quả là anh luôn chia sẻ với cô mọi chuyện, từ chuyện anh định làm gì, kế hoạch ra sao. Đi công tác, anh cũng thường xuyên gọi điện để nói chuyện với vợ. Hai người lại gắn bó như thời mới yêu nhau.
Với chuyện tiền bạc, cô cũng không ứng xử như trước. Trước đây, anh thường đưa phần lớn lương của anh cho cô nhưng thái độ của cô rất thản nhiên vì cho rằng đương nhiên anh phải làm vậy. Giờ thì mỗi lần anh đưa tiền cho cô, cô hân hoan đón nhận. Cô thấy, khi mình trân trọng thành quả lao động của chồng thì chồng hạnh phúc hơn hẳn. Cô nhận ra, nếu hai vợ chồng kết nối được với nhau từ những chuyện nhỏ và tôn trọng nhau thì hôn nhân sẽ bền vững. Cô và chồng giờ thân thiết như hai người bạn tri kỷ, chuyện gì cũng muốn chia sẻ với nhau. Kinh nghiệm mà cô có được, đó là không để vợ chồng mất kết nối.