Khi mẹ chồng cổ hủ

Từ hôm mẹ chồng dưới quê lên chơi, Huệ (Ngã Tư Sở, Hà Nội) nhăn nhó: "Bà bảo, mình đi làm chứ có phải đóng phim đâu, sao phải mặc váy ngắn hoặc trang điểm cầu kỳ? Khổ quá, làm kinh doanh mà xấu thì khách hàng nào chịu tiếp...".

Ngày nào Huệ cũng phải để chuông đồng hồ báo thức từ 5h30 và đi làm sớm hơn thường lệ 30 phút. Sau đó, cô chui vào nhà vệ sinh thay đồ và trang điểm. Với lý do về muộn, Huệ giải thích: "Cho phấn trên mặt mình bay đi bớt. Hơn nữa, chờ đồng nghiệp về hết, mình mới dám thay đồ, không thì xấu hổ lắm".

 

Cô chia sẻ nốt: "Mình phải thông báo ngay nỗi khổ này cho mấy "cái loa" ở công ty, không khéo người ta đồn mình có bồ thì còn chết nữa!"

 

Tránh tiếng "ngược đãi mẹ chồng"

 

Khác với Huệ, Vân Anh (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại rầu rĩ vì có một bà mẹ chồng đảm. Vân Anh khốn khổ trình bày: "Bà rất sạch sẽ và cẩn thận, lại thương mình đi làm vất vả nên dành hết việc trong nhà".

 

Nhiều lần thuyết phục mẹ chồng không thành công, Vân Anh đành kệ "mẹ cứ lau nhà, con dâu cứ xem tivi". Tuy nhiên, "cảnh đẹp" này không vượt qua tai mắt của những người hàng xóm trong khu tập thể.

 

Vân Anh chua xót: “Cả xóm xì xào mình là con dâu nhưng ngược đãi mẹ chồng. Bắt mẹ chồng làm việc quần quật từ sáng đến tối, lại còn lớn tiếng nạt nộ. Thật oan cho mình quá”.

 

Kết quả của "tin vịt" này là việc Vân Anh phải giải trình với mấy anh chị nhà chồng trong cuộc họp gia đình ngay sau đó. Rút kinh nghiệm xương máu, Vân Anh đúc kết: "Mình chịu khó ở cơ quan đến tối muộn để tránh khó xử với mẹ chồng và trở thành trung tâm đàm tiếu cho thiên hạ".

 

Tâm lý ngại mẹ chồng

 

Nếu sinh hoạt gia đình bỗng dưng bị đảo lộn vì mẹ chồng, con dâu cũng không nên vì thế mà gia tăng khoảng cách. Biện pháp trở về nhà muộn vì ngại va chạm với mẹ chồng sẽ khiến hai mẹ con khó tìm cách hòa hợp.

 

Con dâu nên cố gắng dẹp bỏ lối suy nghĩ "mẹ chồng thật khó gần, làm dâu sao mà khổ" vì nếu con dâu luôn e dè, ngại ngùng với mẹ chồng thì mẹ chồng cũng sẽ xuất hiện tâm lý "phòng thủ" với nàng dâu.

 

Nên hiểu rằng, mẹ chồng cũng cần cơ hội và thời gian để hiểu thêm về con dâu. Vì vậy, nếu không chung sống thường xuyên với mẹ chồng, con dâu nên coi những dịp mẹ chồng lên chơi để thiết lập tình cảm.

 

Phần lớn mẹ chồng cũng xuất hiện tâm lý lo lắng về con dâu: Bà muốn xem cách con dâu sống thế nào, có hòa thuận với con trai mình không, có xứng là một người nội trợ đảm đang… Nếu con dâu cố tình tránh mặt mẹ chồng, nhiều khả năng, mẹ chồng sẽ có ấn tượng không tốt về con dâu.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé