Khốn khổ khi lấy anh chồng lười làm việc nhà

(Dân trí) - Ngày yêu nhau anh Tính chăm chỉ phụ giúp mẹ làm việc nhà mỗi khi chị Thanh đến nhà chơi. Nhưng rồi, chị Thanh trở nên tuyệt vọng khi lấy nhau anh quay ngoắt 180 độ, lười biếng, ỷ việc cho vợ.

Sau 3 năm quen và yêu nhau, anh Tính, chị Thanh tiến đến hôn nhân. Cũng như bao cặp tình nhân khác, anh chị đã trải qua những cung bậc tình cảm từ vui buồn có, cãi nhau có và đòi chia tay cũng có. Nhưng sau tất cả khi quyết đến với nhau, chị vẫn không thể nghĩ đến một ngày lại cảm thấy mệt mỏi như bây giờ, tất cả cũng chỉ vì chứng “nhác việc nhà” của ông chồng.

Anh Tính là cậu con trai mà bố mẹ anh cố mãi mới có khi hai chị gái đã học cấp 3. Cũng chính vì vậy mà từ nhỏ anh đã được bố mẹ chiều hết mức, không phải động tay chân việc gì. Ngày yêu nhau, chị Thanh cũng biết nhưng cứ nghĩ là sau khi có gia đình, con cái là anh sẽ thay đổi. Với lại mỗi khi anh đến nhà chị chơi, nhìn anh chăm chỉ học làm việc nhà, xắn tay cùng làm với mẹ và chị thì chị càng tin vào điều đó.

 

Khốn khổ khi lấy anh chồng lười làm việc nhà - 2

Chồng lười nhác việc nhà là nỗi khổ của không ít bà vợ. Ảnh minh họa

 

 

Quả thật là sau ngày đầu mới cưới, cuộc sống vợ chồng luôn vui vẻ, anh rất chăm vợ. Nhưng từ khi có con, chị bắt đầu thất vọng toàn tập. Hai vợ chồng cùng đi làm 8 tiếng nhưng về đến nhà, mọi thứ một tay chị làm từ A đến Z. Còn anh đi làm thì thôi, về đến nhà là ôm điện thoại không lên mạng thì cũng chơi điện tử.

Được ngày nghỉ có hôm anh ngủ đến trưa mới dậy, ăn xong lại ra ngoài, tuyệt nhiên không giúp vợ được một việc. Khổ nhất là thời điểm sau khi chị sinh con. Những tháng ở cữ, được mẹ đẻ và mẹ chồng lo cho hết, con trai lại được nết ăn nết ngủ nên chị được thảnh thơi. Và có lẽ với chị đó cũng là quãng thời gian chị cảm thấy thư thái nhất từ khi lấy chồng.

Khi không còn mẹ ở cùng và cũng không có điều kiện để thuê giúp việc vì lương của hai vợ chồng thấp, chị Thanh đành phải cố gắng thu vén việc nhà. Chị lại trở về như một cái máy làm việc nhà. Con ngủ thì tranh thủ giặt đồ, lau dọn nhà cửa trong khi chồng nằm chơi game, chán anh đi ngủ.

Chị có nhờ việc gì, anh cũng tìm đủ mọi chiêu thoái thác. Nào là nay anh đi làm mệt, rồi em không làm được thì cứ để đấy lát anh làm, mai anh làm hay “em tiện tay thì làm hộ anh luôn”…. Có khi lại bảo anh có điện thoại công ty gọi có việc gấp, anh phải đi luôn.

Không phải là chị để mặc anh như vậy. Đã có những lúc chị ngồi tâm sự với chồng, thử đủ mọi cách để anh chung tay việc nhà nhưng rồi thay đổi của anh chỉ dài trong một ngày rồi hôm sau đâu lại vào đấy với cái bệnh lười. Tính anh có phần trẻ con nhưng lại rất gia trưởng. Không muốn cãi nhau nên chị Thanh đành cố gắng làm hết mọi việc nhưng không tránh khỏi bực bội trong lòng. Không khí gia đình vì thế cũng trở nên căng thẳng.

Tuần trước, chị phải đi công tác nước ngoài 5 ngày, vậy mà khi về đến nhà thì nhà cửa là bãi chiến trường ngổn ngang trăm mối. Quần áo dơ bẩn chất đầy máy giặt và đầy cả thau, bát đĩa không lấy một cái sạch, con cái thì nhếch nhác… Hai bố con ở nhà bữa ăn là những xuất cơm hộp hoặc mì gói. Báo hại chị hai ngày cuối tuần lẽ ra được nghỉ ngơi mà mệt nhoài dọn dẹp, tái sắp xếp…

Dù đã quá quen với những cảnh như thế này nhưng vì quá mệt mỏi, chị gắt um lên. Có lúc chị Thanh đã nghĩ tới chuyện ly hôn. Nhưng rồi thương con, chị lại nhủ lòng cố gắng. Đến giờ phút này chị cũng không biết là mình có chọn nhầm khi lấy một anh chồng lười nhác việc nhà như anh không nữa?.

Người đời vẫn nói rằng “Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”. Lấy được một người chồng tốt là một điều may mắn của một người phụ nữ. Ngược lại, lấy phải một người chồng không ra gì là một điều hết sức bất hạnh. Và nếu nhỡ lấy phải một người chồng “lười”, phụ nữ cũng bất hạnh không kém.

Theo Hà My
Gia đình và Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm