Không biết nên sống vì ai, người phụ nữ đứng giữa "ngã ba" lựa chọn
(Dân trí) - Chồng muốn sống ở một nơi xa, trong khi mẹ già muốn con gái ở gần bên chăm sóc, còn con trai dù đã ở tuổi trưởng thành nhưng đang có vấn đề tâm lý... Người phụ nữ này đang không biết nên sống vì ai.
Lời tâm sự:
Từ khi còn nhỏ, tôi đã được nghe kể rằng bố mẹ tôi cố gắng sinh con gái (đó là tôi) để sau này có người chăm sóc khi về già. Chúng tôi lớn lên trong một gia đình nuôi dạy con theo kiểu “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Mẹ tôi đứng ra xử lý hết những chuyện kỷ luật hay phạt roi. Tôi nghĩ đến bố tôi cũng luôn phải… sợ mẹ.
Bố mẹ cũng bảo vệ tôi quá mức. Tôi không bao giờ được đi tham quan cùng trường vì mẹ cho rằng chuyến đi quá “rủi ro”. Trong khi các anh tôi được chơi đùa vào ngày nghỉ thì tôi chỉ có thể ngồi xem, vì các trò chơi đều “quá nguy hiểm” với cô con gái là tôi. Vậy mà mọi người lại nghĩ tôi được đối xử như một công chúa vì được bố mẹ đặc biệt quan tâm.
Để cho câu chuyện ngắn gọn thì khi tôi đã có gia đình riêng của mình, tôi phải chăm sóc con mình và không thể bỏ mọi thứ để chạy vội vàng đến nhà mẹ mình mỗi khi mẹ gọi. Và tôi chợt nhận ra tôi vẫn luôn sợ hãi mỗi khi không nghe lời mẹ, không chạy ngay đến với mẹ. Có lần tôi không thể đến thăm bà ngay và bà đã gọi luôn cho các anh tôi để than khóc, nhiếc móc tôi thậm tệ với các anh.
Một vài năm trước, chúng tôi đã chuyển nhà đến một nơi khác vì chồng tôi phải công tác ở đó. Tại đây, gia đình tôi làm quen được với nhiều bạn mới và có một cuộc sống khá tuyệt vời. Nhưng con trai tôi (đã ở tuổi trưởng thành) thì muốn ở lại nơi cũ và vợ chồng tôi nghĩ rằng nó sẽ ổn khi ở một mình. Nỗi lo sợ mới liền xuất hiện…
Tôi không ngờ rằng con tôi hóa ra lại mắc chứng trầm cảm, con nói với tôi rằng đang cảm thấy cô đơn và thấy mình là một người thất bại toàn tập. Sau mỗi lần nói chuyện với con trai tôi đều rất lo đến mức không thể ăn uống gì được. Dù vậy, con tôi đã tìm tới điều trị tâm lý và bắt đầu ổn thỏa hơn. Tôi vẫn theo dõi, cập nhật tình hình của con đều đặn bằng nhiều cách khác nhau dù không ở kề bên.
Giờ tôi đang ở trong một tâm thế hoảng sợ mỗi khi điện thoại đổ chuông hoặc có tiếng thông báo tin nhắn, tôi bỗng rơi vào cảm giác sợ hãi rằng sẽ có chuyện gì đó xảy ra. Chồng tôi vừa nghỉ hưu và vẫn muốn ở lại nơi này, nhưng tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng khi không thể đối phó với nỗi sợ rằng mẹ và con trai tôi sẽ ra sao nếu không có tôi ở bên.
Liệu mẹ tôi có ổn không khi ở bên gia đình của các anh trai, dù sao tôi vẫn là con gái độc nhất của mẹ cơ mà? Liệu con trai tôi có thực sự ổn không, có thể sống một mình mà không có cha mẹ ở bên không?Bạn có thể cho tôi vài lời khuyên được không?”
Lời tư vấn:
Chào bạn,
Giống như rất nhiều phụ nữ, bạn đã được “nuôi dưỡng” để trở thành người phụ nữ của gia đình, vai trò đó gắn chặt vào bạn đến mức bạn cảm thấy mình không bao giờ thực sự được tự do để sống theo ý mình muốn. Vấn đề phức tạp hơn là, bạn còn bị chi phối khá nhiều.
Bạn không đề cập đến cảm xúc của chồng mình, nhưng vì hai bạn đã rời đi xa và chồng bạn sau khi nghỉ hưu vẫn muốn sống ở nơi đã chuyển tới, tôi nghĩ anh ấy đang không lo lắng, suy nghĩ nhiều về những vấn đề mà bạn đang kể ra.
Theo tôi, nếu điều kiện cho phép, bạn nên thuê người phù hợp tới chăm sóc, tâm tình, trò chuyện với mẹ định kỳ. Tôi cũng muốn biết là liệu gia đình của những người anh trai có đang làm tốt nhiệm vụ chăm sóc mẹ bạn hay không. Bạn đã thử thẳng thắn nói với họ về những lo âu, những khó khăn trong cuộc sống của bạn, để họ có thể tích cực hỗ trợ, chia sẻ với bạn nhiều hơn trong cả khía cạnh tinh thần hay chưa?
Mẹ của bạn đã lớn tuổi, bà đang rất muốn được quan tâm, yêu thương, muốn con cháu chứng tỏ rằng họ không “lãng quên” bà trong cuộc sống bận rộn. Các anh em bạn có thể cùng sắp xếp thời gian, lên lịch, để có những cuộc điện thoại, những cuộc viếng thăm, những hoạt động chung phù hợp để dành cho bà cụ… Bạn đã thử điều này chưa? Nó có thể rất có tác dụng đối với tinh thần của người già.
Điều quan trọng là bạn phải tự bảo vệ bản thân khỏi sự căng thẳng mỗi khi nghe những cuộc điện thoại. Về lâu dài, nếu cứ để bản thân lo lắng, chính bạn có thể sẽ gặp vấn đề tâm lý.
Còn về phía con trai bạn, theo quan điểm của tôi thì đây là một điều đáng phải lo ngại thực sự. Bạn không nói đến công việc hay bạn bè của con trai mình, nhưng tôi mong bạn nên tìm hiểu những điều đó. Bên cạnh đó, hãy xem con trai bạn có đang điều trị chứng trầm cảm một cách thực sự phù hợp và hiệu quả hay không.
Thay vì lo lắng và bất lực, bạn cần phải tìm hiểu tất cả những điều tôi vừa nói và hãy thường xuyên nói chuyện với con bạn. Hãy lạc quan nhất có thể trong những cuộc trò chuyện ấy.
Câu hỏi của tôi dành cho bạn là, liệu con bạn có thể chuyển đến sống cùng bạn hay không? Sự tự lập lúc này có thể không phải một lựa chọn tốt nhất, cho dù con trai bạn đã lớn và muốn sống riêng. Cậu ấy đang có chút vấn đề và không nên để cậu ấy tự xử lý một mình khi không hoàn toàn tỉnh táo 100%.
Hãy chủ động nhé! Và dành nhiều năng lượng cho con trai bạn, đồng thời tìm kiếm sự tương tác hiệu quả từ các anh trai và gia đình của các anh để giúp bạn cảm thấy bớt lo lắng về mẹ bạn. Chúc bạn mọi điều tốt lành!