Không đăng ký kết hôn, trách nhiệm cấp dưỡng cho con thế nào?
Con gái tôi 19 tuổi đang mang thai tháng thứ 5 với bạn trai hơn 2 tuổi nhưng gia đình bạn trai cháu không đồng ý cho hai cháu lấy nhau. Hiện con gái tôi rất buồn, muốn bỏ cái thai nhưng tôi không đồng ý. Vậy xin hỏi, sau này khi con gái tôi sinh con thì ai có trách nhiệm cấp dưỡng cho cháu tôi?
Hỏi: “Con gái tôi 19 tuổi đang mang thai tháng thứ 5 với bạn trai hơn 2 tuổi học cùng trường đại học. Do gia đình bạn trai con gái tôi gia thế địa vị cao, họ không đồng ý cho hai cháu lấy nhau. Hiện con gái tôi rất buồn, muốn bỏ cái thai nhưng tôi không đồng ý vì lo ngại cho sức khỏe của con sau này. Vậy xin hỏi, sau này khi con gái tôi sinh con thì ai có trách nhiệm cấp dưỡng cho cháu tôi?”.
Thu Hiền (Huyện Hóc Môn, TPHCM)
Về vấn đề này, luật sư Phạm Đức Huy, Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần (Đoàn Luật sư TP.HCM) trả lời như sau:
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì không cấm việc nam, nữ độc thân, chung sống với nhau như vợ chồng khi cả hai đã đủ 16 tuổi và được sự đồng thuận của hai bên. Ngoại trừ trường hợp người đó là Đảng viên thì việc chung sống như vợ chồng hoặc có quan hệ như vợ chồng với người khác thì vi phạm quy định của hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW của Ủy ban Trung ương. Cụ thể tại khoản 8 điều 17 quy định về hành vi Đảng viên không được phép: “Chưa có vợ, có chồng, đang có vợ, có chồng mà sống chung hoặc quan hệ như vợ chồng với người khác”. Đảng viên vi phạm khi xem xét để kỷ luật sẽ dựa vào mức độ hành vi, tư cách đạo đức, nơi người này công tác, các nội dung, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm…”.
Trong trường hợp chưa kết hôn mà có con thì áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn: “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”.
Điều 15, 16 của Luật này như sau: Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn: “Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”.
Như vậy, theo quy định trên thì nam nữ sống chung như vợ chồng mà chưa đăng ký kết hôn thì chưa phát sinh nghĩa vụ vợ chồng nhưng vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng với con.
Giải quyết trách nhiệm cấp dưỡng như thế nào?
Trong trường hợp cha hoặc mẹ chưa kết hôn mà trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con nếu con ở với một người là cha hoặc mẹ thì được áp dụng tương tự trường hợp ly hôn quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hôn như sau:
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
- Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền bạc, tài sản để lo cho nhu cầu cơ bản của người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng mà không chung sống với mình.
Do vậy với trường hợp của con chị dù chưa có kết hôn nhưng sau này đứa bé được sinh ra thì vẫn được hưởng quyền cấp dưỡng từ người cha.
Người nào có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật mà trốn tránh thì có thể phải chịu phạt cả về hành chính lẫn hình sự. Cụ thể: Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng mà bỏ mặc không chăm sóc, nuôi dưỡng sau sinh, từ bỏ quan hệ tình cảm, vật chất với trẻ thì có thể phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP.
Nếu bị xử phạt hành chính rồi mà cố ý không chấp hành có thể phạt 5 năm tù giam theo Điều 380 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, việc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trong khả năng của mình mà làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm; phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Theo Đinh Phương
Phụ Nữ Việt Nam