Khi vợ là “bức bình phong”
(Dân trí) - Đàn ông đến tuổi, gặp người ta thương và thương ta thì cưới về làm vợ. Song cũng có những ông cưới vợ để… che đậy chính mình, để làm tròn trách nhiệm. Họ là người thuộc “thế giới thứ ba”.
Hạnh phúc mong manh
Chị H. vừa khóc, vừa gọi điện đến chương trình trò chuyện đêm khuya của một đài tiếng nói tâm sự: “Em khổ quá anh ơi. Em và anh ấy đã sống với nhau hơn 5 năm rồi, có được đứa con. Ai nhìn vào cũng nghĩ gia đình em hạnh phúc, em cũng tự hào vì có người chồng mạnh mẽ, ai ngờ… Anh ấy…không phải là đàn ông.
Mới đây, tình cờ, em đã thấy anh ấy chở một người con trai trẻ và nói chuyện rất tình tứ trên phố. Bực mình, em theo dõi rồi có lần bắt gặp chàng thanh niên kia cũng là… vợ của chồng em…”.
Đồng cảnh ngộ với H. còn có chị T. Chị kể: “Hồi quen nhau anh ấy ga lăng lắm, lo cho tôi tình ly từng tí, bạn bè tôi còn phải ghen tị. Tôi cũng từng rất hạnh phúc vì sự ấm áp của anh ấy, nhưng đến khi cưới về thì thấy anh không mặn nồng với chuyện gối chăn.
Tưởng anh có vấn đề về sinh lý, tôi cứ hối anh đi bệnh viện Bình Dân khám sức khỏe. Anh không đi, chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Cho đến ngày vô tình tôi đọc được tin nhắn điện thoại của anh, từ số của một người bạn trai mà anh từng giới thiệu là bạn thân…”.
Biết anh đồng tính, chị T. rất đau khổ nhưng cũng đành im lặng sống, dù từ đó trở đi, chị rất sợ mỗi khi nhìn thấy chồng.
Còn nhiều tình cảnh trớ trêu khi những bà vợ bỗng nhiên trở thành “bức bình phong” bất đắc dĩ cho các ông chồng. Hạnh phúc gia đình khi ấy thường rất mong manh, nếu không ly hôn thì cuộc sống hôn nhân cũng ảm đạm, có khi dẫn đến vợ chồng vô cảm, ghét nhau.
Anh đâu muốn thế
Anh M.khá thành đạt và nam tính, người bình thường nhìn vào không bao giờ nghĩ anh đồng tính, chỉ có vợ anh mới phát hiện được vì anh không hề “nhiệt tình” trong đời sống gối chăn.
Tinh tế nên chị nhận ra chồng có vấn đề khi đôi lần thấy anh nhìn hơi… lệch về những người bạn đồng nghiệp đẹp trai. Chị âm thầm điều tra và phát hiện anh có… bồ nhí, lại là… nam nhi.
Chị đã thẳng thắn hỏi anh còn anh hoảng hốt thừa nhận. Lá thư anh viết như một lời tạ lỗi: “Anh thật sự thương và quý em vì em là người con gái tốt. Nhưng anh không thể yêu em nồng nàn như những người đàn ông khác.
Anh đã nhận ra mình ngay từ khi còn là sinh viên nhưng gia đình thì hi vọng vào anh, xã hội kỳ thị những người như anh. Anh sợ lắm! Cưới em vì anh quý em và không thể sống với chính mình thật thà nhất. Không ít lần anh đã dằn vặt, đau khổ, muốn bỏ con người thật của mình để yêu em nhưng anh không thắng được. Anh xin lỗi, ngàn lần xin lỗi…”.
Chị L. đọc lá thư anh cũng chỉ biết khóc và nói lời chia tay trong im lặng vì lý do: Không còn yêu anh ấy nữa.
Chị Ng., một người từng học tâm lý nhưng cũng không nhận ra ngay từ đầu người yêu của mình là đồng tính nên chấp nhận theo anh về làm vợ, làm dâu.
Sống chung một nhà, dần dần chị cũng hiểu ra khi có một vài lần anh say về gọi tên “người yêu”. Cũng một lần say anh quỳ xuống chân chị nhận lỗi, rằng anh đã lừa dối, dù biết rõ mình gay những vẫn cưới chị.
Thông cảm hay trách cứ?
Không ít người vợ khi phát hiện mình chỉ là “bức bình phong” cho chồng đã làm ầm lên, thậm chí trả thù. Đó là phản ứng tự nhiên và cũng rất đáng thông cảm. Song còn không ít chị đã biết suy xét, cảm thông và chia tay trong im lặng với lời cam kết: Anh đừng làm khổ thêm một người phụ nữ khác, hãy sống thật với chính mình.
Người chồng khi đã biết mình thuộc “thế giới thứ ba” thì nên đối diện với sự thật, đừng gây đau khổ cho người khác chỉ vì muốn che đậy chính mình. Gia đình, người thân và xã hội cũng nên có cái nhìn độ lượng hơn với những người thuộc thế giới thứ ba, tránh đưa họ đến bước đường cùng.
Lưu Mạnh Khôi