Không cưới

Đó là tập quán đã có từ lâu trên hòn đảo thơ mộng, xinh đẹp với cái tên thật giàu sang: đảo Phú Quý (thuộc tỉnh Bình Thuận). Người dân nơi đây không màng chuyện cưới xin, dù mỗi ngày vẫn có nhiều đôi trai gái thành vợ thành chồng và sống với nhau ngập tràn hạnh phúc.

"Nói chừng", thế là xong!

 

Cuối năm 2006, chúng tôi có dịp đến Phú Quý, tiếp xúc với đôi vợ chồng đoàn viên Nguyễn Thiện Tâm - Trần Thị Mỹ Lưu, nhìn họ rất "say" nhau, tình yêu đang mặn mà lắm, chúng tôi khẽ hỏi họ làm đám cưới tự khi nào.

Nghe hỏi xong, Nguyễn Thiện Tâm bật cười: "Ở đảo chúng em không có đám cưới đâu, anh hỏi thế mọi người cười cho à". Cả đoàn từ đất liền ra ai nấy cũng tròn mắt vì ngạc nhiên. Biết mọi người không tin, Thiện Tâm giải thích: "Em nói thiệt, đó là tục lệ ở đây mà, không tin thì em sẽ đưa các anh đi gặp... người lớn".

 

Thiện Tâm hăng hái dẫn chúng tôi tiếp xúc những cặp vợ chồng lớn tuổi. Ông Nguyễn Văn Vân, 56 tuổi, ở thôn Phú An, xã Ngũ Phụng cho chúng tôi biết: Ở trên hòn đảo nhỏ bé này, trai đi biển, gái trên bờ, sau một thời gian tìm hiểu, nếu muốn thành vợ thành chồng thì thưa với cha mẹ.

 

Sau đó cha mẹ người con trai cậy nhờ ông (bà) mối đưa đến gặp cha mẹ người con gái để nói chừng (hay còn gọi là lễ hỏi). Nếu buổi nói chừng thành công tức cha mẹ người con gái đồng ý thì bữa đó xem như là ngày đôi trai gái chính thức trở thành chồng vợ.

 

Đêm đó người con trai sang nhà người con gái ngủ (ở đảo, con gái lớn đều được cha mẹ cho 1 phòng riêng), được ví như là đêm động phòng mà người đất liền hay gọi.

 

Sau đêm đó, ban ngày người con trai ở nhà cha mẹ mình, người con gái cũng vậy, cả hai đều phụ việc cho gia đình mình. Tối, người con trai sang nhà người con gái ngủ.

 

Trong khoảng thời gian đó, nếu nhà trai có việc gì hệ trọng (đám tiệc, dựng nhà...) thì sang "mượn" con dâu một hay vài ngày, nhà gái cũng vậy, có thể "mượn" con rể.

 

Khi nào cha mẹ người con trai thấy cần con dâu về sống chung thì sang báo với cha mẹ người con gái rồi chọn ngày tốt (thường là ngày bên nhà trai có đám giỗ, tiệc tùng) để đưa con dâu về. Từ đó họ sống với nhau trọn đời.

 

Hỏi căn nguyên nào có chuyện không đám cưới như thế, ông Vân giải thích thêm: Có lẽ ngày xưa, lúc mọi người nhập cư lên đảo này, cuộc sống còn nghèo, cơ cực quá nên ông bà cũng chẳng rườm rà chuyện cưới xin, con cái thương yêu nhau thì cho phép về sống chung, sinh con đẻ cái. Riết rồi thành tục.

 

Mà chuyện không cưới xin bây giờ hóa ra lại hay và hợp thời. Cuộc sống không khá giả, sinh ra chuyện cưới hỏi, tốn kém, tụi nhỏ về sống với nhau không hạnh phúc cũng vậy. Tuy không có đám cưới, nhưng được cái mừng là các cặp vợ chồng trên đảo này sống với nhau hạnh phúc lắm.

 

 

Không cưới - 1
 

Vợ chồng Tâm-Lưu,

không đám cưới, vẫn hạnh phúc. 

 

Mời đám cưới à, không đi đâu!

 

 Vì tục là vậy nên nếu có một đám cưới nào trên đảo thì đó được xem là chuyện... lạ.

 

Cuộc sống của bà con trên đảo ngày một hiện đại, việc giao thương với đất liền dễ dàng hơn nên có một số trai gái trên đảo yêu và kết hôn cùng người đất liền nên thi thoảng trên đảo có một vài đám cưới.

 

Thế nhưng khi được mời đám cưới, người dân chẳng ai chịu đến dự. Với họ, đó là "chuyện vẽ vời, bắt chước đất liền, tốn kém chứ được gì".

 

Các thầy cô giáo, cán bộ công chức trên đảo thỉnh thoảng cũng có người tổ chức tiệc cưới nhưng chỉ có đồng nghiệp, bạn bè thân đến dự, bà con dòng họ, xóm làng không ai đến cả.

 

Toàn huyện đảo hiện có duy nhất 1 tiệm cho thuê đồ cưới nhưng cả  năm chỉ cho thuê được 1 chiếc áo, có năm chẳng thấy ai đến thuê trong khi mỗi ngày có vài cặp trai gái trên đảo thành vợ thành chồng.

 

Cặp vợ chồng đoàn viên trẻ Nguyễn Thiện Tâm - Trần Thị Mỹ Lưu cũng không hề có đám cưới mặc dù cả hai trông khá hiện đại, năng động không thua kém dân thành thị, vẫn điện thoại di động đời mới giắt lưng, gõ vi tính nhanh như... lặt rau và lướt web hằng ngày.

 

Thiện Tâm thổ lộ: "Trước đây, bọn em cũng thèm cái gọi là đám cưới chứ, nhưng sống trên đảo từ nhỏ, quen chuyện đó rồi nên cũng thấy bình thường. Kể cho các anh nghe để biết tập tục là vậy, để bạn bè ở đất liền không gán cho bọn em là sống lạc hậu, không theo kịp thời đại, hay nghĩ ở đảo người ta không coi trọng phụ nữ...".

 

Khi hỏi Lưu nếu hai bạn không làm đám cưới, bạn bè không biết, Tâm sẽ "lẹo tẹo" bên ngoài thì sao? Lưu tỉnh bơ và trả lời gọn ơ: "Hòn đảo này tuy rộng nhưng lại rất nhỏ đối với người dân ở đây. Trên đảo chỉ có 24.500 dân, có 10 thôn của 3 xã, điều đặc biệt là người ở thôn này biết rất rõ về người ở thôn khác, nói chung cả đảo này ai cũng quen biết nhau. Nên dù bọn em chưa đăng ký kết hôn, không có cái gọi là đám cưới nhưng toàn đảo ai cũng biết bọn em là vợ chồng.

 

Vì thế, nếu có cặp vợ chồng nào đó sống không hạnh phúc thì người con gái rất khó được người con trai khác trên đảo xin lấy làm vợ vì họ biết người con gái đó đã có chồng. Người con trai đã có vợ cũng không thể "lẹo tẹo" với ai được vì con gái cả đảo biết anh ta đã có vợ”.

 

Chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng - Phó chủ tịch UBND huyện khi được hỏi về chuyện cưới xin của chị ngày xưa đã trả lời: "Trong thời buổi hiện đại này chuyện không cưới xin ở đảo nghe có vẻ lạc hậu, cũng thấy thiệt thòi cho các bạn trẻ. Huyện cũng muốn khuyến khích các gia đình có điều kiện nên tổ chức đám cưới, rước dâu, không cần làm tiệc tùng linh đình, chỉ cần dòng họ hai bên có mặt đông đủ chúc phúc cho đôi trai gái.

 

Tuy nhiên, ở đảo, một gia đình chỉ tính bà con ruột thịt thôi có khi lên đến hơn 100 người, vì vậy chuyện khuyến khích đó xem ra cũng không khả thi. Thôi thì cứ theo tập tục. Vừa không tốn kém, vừa đỡ rườm rà. Miễn là các cặp vợ chồng trẻ sống với nhau hạnh phúc, và đặc biệt là chịu đi đăng ký kết hôn".

 

Theo Thanh Đông - Lê Hân

Thanh Niên