Khổ vì chồng không chịu lớn
Sống với những người đàn ông như thế này, người vợ không ít lần phải rơi nước mắt.
Lấy chồng khi cả hai còn trẻ, trải qua gần 20 năm hôn nhân, chị Phương Quỳnh (Hoàng Mai, Hà Nội) chưa có lúc nào nghỉ ngơi bởi phải lao đầu vào kiếm tiền khi sống cạnh người chồng mãi không chịu lớn:
"Chồng mình không nghề nghiệp, mình giáo viên lương không cao nhưng may mắn là mình dạy có tâm nên có rất nhiều học sinh muốn được học thêm, nhiều trung tâm muốn mời mình giảng dạy cho họ. Vì thế cơ hội kiếm tiền của mình nhiều hơn chồng mình. Thế nhưng vì thế mà suốt từng ấy năm anh sống rất ỉ lại. Từ việc mua đất, xây nhà, một mình mình lo tất. Anh không chung sức với mình thì thôi nhưng lại luôn cho rằng đàn ông phải lo việc lớn nên những việc trông thợ, anh cũng đùn cho mình. Tiền tích cóp được sau khi xây nhà xong thì anh đòi để anh đầu tư cho ra việc lớn. Là giáo viên, mình rất nhẫn nhịn, rất hy sinh nhưng dường như anh cho rằng sự hy sinh đó là đương nhiên anh được hưởng. Tôi thật mệt mỏi!
Càng hy sinh tôi càng đau khổ, chưa bao giờ tôi đòi tiền lương từ chồng, thậm chí khi nợ không trả được anh chỉ biết đòi đi tự tử, đập phá đồ hay bỏ đi, mọi thứ tôi đều là người bị trách cứ. Tiền tôi nghĩ có thể kiếm lại, có thể trả hết nợ cho anh vì mình có công việc ổn định, thu nhập tốt, nhưng tôi đau khổ vì chồng chưa bao giờ chịu thay đổi bản thân, biết kiềm chế để tìm công việc ổn định, chỉ mơ ước đầu tư xa xôi để gặp hết thất bại này đến thất bại khác, lúc nào anh cũng ỉ lại tôi, hay bán đất thừa kế... Làm việc lớn không thành, khi trở về gia đình chồng cho rằng anh ở nhà phục vụ vợ con là nhục nhã, anh cũng nói với tôi điều như thế. Một người vợ bất chấp tất cả, thức khuya dậy sớm, làm trăm nghề để mua từng vật dụng, lo xây đắp từng viên gạch cho gia đình, trong khi người chồng lại cho rằng đó là một điều nhục nhã...", chị tâm sự trong nước mắt.
Chị Thảo Nguyên (Hoài Đức, Hà Nội) cũng trong tình trạng như vậy, khi lấy chồng "mãi như một đứa trẻ". "Riêng chuyện ở riêng mà tôi với chồng mâu thuẫn suất mấy năm nay. Ban đầu khi mới cưới, chồng bảo sống cùng bố mẹ cho vui cửa vui nhà vì gia đình bác cả ở xa. Tôi đồng ý vì thấy hợp tình hợp lý. Thế rồi vài năm sau gia đình bác cả bán đất thành phố, mua thêm mảnh đất ngay cạnh nhà bố mẹ chồng tôi và chuyển về ở hẳn vì hai bác xác định là con trưởng phải chăm lo bố mẹ già. Từ đó cuộc sống nảy sinh nhiều rắc rối. Tôi nói chồng ra ở riêng vì đây là giai đoạn phù hợp để tách ra. Chồng tôi ậm ừ không muốn chuyển. Anh lấy hết lý do này kia mà lý do nào cũng không hợp lý. Nhưng là vợ, tôi hiểu rõ, chồng tôi được chiều từ bé nên không muốn sống xa bố mẹ. Anh lấy vợ rồi mà chuyện gì cũng xin ý kiến bố mẹ, không tự quyết được việc gì. Tôi rất nản!".
Có một số người phụ nữ không may mắn khi lấy phải chồng như trẻ con, mãi không chịu lớn. Anh ta mải chơi, thiếu trách nhiệm trong các quyết định của gia đình. Người đàn ông nói chung được ví như những đứa trẻ chưa lớn, nhưng không có nghĩa là trưởng thành rồi anh ta vẫn giữ một cái tính cách ham vui, chơi bời như những ngày tháng còn độc thân. Lập gia đình rồi, đàn ông ham chơi, ham vui thì ai là người làm việc, ai là người trở thành trụ cột gây dựng một cuộc sống no ấm cho vợ con? Sống với những người chồng như vậy, phụ nữ thật thiệt thòi và nước mắt nhiều hơn sau những năm tháng vun vén của hôn nhân.
Theo Phương Nghi
Gia đình và Xã hội