Khi ta ngã xuống, ai còn bên ta?
(Dân trí) - Trước Tết vài tuần, anh tôi nhập viện sau một cú ngã nặng. Đến nay, anh chỉ có thể nằm yên nhíu mày, nhấp môi, và được duy trì sự sống bằng thức ăn truyền qua ống thông.
Không ai nghĩ người đàn ông to cao, đang tuổi ăn, tuổi làm như anh lại ra nông nỗi này. Sau một cuộc nhậu, anh bị chảy máu dạ dày rồi ngã xuống lúc bước ra từ xe ô tô, dẫn đến gãy xương cổ.
Gần hai tháng qua chứng kiến anh tôi nằm bất tỉnh trong viện, chứng kiến ánh mắt thảng thốt của các con anh, những giọt nước mắt lau vội của vợ anh, tôi cứ suy nghĩ mãi về hôn nhân, gia đình, về việc khi ta ngã xuống, ai còn bên ta?
Anh trai có hai tật xấu, tôi đã khuyên nhiều lần mà không bỏ. Một là hay nhậu. Hai là không hài lòng về vợ.
Tính chất công việc đòi hỏi anh phải duy trì các mối quan hệ xã hội, không thể tránh khỏi những cuộc nhậu. Nhưng tôi nghĩ anh có thể giảm tần suất từ mỗi tuần 3,4 chầu còn 1,2 chầu. Từ việc uống quá chén đến uống biết điểm dừng.
Vì sử dụng bia rượu trong suốt nhiều năm, dạ dày và gan của anh đều không tốt. Anh cứ chủ quan mình sức dài vai rộng, mấy bệnh đó chả ăn nhằm gì. Nào đâu biết trước sẽ có ngày "dăm ba bệnh vặt" ấy lại khiến anh thập tử nhất sinh.
Anh có một người vợ khá đảm đang, chu toàn. Chị quán xuyến mọi việc chăm con, đối nội đối ngoại, anh vì thế yên tâm làm ăn. Vốn tính hay lo toan, chị cũng phàn nàn về thói quen ăn nhậu của anh, muốn anh ở nhà nhiều hơn, để dành thời gian cho gia đình và giữ gìn sức khoẻ.
Anh cho rằng chị thích kiểm soát chồng, nên trách móc lại chị là không tâm lý. Có mặt những người ngoài, anh vẫn nói bóng nói gió rằng phụ nữ biết thả lỏng cho chồng mới là phụ nữ khôn, phụ nữ thích kiểm soát chỉ có loại hay ghen, thiếu tự tin, khiến chị buồn nhiều. Những câu nói tưởng bông đùa nhưng rất gây mất đoàn kết "vợ là xiềng xích, vợ là gông cùm", "sống với nhau chỉ vì con". Tôi là em gái nghe còn rất chói tai, huống hồ người làm vợ. Gia đình anh vì thế mà lục đục.
Thế rồi lúc anh ngã xuống. "Xiềng xích" của anh vừa chạy vạy chữa trị cho anh, vừa động viên, trấn an tinh thần các con. Chị túc trực bên anh lâu nhất, khóc nhiều nhất nhưng cũng là người thường xuyên nói những điều tích cực nhất, chị luôn tin rằng anh sẽ tỉnh lại. Chị niệm Phật hằng ngày cầu an cho anh.
Biết tin anh gặp nguy, bạn làm ăn, bạn nhậu ghé qua thăm vài chục phút, nói vài câu động viên rồi đi. Anh em ruột thịt từ quê sắp xếp công việc đến chăm anh được vài ngày, đỡ cho chị được một vài việc, rồi lại trở về lo cơm áo gạo tiền.
Sát Tết, ai về nhà nấy. Tôi chỉ kịp chạy vào viện đưa cho chị và các cháu ít đồ ăn rồi tất tưởi ra sân bay về quê chồng ăn Tết. Nhìn ba mẹ con lầm lũi bên nhau, anh tôi thì vẫn mê man bất tỉnh trong phòng chăm sóc đặc biệt, mà tôi thấy tê tái lòng.
Sau tất cả, người cuối cùng ở lại bên ta lúc hoạn nạn chỉ có người đầu ấp tay gối và những đứa con thơ. Bởi tiệc tùng đã tan, bạn bè dần xa, cha mẹ đã khuất, anh chị em cũng có cuộc sống riêng.
“Con người cũng như con chim, sáng kiếm ăn chiều bay vào tổ”. Anh tôi không phải là người tệ bạc với vợ con, anh vất vả kiếm tiền cũng chỉ mong gia đình có cuộc sống giàu sang, con cái học hành đến nơi đến chốn. Chỉ có điều đôi lúc anh hơi ham vui, quên mất cái tổ của mình cũng cần anh mang hơi ấm và sự quan tâm về. Tôi cầu mong anh sớm tỉnh lại, để trân quý hơn giá trị của sức khỏe và gia đình.
Khánh Linh