Khi vợ không đi làm

Dù được ông xã đều đặn đưa lương mỗi tháng, nhưng tình cảnh "ở nhà chồng nuôi" vẫn khiến nhiều người vợ trẻ khó xử với con cái.

"Mẹ có làm ra tiền đâu mà cấm con mua búp bê mới chứ?", tiếng hét của bé Nga khiến vợ chồng chị Dung sững sờ. Không nói được lời nào, chị Dung chạy vào phòng riêng, đóng sập cửa, khóc nấc.

 

Quá tức giận trước sự hỗn xược của con, anh Cường, chồng chị, lấy roi đánh con gái. Bé Nga khóc thét, nằm vạ trên sàn nhà, giãy chân đỡ đòn. Ngày cuối tuần bỗng chốc biến thành "thảm họa" chỉ vì một con búp bê.

 

Xuất thân từ gia đình nghèo, chị Dung không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Học hết lớp 9, chị mở quán cà phê phụ mẹ nuôi em. Anh Cường là một trong những khách quen của quán. Thầm để ý cô chủ quán dịu dàng, khéo léo, anh lân la tìm hiểu rồi ngỏ lời yêu. Hai năm sau, họ kết hôn.

 

Sau đám cưới, anh Cường đi làm, chị Dung ở nhà lo việc nội trợ. Vốn là trưởng phòng, thu nhập của anh khá cao. Cuộc sống gia đình tương đối sung túc. Rồi bé Nga ra đời, nhìn con gái ngày càng xinh xắn, thông minh, chị Dung rất hạnh phúc.

 

Có một điều là không rõ được ai "bỏ nhỏ" hay sớm hiểu chuyện mà chưa đến 7 tuổi, Nga đã biết phân định tiền bạc giữa bố và mẹ.

 

Những lúc vòi mẹ mua quà không được, Nga liền mè nheo bố. Chiều con, anh Cường đáp ứng mà chẳng biết mình đang vô tình giúp bé định rõ "quyền lực" của bố.

 

Nhiều lần chị Dung nói với chồng về điều này nhưng anh Cường bỏ ngoài tai. Hôm đi chơi vừa rồi, Nga đòi mua búp bê, chị Dung dứt khoát không cho. Cô bé quay sang năn nỉ bố. Nể vợ, anh Cường làm mặt nghiêm: "Mẹ đồng ý, bố mới mua". Thế là con bé vòi mẹ suốt đoạn đường về. Vừa bước vào nhà, biết chẳng thể nằn nỉ được nữa, Nga đã buông lời xúc phạm mẹ.

 

Xã hội ngày càng hiện đại nhưng không ít phụ nữ trẻ vì hoàn cảnh nên phải ở nhà lo cho gia đình như chị Dung. Bên cạnh sự hạn hẹp về giao tiếp, họ dễ bị các con xem thường do sự đóng góp cho gia đình quá thầm lặng.

 

Nếu chẳng may nghe được những lời thiếu tôn trọng từ con, bạn phải hết sức bình tĩnh. Nếu biểu lộ sự cáu gắt hoặc tổn thương, bạn đã vô tình cho bé thấy điểm yếu của mình. Sau này, bé sẽ thường xuyên "tấn công" vào đó khi không được đáp ứng nhu cầu.

 

Nên chọn lúc bạn và bé vui vẻ, hãy khéo léo hỏi xem con lấy thông tin đó từ đâu. Sau khi biết rõ ngọn nguồn, hãy thiết lập lại "ngôi vị" của mình bằng những cách hiệu quả sau:

 

- Thống nhất với chồng về những khoản chi tiêu và mua sắm cho con. Tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" có thể khiến bé hình thành thói quen phân định tiền bạc trong gia đình.

 

- Những thỏa thuận chi tiêu trong gia đình nên giữ kín giữa hai vợ chồng. Trước mặt bé, cần hạn chế nhắc chuyện tiền bạc, mọi mua sắm phát sinh đều do mẹ quyết định. Tránh nuông chiều con quá mức, dẫn đến tình trạng bé "được voi đòi tiên''.

 

- Giải thích cho bé hiểu mẹ phải quán xuyến nhà cửa, chăm sóc cả nhà. Công việc đó nặng nhọc chẳng kém bố đi làm.

 

- Bạn đừng bao giờ biểu lộ sự "thấp cơ" so với chồng trước mặt bé, hãy tự hào về vai trò nội tướng của mình. Bé sẽ dần nhận ra vị trí của mẹ và tự điều chỉnh thái độ cho đúng.

 

Theo Tiếp thị & Gia đình