Khổ vì vợ hà tiện

(Dân trí) - Khải bê đĩa thịt vịt quay ném văng giữa nhà, mặt đầy sát khí: “Hoang này, phí này, thế này hết hoang hết phí”. Ngà tím mặt, cô đâu ngờ chồng mình lại phản ứng dữ đến vậy…

Người ta thường chỉ nhắc đến tính keo kiệt của người chồng nhưng thật ra, không ít ông chồng phải sống chung với “tay hòm chìa khoá” hà tiện, bủn xịn trong gia đình. Khi đó, người chồng cũng phải sống chung với nhiều nỗi khổ rất khó bày tỏ

Sống trong “cực khổ”

Biết Xuân là người “đếm củ hành, giọt mắm” từ khi mới yêu nhưng lúc đó Thành thấy quý phẩm chất đó ở Xuân lắm. Người hoang phí như anh rất cần một người vợ biết tích cóp, chứ hai cô người yêu trước của anh… nghĩ mà Thành không khỏi rùng mình.

Khi yêu thì chưa có vấn đề gì lớn vì lúc đó tiền ai nấy tiêu, chưa chung đụng nhiều nhưng lấy nhau về rồi Thành mới hoa mắt chóng mặt vì tính keo kiệt bủn xỉn của vợ.

Xuân chỉ bỏ tiền ra mua những đồ dùng thiết yếu không thể không dùng. Khi mua gì cô cũng nhấc lên đặt xuống đến năm lần bảy lượt mới quyết. Xuân thà chịu khó, chịu khổ chứ nhất quyết không để hao một đồng.

Có lần, hai vợ chồng đi xe máy về quê, đang đi thì chiếc khẩu trang của Xuân bị rơi. Đường cao tốc một chiều, Thành không thể quay xe lại, anh nói với vợ chịu khó một đoạn ra hết đường mua chiếc mới. Nhưng Xuân không chịu, bắt chồng đứng chờ còn cô chạy bộ mấy trăm mét để lấy cho được chiếc khẩu trang. Khi quay lạ, cô thở phào: “Suýt nữa đánh mất 2.500 đồng”.

Nhưng điều đáng bàn nhất là chuyện ăn uống của hai vợ chồng, Xuân cũng không “nới tay” một chút nào. Mỗi lần về quê, xách lên được bịch cá khô, Xuân lại hí hửng: “”Nửa tháng tiền thức ăn chứ không ít”. Thế là gần nửa tháng trời, hôm nào đi làm về Thành cũng phải ngao ngán nhìn mân cơm chỉ có đĩa cá khô với bát canh rau lèo tèo. Thành có nhăn nhó ra mặt: “Thế này thì sao nuốt nổi” thì hôm sau sẽ có thêm vài miếng thịt lèo tèo. Xuân lý luận là "Mua nhiều có ăn hết đâu, rồi thừa ra, phí của”.

Thực ra, cảnh nhà đâu đến nỗi. Xuân là biên tập của một nhà Xuất bản, Thành là nhân viên tài chính, thu nhập của hai người cũng là ước mơ của bao đôi vợ chồng. Lương hàng tháng anh đều đưa trọn cho vợ, thế mà cô lại để vợ chồng phải khổ sở đến thế. Ăn uống đã thế, chuyện may mặc, Xuân cũng rất hạn chế bởi cô cho đấy là xa xỉ, miễn tươm tất, không vá là được còn lỗi mốt hay không, quá cũ hay hơi sờn đều được hết.

Khải cũng rơi vào thảm cảnh như Thành khi vớ phải người vợ keo kiệt. Lấy nhau đã lâu nhưng Khải chưa thấy vợ mua sắm thứ gì trong gia đình. Ngay đến đồ tiêu dùng thiết yếu, cô cũng mua cầm chừng nên trong nhà động đến thứ gì thì y rằng thiếu thứ đó. Thường ngày, Ngà vẫn nhắc nhở Khải tranh thủ đi vệ sinh ở công ty, còn cu Bi thì đi ở trường để tiết kiệm giấy vệ sinh, nước.

