Khổ vì thú vui của chồng

(Dân trí) - Không nghiện rượu, không gái mú, đức ông chồng chỉ có một thú vui lành mạnh duy nhất. Vậy mà bà xã vẫn buồn lòng...

Kiên, trưởng phòng kinh doanh của một công ty nhà nước, có một niềm đam mê say đắm đó là sưu tập đồng hồ cổ. Ngoài vợ con thì chiếc đồng hồ là niềm vui lớn nhất cuộc đời Kiên. Từ nhỏ Kiên đã thích ngồi ngắm nhìn những chiếc đồng hồ quả lắc từ thời Pháp do ông bà để lại. Thế nên, giờ trong nhà đã có gần ba mươi chiếc đồng hồ đủ loại kiểu, từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu.

Nghe tin ở đâu có người thanh lý đồng hồ cũ, Kiên tìm bằng được hỏi xem. Có lần Kiên lặn lội vào tận Nha Trang chỉ để mua chiếc đồng hồ từ hồi Pháp thuộc. Rinh được cái đồng hồ quý, Kiên vui vẻ hẳn lên.

Chồng vui mà vợ Kiên chẳng vui tí nào. Thấy chồng suốt ngày sống chết với mấy chiếc đồng hồ, chị não cả ruột. Cả hai vợ chồng cùng đi làm nhưng Kiên chẳng mấy khi rảnh tay giúp vợ. Mỗi khi vợ nhờ vả Kiên lại từ chối khéo: “Anh bận lắm, phải lau chùi lên dây cót không là đồng hồ chết ngay. Em làm cố đi”.

Vợ Kiên buồn phiền: “Anh yêu đồng hồ hơn cả vợ, suốt ngày cứ chúi mắt vào đó. Chẳng bao giờ quan tâm đến vợ con gì hết”. Năm chị sinh cũng là lúc tài chính gia đình eo hẹp. Đang bế con trong nhà, thấy anh vác về một cái đồng hồ, chị không kiềm chế nổi nữa: “Nhà còn có hai triệu anh lại lấy tiền đi mua đồng hồ à? Anh không lo cho anh thì cũng phải biết thương con chứ”.

Cũng trong tình tâm trạng tương tự, chị Nhi bao lần xích mích với đức lang quân của mình vì thú vui riêng của chồng. Anh Long, chồng chị có một thú vui trồng hoa lan. Một lần đi du lịch Đà Lạt, anh mua vài nhánh lan về trồng, cũng từ đó anh có thú chơi hoa.

Căn hộ tập thể chưa đầy ba mươi mét vuông nhưng ban công nhà Long treo kín những giò hoa. Anh bỏ ngoài tai những phàn nàn của vợ: “Nhà bé như cái chuồng chim, anh treo đầy hoa thế lấy chỗ đâu mà thở, còn con nhỏ nữa chứ”.

Hết giờ làm về đến nhà, Long dành hết thời gian cho những chậu lan. Ngày cuối tuần, Long lang thang lên phố Hoàng Hoa Thám, Chợ Bưởi tìm hoa, xa hơn thì lên Hà Tây, Hòa Bình. Những bông hoa do bàn tay mình chăm sóc đua nở là hạnh phúc lớn nhất của Long.

Nhưng hoa càng nở đẹp thì túi tiền của vợ Long cũng nhỏ lại bởi phần lớn lương của chồng là dành cho mua giống với chăm hoa. Vốn người chẳng có cái thú chơi tao nhã như chồng, Nhi thường ca cẩm: “Tiền ăn còn chưa đủ, hoa có mài ra để ăn được đâu”.

Rồi hai vợ chồng giận nhau cũng vì hoa. Một lần, phải đi công tác, Long đã dặn vợ cẩn thận chuyện chăm sóc mấy chậu hoa. Không yên tâm anh còn ghi hẳn dòng chữ to dán vào góc bếp.

Công việc bận rộn lại con nhỏ, Nhi quên khuấy việc tưới nước cho hoa. Lúc sực nhớ, thì chậu hoa đã không thể cứu vãn.

Vậy là hai vợ chồng giận nhau mấy tuần liền. Long bực vợ vô tâm của Nhi thì trách chồng “coi mấy bông hoa hơn cả vợ mình”.

Mỗi người đều có thú vui riêng mình để thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên không thể để nó làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Đúng là những thú vui tao nhã không làm ảnh hưởng tới sức khoẻ và tổn hại cho tinh thần nhưng nếu quá đà, làm ảnh hưởng tới bạn đời thì cũng thật là "lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn". Tốt nhất là không làm ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống chung. Muốn vậy phải làm tròn nghĩa vụ của một thành viên trong gia đình, quan tâm tới bạn đời và cần sự bàn bạc kĩ lưỡng trước khi muốn mua một đồ vật nào đó.

Với các bà vợ, ngăn cấm thú vui của chồng là một "nhiệm vụ bất khả thi". Giải pháp hay nhất vẫn là "dĩ hoà vi quý", các bà xã hãy chịu nhường một tý, thay vì khổ sở soi mói hãy cùng chia sẻ niềm vui với chồng, coi niềm vui của anh ấy là niềm hạnh phúc của mình.

DK

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm