Khi hôn nhân “hỏng hóc”

(Dân trí) - Khó tránh khỏi các mối nguy cơ tiềm ẩn trong cuộc sống vợ chồng. Để bảo vệ mái ấm gia đình, hãy chuẩn bị những “công cụ” dưới đây mỗi khi hôn nhân của bạn có trục trặc cần sửa nhé.

Công cụ 1 : Lời xin lỗi 
 

Hối lỗi kịp thời và thành tâm có thể làm nên điều kì diệu cứu vãn mối quan hệ, đặc biệt là khi người kia cố chấp, hiếm khi thừa nhận mình sai.

 

Công cụ 2 : Giãi bày tâm tư 
 
Những lần nóng nảy, cáu gắt của bạn thường bắt nguồn từ sự dồn nén cảm xúc. Mỗi khi có điều gì lo lắng, hãy bộc lộ (sợ hãi, xấu hổ, bất an…). Bởi nếu nhìn thấy những trạng thái tình cảm đó, thay vì giận dữ, chồng (vợ) bạn sẽ cư xử cảm thông hơn rất nhiều.

 

Mặt khác, bạn còn luôn tạo được sự gắn kết và thân mật giữa hai người. Hãy nói “em rất lo cho con nên có hơi gắt gỏng; Em không muốn làm anh tổn thương, em chỉ mất thăng bằng một chút thôi”…  
 
Công cụ 3 : Thấu hiểu
 
Điều này không có nghĩa là bạn phải luôn luôn nói đồng ý. Thấu hiểu có thể giảm bớt căng thẳng và mâu thuẫn, bởi nó chứng tỏ rằng, ít nhất bạn cũng đã lắng nghe, đã cư xử trên cơ sở tôn trọng quan điểm của nửa kia. 

 

Công cụ 4 : Thừa nhận sai lầm  
 
Không xung đột nào bùng nổ chỉ do 100% lỗi của người này hoặc người kia. Hầu hết các cuộc tranh cãi giống như một bài khiêu vũ vậy, cả hai đều có những “bước nhảy” góp phần tạo thành sự mâu thuẫn. Do đó, hãy thành tâm và cư xử theo cách mà bạn cũng muốn nhận được. 

 

Hãy nói rằng : “ Em không nên nói ra những lời đó; Em đoán là cả hai ta đều muốn quên nó đi; Em có thể hiểu tại sao anh lại phản ứng như vậy”… 
 
Công cụ 5 : Đồng cảm từ những mong muốn chung 
 
Nắm rõ vấn đề trong lòng bàn tay, tìm ra và chú ý đến những điểm chung thay vì sự khác biệt. Chẳng hạn cả hai bạn đều đồng ý rằng đưa cậu con trai nghịch ngợm vào khuôn khổ là mong muốn chung, cho dù còn có sự khác biệt trong cách thức dạy dỗ. 

 

Hãy nói “mình có chung mục đích là muốn con ngoan hơn, cho dù chưa tán thành cách của nhau nhưng cả anh và em đều muốn đạt được cùng một kết quả”. 
 
Công cụ 6 : Cải thiện cách cư xử


Không ăn thua nếu bạn xin lỗi, nhận lỗi rồi lại tái diễn cách cư xử theo lối “gây gổ” của mình. Lời nói cần đi đôi với việc làm, hãy chỉ ra những hành động cụ thể để chứng tỏ bạn sẵn sàng thay đổi thói quen xấu, ví dụ “anh hứa không ném quần áo bẩn ra sàn nhà, anh sẽ gọi điện nếu về muộn, anh sẽ chỉ uống 3 chén khi đi nhậu” v.v và nhớ thực hiện nhé.

 

Ngô Đức

Theo Articles2k