Khi tình yêu tuổi thanh xuân không thắng nổi những áp lực cuộc sống
(Dân trí) - 19 tuổi mình nghĩ chỉ cần có tình yêu là đủ, nhưng khi ra trường, bắt đầu đối diện với cuộc sống cơm áo gạo tiền, tình yêu dường như không còn quá quan trọng...
Mình từng thấy có nhiều bạn nam nói rằng: "Con gái sau khi chia tay thường nhắc đến hai từ "thanh xuân", vậy tuổi trẻ còn con trai chắc chỉ là "thanh long" thôi nhỉ? Câu đùa nghe có vẻ hài hước nhưng mình thấy nó chua chát hơn thực tế rất nhiều.
18 tuổi, một thằng con trai chẳng có gì trong tay mà sao khao khát yêu đương trong mình lại lớn lao tới thế. Mình gặp Ngân trong một buổi tuyển thành viên câu lạc bộ cho tân sinh viên. Mình bắt chuyện, Ngân trả lời, gần gũi như đã trò chuyện từ lâu lắm rồi. Chúng mình đến với nhau chẳng cần một lời tỏ tình cứ thế cùng nắm tay đi hết qua tuổi trẻ đầy hoài bão.
Hồi ấy mình chẳng suy nghĩ quá sâu xa, yêu là yêu thế thôi. Sáng đi học, chiều tham gia hoạt động sinh viên, tối đến đón Ngân lượn lờ quanh từng con phố sáng đèn quanh Hà Nội. Tạt vào một quán cà phê cũ kỹ ven đường, trong túi chỉ có 50.000 đồng cũng vẫn tự tin rủ bạn gái đi hẹn hò là thế.
Cả hai đứa đều là sinh viên, Ngân hiểu mình chưa có sự nghiệp nên cũng chẳng thấy đòi hỏi gì bao giờ. Còn mình, cũng vì thấy Ngân chẳng đòi hỏi bao giờ mà cho rằng đấy là sự đương nhiên của tình yêu thời sinh viên. Bởi vì, có gì trong tay đâu mà đòi hỏi.
Niềm vui của tình yêu thời sinh viên đơn giản lắm. Chỉ là chiếc bánh mì nóng hổi mua vội ở cổng trường, hay chỉ là một thanh socola kèm bông hoa hồng vào ngày lễ tình nhân là đủ để hai đứa cười vui hạnh phúc.
Những dịp lễ quan trọng, chắt chiu hết tiền trong ví, vay thêm cả tiền bạn bè mua quà tặng nhau cũng chẳng sợ ngày mai chết đói. Cũng chẳng cần những buổi hẹn hò sang trọng đẳng cấp, chỉ có bát mì tôm chia đôi vào cuối tháng mà cảm thấy ấm lòng. Vừa ăn, vừa cười nhìn nhau rồi nghĩ: "Sau này dù có bao nhiêu khó khăn cũng nhất định sẽ ở bên nhau, bên cạnh người đã từng trải qua cùng mình những tháng năm đáng nhớ".
Cũng hơn một lần Ngân hỏi mình: "Sau này ra trường anh định sẽ xin việc ở đâu? Ở lại Hà Nội hay về quê lập nghiệp? Ra trường mấy năm thì chúng mình đám cưới?". Những câu hỏi của Ngân cho mình biết về một sự kỳ vọng rất lớn trong lòng. Nhưng hồi ấy trẻ, nào mình có dám nói trước điều gì, nên mỗi khi Ngân hỏi, mình cười trừ: "Nói trước bước không qua, cái gì đến sẽ đến".
Miệng thì nói vậy nhưng trong lòng mình cũng đã từng nghĩ rất nhiều về viễn cảnh cả hai đứa ra trường, xin được công việc ổn định, cuộc sống khấm khá hơn rồi mình sẽ dắt tay Ngân về ra mắt, xin bố mẹ hỏi cưới Ngân, người con gái đã nắm chặt tay mình trong những năm tháng tuổi trẻ.
Năm 3 Đại học, Ngân không còn dựa dẫm quá nhiều vào bố mẹ, Ngân đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm và kiếm thêm thu nhập, còn mình vẫn cứ tập trung tham gia các hoạt động cho sinh viên ở trường. Với mình, đó cũng là những trải nghiệm tốt. Việc có thể kiếm sau khi ra trường, còn những trải nghiệm thời sinh viên đã qua rồi chẳng còn cơ hội lần thứ hai.
Khi Ngân tự tay kiếm những đồng tiền lương đầu tiên cũng là lúc những quan điểm sống của cả hai đứa có phần khác nhau. Ngân cho rằng mình chẳng có chút kế hoạch nào cho tương lai, rằng mình chỉ biết hưởng thụ, chờ tiền trợ cấp hàng tháng của bố mẹ gửi lên. Ngân từng kỳ vọng rất nhiều ở mình nhưng cũng bởi những kỳ vọng quá lớn mà sự thất vọng lại càng nhiều hơn.
Bản thân mình thời điểm đó lại cho rằng Ngân "bà già", suy nghĩ nhiều và đặt áp lực cho mình. Không ít lần hai đứa cãi nhau vì chuyện tương lai, vì những chuyện chưa đến.
Năm 4, khi mình còn đang loay hoay với đồ án tốt nghiệp, Ngân đã ra trường vì hoàn thành xong việc học chỉ trong 3 năm rưỡi. Ra trường có công việc ổn định, có thu nhập khá, và sự chênh lệch trong suy nghĩ của cả hai cũng thấy rõ.
Môi trường làm việc mới giúp Ngân gặp gỡ được nhiều người thành công hơn mình, có điều kiện kinh tế vững vàng hơn mình. Bản thân mình thấy vậy cũng bắt đầu tự ti hơn nhiều. Rốt cuộc mình đã thua kém hơn bạn gái, sự nỗ lực của mình là chưa đủ để có thể đồng hành cùng Ngân.
Người ta thường nói "gió tầng nào sẽ gặp mây tầng ấy". Cô nàng công sở xinh đẹp, tự chủ kinh tế liệu có thích hợp để ở bên cạnh một chàng sinh viên nghèo, chẳng có gì trong tay như mình? Mình nhận ra khi trưởng thành chỉ có tình yêu thôi chưa đủ.
Năm ấy mình 22, chủ động nói lời chia tay sau 4 năm gắn bó với người bạn, người yêu đồng hành suốt 4 năm thanh xuân rực rỡ dưới mái trường Đại học. Chủ động vì mình muốn những điều tốt nhất đến với người con gái mình thương và giúp cô ấy không phải khó xử vì mình.
Nếu bạn hỏi mình có hối hận không, mình thừa nhận là có, vì đã không đủ vững vàng, mạnh mẽ và quyết tâm để giữ được tình yêu đẹp nhất trong đời.