Khi trẻ chỉ yêu người giúp việc

Nhìn cô con gái 5 tuổi nằng nặc đòi về quê theo bác giúp việc, vợ chồng chị Trần Thu Nga, ở quận Cầu Giấy vừa buồn, vừa tủi thân. Bố mẹ đã tìm đủ mọi cách dỗ dành nhưng cô bé vẫn không chịu, bởi chỉ thích ăn cơm bác Tư nấu, thích bác Tư kể chuyện trước khi đi ngủ…

 

Con quấn người giúp việc


 

Con quấn người giúp việc

 

Chị Nga nghẹn ngào tâm sự, giờ con chị yêu bác giúp việc hơn cả yêu bố mẹ, bởi, từ lâu vợ chồng chị đã phó mặc việc chăm sóc con cho người giúp việc vì quá bận rộn với công việc kinh doanh. Nếu như trước đây chồng chị có thời gian đưa con đi học buổi sáng, còn chị cũng dành chút thời gian cuối ngày kể chuyện, vui đùa cùng con trước khi bé đi ngủ, thì nay những công việc ấy trông cả vào bác Tư. Từ ngày mở công ty riêng, ngày nào vợ chồng chị cũng ra khỏi nhà lúc con chưa thức giấc và về đến nhà khi con đã ngủ say. Ngay cả thói quen đưa con đi chơi công viên, hay đến những nơi giải trí vào những ngày nghỉ cuối tuần cũng thưa dần.

 

Chị Nga cảm thấy có lỗi với con nhưng với suy nghĩ mình còn trẻ, có cơ hội thì phải kiếm tiền để tích lũy cho cuộc sống và còn vì tương lai của con sau này nên gần 1 năm nay anh chị ít có những phút giây thoải mái bên con, không được nghe và nhìn thấy con cười đùa ríu rít chào đón bố mẹ mỗi khi đi làm về. Hiếm hoi lắm họ mới có thời gian để thư giãn, vui đùa cùng con, nhưng những lần như vậy cô bé lại chạy đến bên bác giúp việc thủ thỉ: “Ba mẹ không yêu con như bác Tư yêu con. Chỉ có bác Tư là yêu con thôi vì bác Tư chơi với con, ngủ với con...”. Hoàn cảnh của gia đình chị Nga không còn là chuyện hiếm gặp, thậm chí ngày càng trở nên phổ biến trong những gia đình hiện đại.

 

Tuy nhiên, không ít gia đình còn suy nghĩ đơn giản, yêu người giúp việc chẳng có gì sai cả, con mình vẫn là con mình. Dù chúng có dành tình cảm cho người giúp việc nhiều đến đâu thì không gì bằng tình máu mủ, khi lớn lên chúng vẫn về bên cha mẹ. Nhưng họ quên mất một điều rằng tâm hồn trẻ như những tờ giấy trắng, với chúng tình cảm yêu thương phải được chính những người sinh thành hun đúc bằng sự quan tâm và chăm sóc hàng ngày...

 

Đừng để “mất vai”

 

Sau một thời gian phó mặc con cho người giúp việc chăm sóc vì guồng quay của công việc và những chuyến xuất ngoại thường xuyên, chị Hoàng Hồng Hạnh đang làm việc cho một công ty nước ngoài đã phải đưa con đi điều trị căn bệnh tự kỷ. Chị Hạnh rầu rĩ kể lại, cách đây gần 1 năm chị đã giao cho bác giúp việc thay mình chăm sóc cậu con chưa đầy 2 tuổi. Sau những chuyến công tác xa nhà, điều mà chị Hạnh quan tâm là con chị có lên cân đều không, sức khỏe có tốt không, còn chị chẳng mấy khi chú ý đến cách người giúp việc dạy con mình như thế nào, tiếp xúc với loại phim, ảnh gì... Đến khi con được hơn 2 tuổi, bắt đầu nhận biết mọi sự vật xung quanh, chị Hạnh phát hiện con mình có những biểu hiện không bình thường như thường xuyên dán mắt vào vô tuyến, ít giao tiếp, sợ người lạ, thậm chí nói giọng đặc vùng quê, dù vợ chồng chị đều là người Hà Nội. “Chỉ đến khi đưa con đến gặp bác sĩ, tôi mới được biết mình đã bỏ qua thời điểm “vàng” trong giai đoạn phát triển của trẻ để dạy con mọi điều hay lẽ phải.

 

Nhận xét về thực tế này, bà Lê Thị Túy - chuyên gia tư vấn tâm lý, Trung tâm Tư vấn tâm lý hạnh phúc và gia đình Việt Nam cho biết, với trẻ nhỏ, người nào thường xuyên gần gũi, chuyện trò, chia sẻ thì các bé đều yêu thương. Sự gần gũi, chăm sóc của bố mẹ thưa dần, cũng như thiếu sự quan tâm sẽ khiến mối quan hệ giữa bố mẹ với con cái trở nên xa cách. Và nếu bố mẹ không gắn bó với con từ nhỏ thì càng lớn sẽ càng khó gần gũi chúng. Trẻ sẽ ảnh hưởng từ người giúp việc về thể chất, tình cảm cũng như cách giáo dục. Để không đánh mất vai trò làm cha mẹ, đánh mất tình cảm thiêng liêng cha mẹ dành cho con cái, tránh những hậu quả đáng tiếc khi đứa trẻ thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, các bậc cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, chăm sóc con cái nhiều hơn. Khi con cái có được sự ôm ấp, vỗ về từ cha mẹ chúng sẽ cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng.

 

Theo Ngọc Bảo

ANTĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm