Khổ vì chồng “keo”
(Dân trí) - Không giống những thanh niên chưa vợ khác làm được đồng nào tiêu hết bay đồng đó, Nam - chồng Thoa dù chỉ là anh nhân viên quèn lương tháng đôi ba triệu, vẫn một tay lo được hết cho ngày cưới không phải nhờ đến bố mẹ sắm sửa gì.
Ai cũng khen Thoa tốt số, lấy được người chồng vừa hiền lành, chịu khó làm ăn, lại biết bề lo toan tính toán cho gia đình. Có ai ngờ, mừng đấy mà cũng thành khổ đấy.
Yêu nhau gần một năm trời rồi đi đến kết hôn, nhưng từng đấy thời gian, Thoa chưa bao giờ nhận được món quà, bó hoa nào từ Nam. Cô nào có đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần một bông hồng xinh xắn cũng đủ hãnh diện rồi. Ấy nhưng lí lẽ mà Nam đưa ra thường là: “Nhà em bán hoa rồi, những ngày như 8.3, 20.10 anh tặng hoa em nữa thì chẳng khác nào chở củi về rừng. Những ngày như Giáng sinh hay Lễ tình yêu là của phương tây, anh chỉ thích những cái gì của ta thôi nên anh chẳng theo”. Ngày ấy, Thoa cũng có phần hậm hực và tủi thân, nhưng suy đi tính lại thấy Nam là người hiền lành, chân thật, vả lại hai người yêu nhau khi cũng đứng tuổi, những kiểu thể hiện trẻ trung có lẽ Nam không quen nên Thoa chấp nhận. Về làm vợ rồi cô mới hiểu, chồng mình có tính keo kiệt, chi li từng đồng.
Sau cưới hai hôm, Thoa đi chợ mua ít đồ cho gia đình. Vì chưa quen khu ở nhà chồng nên Thoa không biết mua hàng nào cho rẻ. Tay xách nách mang về Thoa được chồng hỏi thăm giá cả rồi... chê đắt. Anh cặn kẽ hỏi vợ mua hàng nào rồi hằm hằm mang đồ ra chợ trả! Lẽo đẽo theo sau nghe chồng chỉ trỏ từng hàng, bình luận đắt rẻ mà Thoa ngượng chín cả mặt. Từ hôm đó, Nam nói với vợ, chuyện mua sắm chợ búa cứ để anh làm. Mọi việc lớn bé trong gia đình, cứ động đến tiền là Nam phải tính toán kỹ.
Hôm sinh nhật chồng, Thoa mua ít hoa về cắm, nhân tiện đặt bánh gatô để tối vợ chồng cùng chúc mừng. Ý tưởng lãng mạn vỡ vụn khi Nam kêu giời rằng vợ lãng phí quá, cần gì phải hoa hoét, bánh trái cho tốn tiền. Thoa chán chẳng muốn nói thêm điều gì, nhủ lòng khi nào vợ chồng có của ăn của để hơn, có lẽ Nam sẽ không như vậy nữa.
Nhưng cuộc sống với trăm mối quan hệ, trăm công việc phải dùng đến tiền mà lúc nào chồng cũng kèn kẹt khiến Thoa khó thở. Hai vợ chồng kinh tế giờ cũng khá hơn trước nhưng Nam chẳng hề thay đổi. Quần áo, đồ dùng cá nhân của hai vợ chồng chẳng mấy khi Nam cho vợ mua. Nam chỉ có quan niệm cái gì dùng hỏng mới thay, không có chuyện thay đồ cho mới, cho đẹp.
Việc đối nội, đối ngoại Nam cũng can thiệp, miễn sao cho ít chi phí nhất. Nhiều khi bạn bè mời hai vợ chồng đến nhà dùng cơm, Nam tìm đủ mọi cách từ chối với lí do người ta mời mình ắt có ngày mình phải mời lại, như thế lại tốn kém. Dần già, mọi người như xa cách hơn với vợ chồng Thoa.
Tối nay, khi ngồi chuẩn bị quà tết cho hai bên gia đình, Nam vừa nhặt đồ cho vào túi vừa hồn nhiên nói: “Giá mà bố mẹ em không bỏ nhau, mỗi người sống một nơi thì ngày tết nhà mình cũng đỡ được một gói quà, đằng này lại phải đi bố một gói, mẹ một gói, thật tốn kém quá…”.
Thoa nhìn chồng mà nỗi thất vọng dâng lên đến tột cùng. Ngay cả nỗi đau về cái hạnh phúc gia đình không trọn vẹn của cô Nam cũng quy ra để tiết kiệm thì thật chẳng còn gì để nói.
Hoài Thu