Khóc để mạnh mẽ hơn
(Dân trí) - Người ta cứ chê phụ nữ là giống loài mau nước mắt, nhưng chính họ lại có sức chịu đựng mới thật là bền bỉ. Khóc để giải tỏa tâm lý, để sau đó trở nên mạnh mẽ hơn, thì có gì mà ngại?
Nhà có điều kiện, cả gia đình đồng thuận để chị sang Singapore chữa bệnh. Có chồng hộ tống, chị yên tâm phần nào. Cuộc điều trị nhiều đau đớn, khốn khổ giúp chị kéo dài thêm được gần 7 năm. 7 năm ấy chị sống cuộc sống ý nghĩa nhất đời mình, chị lao vào làm việc, cố gắng hoàn thành nốt những gì mình dựng xây còn dang dở, cứ như thể sợ ngày mai thức dậy đã là ngày cuối cùng.
Ông trời thương chị nên công lao động của chị được đáp đền. Anh chị mở thêm được một cơ sở kinh doanh mới và càng ngày càng đi vào ổn định, phát triển.
Tôi gặp chị ở viện K vào những ngày cuối cùng của chị, khi căn bệnh trở lại, di căn giai đoạn cuối. Luôn có hai người thân trong gia đình túc trực bên cạnh chị. Lúc cơn đau đến, chị sốt cao, tướt mồ hôi vật vã, môi mím lại thật chặt như một cách chị chọn riêng để chống chọi với số phận. Khi cơn đau giảm đi do tác dụng của mooc-phin, chị có thể tính táo, trò chuyện bình thường với người thân, mệt quá lại ngủ thiếp.
Giữa những lúc tỉnh rồi lại đau, đau rồi lại tỉnh như thế, tôi có hỏi chị, bằng cách nào chị mạnh mẽ được đến vậy khi đối mặt với sinh tử và những đau đớn nhất của đời người? Chị bảo chị may mắn có được người chồng tốt luôn động viên, ân cần chăm sóc chị, có hai đứa con ngoan biết thương mẹ, nhưng có lẽ niềm an ủi, giải tỏa lớn nhất dành cho chị lại chính là nước mắt. Chị khóc nhiều lắm, những lúc gục vào vai chồng hay khi chỉ còn một mình trong đêm. Khóc để khi cơn xúc động qua đi lại có thể mạnh mẽ mà đối diện.
Mooc-phin mất tác dụng với chị theo từng ngày, những cơn đau càng lúc càng đến nhanh hơn. Chị biết mình không còn lâu nữa. Chị gọi chồng đến, nhắc lại những điều đã bàn giao cho anh trong công việc kinh doanh, chị còn nói đã chọn cả vợ cho anh, nếu anh có thể lấy cô ấy thì các con bớt khổ...
Nước mắt chị vòng quanh, nhưng đó không phải nước mắt của sự yếu đuối. Chắc không có nhiều người làm được như chị khi bao năm chiến đấu giành giật sự sống với tử thần. Ngay cả đến những giờ phút cuối chị vẫn là người mạnh mẽ.
Lại có những người phụ nữ, không đoản mệnh như chị - người phụ nữ trong viện K mà tôi đã gặp, nhưng số phận không may khiến họ phải mất chồng. Như cô bạn tôi, ngoài 30 đã thành góa bụa khi chồng ra đi vĩnh viễn trong một tai nạn ô tô. Thời gian đầu cô ấy rơi vào trầm cảm, cả ngày giấu mình trong phòng kín, ôm ấp những kỷ niệm về chồng và khóc đến sưng mọng mắt. Cô ấy thậm chí không thể nhìn đứa con trai năm tuổi, vì thằng bé giống bố như tạc. Nụ cười của nó, những lời nó hỏi mẹ về bố đều như ngàn nhát dao cứa vào tim cô ấy. Mất đến vài tháng cô ấy không ra ngoài, từ chối giao tiếp với mọi người xung quanh, con thì phó mặc cho bà ngoại.
Nhưng nước mắt có khả năng làm lành vết thương rất tuyệt vời. Khi nước mắt đã cạn cũng là lúc cô ấy hiểu rằng, mình cứ tự chôn vùi mình như vậy, bỏ bê cuộc sống như vậy, chồng dưới suối vàng có vui được hay không? Mình phải sống và sống hết mình hơn gấp đôi, sống cho cả phần của người đã ra đi quá sớm...
Cô ấy không quay lại công việc cũ mà quyết định đi học để thử sức trên lĩnh vực mới, bởi cô ấy tin rằng những điều mới mẻ sẽ giúp cô ấy tràn trề sinh lực hơn. Công việc tiến triển tốt, cô ấy lại xin bố mẹ trông con thêm cho một thời gian để học cao lên. Dần dần, cô ấy được bổ nhiệm lên lãnh đạo nhóm. Cô ấy lo được cho con học trường quốc tế, tương lai thằng bé sẽ đi du học và thực hiện nốt ước mơ còn dang dở của bố nó ngày nào.
Sau những cơ cực đã qua, bạn tôi giờ không còn khóc nữa.
Huyền Anh