Chẳng hiểu, đầu óc Ngà thế nào mà để chồng con phải thiếu thốn, nếu không muốn là đói khổ đến thế trong khi Khải là người đàn ông kiếm được tiền. Nhưng nhiều hay không vào tay Ngà cũng thế, cô không bao giờ cho phép mình tiêu quá. Con đi học, nếu không muộn thì thôi, chứ muộn và phải mang sữa, bánh đến lớp là cô dặn đi dặn lại "Con phải ăn hết, không được cho bạn nào đâu nhé".

Biết bữa ăn chiều ở nhà của mình là “cực hình” nên bữa trưa ở công ty, Khải luôn ăn cố cho đủ chất. Chỉ thương cu Bi, chăm kiểu vợ anh thì con béo lên sao được. Nhiều lần, Khải mua đồ ăn sẵn về nhưng lại phải nói là công ty đi ăn uống, thừa nên anh mang về.

Nhìn Ngà và con trai ngồi “chén” ngon lành “thức ăn thừa” Khải vừa tức vừa xót cho vợ, tự hành mình ra nông nỗi như thế.

Phản kháng

Bao nhiêu lần nói lên nói xuống mà Xuân không hề cải thiện tình hình, Thành đâm nản chí. Có làm việc, có kiếm nhiều tiền thì đời sống cũng chẳng khá khẩm lên được, Thành thấy việc kiếm tiền của mình trở nên vô nghĩa.

Thiếu động lực, Thành chỉ làm việc cho hoàn thành trách nhiệm của một nhân viên, bỏ hẳn làm thêm, làm ngoài. Thu nhập của Thành vì thế giảm đi gần một nửa. Chưa hết, không nuốt nổi cơm nhà, bữa tối nào Thành cũng đi nhậu nhẹt với bạn bè. Tiền lương anh đổ vào tẩm bổ cho mình.

Cuối tháng, Xuân tái mặt khi Thành đưa tiền lương chỉ mấy trăm nghìn đồng. Cô vặn vẹo, thì Thành nói: “Tôi không ăn, không tiêu trong nhà thì tôi phải tiêu ngoài, lấy đâu ra tiền mà đưa cô”. Hai vợ chồng họ vẫn trong cảnh, chồng đi ăn ngoài, vợ lủi thủi ở nhà một mình, về nhà lại to tiếng cũng chỉ vì chuyện tiền nong.

Ngay bản thân Ngà, ngày càng gầy, xanh xao vì ăn uống thiếu chất thế mà Khải nói mấy cô cũng không chịu nghe. Có lẽ tính keo kiệt của vợ anh đã vô phương cứu chữa.

Ngày cuối tuần, Khải mua một con vịt quay về tẩm bổ cho cả nhà, đó cũng là món mà Ngà và cu Bi rất thích. Nếu là người vợ khác, sẽ vui lắm khi thấy chồng quan tâm đến mình đến con như thế, đằng này Ngà nhìn con vịt hơn 50.000 chồng mua mà nóng ruột nóng gan. Khải mặc kệ, bỏ ngoài tai nhưng đến khi đã ngồi vào mâm, Ngà vẫn nhìn đĩa thịt vịt nhẩm tính: “Đĩa thịt này bằng nửa yến gạo, anh hoang nó cũng vừa vừa thôi. Mà nhà có mấy người, mua nửa con cũng đâu ăn hết được, còn kèm dưa cà nữa chứ. Cứ thế này chắc có lúc chết đói”.

Chưa kịp gắp miếng thịt vịt, Khải đã nghẹn tận cổ. Khải bê đĩa thịt vịt quay ném văng giữa nhà, mặt đầy sát khí: “Hoang này, phí này, thế này hết hoang hết phí”. Ngà tím mặt, cô đâu ngờ chồng mình lại phản ứng dữ đến vậy…

Có được một người vợ là tay hòm chìa khoá trong gia đình, biết tính toán chi tiêu là điều rất cần thiết nhưng đến mức hà tiện thì những ông chồng trở thành “nạn nhân” trong chính ngôi nhà của mình, nhất là khi bản tính bần tiện của con người rất khó thay đổi. Đúng như Khải chia sẻ: “Biết trước cô ấy thế này không đời nào mình lấy. Chỉ muốn bỏ quách cho xong, chấp nhận sống cũng chỉ vì con”.

Hoài Nam