Khi đàn ông thích “buôn dưa lê”

Nhiều người từng “đụng” với đàn ông lắm chuyện, thích “buôn dưa lê” phải lắc đầu lè lưỡi bởi “trình” của họ còn hơn cả đàn bà.

 
Khi đàn ông thích “buôn dưa lê” - 1


Người ta thường gán “buôn dưa lê” là đặc tính của đàn bà, kèm theo nghĩa không tích cực là đàn bà hay ngồi lê đôi mách, kiếm chuyện làm quà. Còn đàn ông vốn được coi là nam nhi đại trượng phu, ăn to nói lớn, quân tử nhất ngôn, đồng nghĩa với việc không nên đặt cạnh những từ “rủ rỉ”, “thì thào” hay “tám chuyện”.

 

Ấy là nói ở diện “vĩ mô”, còn giới nào chả có người nọ, người kia.

 

Già có, trẻ có nhé, những người đàn ông “buôn dưa lê” rảnh rỗi thường tụ tập ở những hàng nước, quán xá vỉa hè đầu xóm, chỉ dăm ba chén nước chè, “bắn” vài điếu thuốc lào là hôm qua trong xóm nhà ai có chuyện gì đều qua mồm họ cả. Mà đàn ông, tính “ta đây” lại cao nên ai cũng muốn mình là người loan tin trước. Rồi đến màn bình luận.

 

Dĩ nhiên như “kịch bản” của những màn buôn dưa lê, con kiến sẽ biến thành con voi. Con trai ông bà kia dạo này ốm, nằm nhà không đi làm, vậy là qua miệng những kẻ “nhàn cư” tự dưng thành kẻ nghiện, rồi nghiện bê bết, thậm chí đi cai mấy lần chưa xong.

 

Khủng khiếp nữa, có ông vốn lâu nay vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”, bà vợ buồn lòng thường đi lễ chùa, vậy là “tội” ấy của bà được ông bày ra cho bàn dân thiên hạ nghe. “Thông tấn xã vỉa hè” phát tin, cuối cùng họ tự “kết nạp” bà vào một tổ chức mê tín dị đoan nào đó mà chính bà cũng chẳng biết.

 

Còn dân công sở thì sao, cũng chẳng hiếm lắm, nếu không muốn nói là khá nhiều những gã công việc nhàn hạ, làm việc “giờ Nhà nước”, sáng sáng khề khà quanh ấm trà, đàm đạo chuyện “nhân tình thế thái”. Từ chuyện anh kia năm ngoái trúng chứng khoán được mấy trăm triệu, năm nay thì lỗ nặng, bán cả nhà. “Sao tham thế, sao ngu thế. Chẳng phải tay ông á, ông thắng rồi sẽ rút vốn ngay để đầu tư vào vàng. Đấy, thấy không, vàng dạo này tăng giá ầm ầm, mua từ hồi đó hôm nay bán thế nào chẳng lãi lớn”.

 

Rồi đến chyện mấy em thực tập sao cứ ì ra ấy nhỉ, chẳng biết đường đến sớm đánh ấm chén, đun nước, pha trà, dọn vệ sinh cho “người lớn” như cái hồi “anh em” mình thực tập vẫn làm. Kiểu này làm sao sếp ưa mà ghi nhận xét tốt được. Lại cái bà X nữa, già rồi mà cò điệu chảy nước, mình mà có vợ như bà ấy thì chắc điên mất. Cô Y hình như bồ bịch hay sao mà dạo này trưa trưa cứ “lượn” khỏi cơ quan...

 

Những “lời qua tiếng lại”, “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” kiểu này đã gây không ít mâu thuẫn, sứt mẻ tình cảm hàng xóm láng giềng, đồng nghiệp, thậm chí khiến gia đình người “bị hại” mất đoàn kết, tan đàn xẻ nghé. Người nghe chuyện do những gã đàn ông này kể lúc đầu rất dễ tin vì họ “mất cảnh giác”, đâu nghĩ đàn ông “buôn dưa lê” khiếp thế. Sau vài lần hiểu ra, họ rất coi thường và lánh xa cho đỡ mệt đầu.

 

Ôi, những “nam nhi đại trượng phu” kia ơi, sức dài vai rộng hãy “đội đá vá trời” hoặc ít nhất là để thời gian và đầu óc vào việc chăm sóc gia đình và làm tròn bổn phận công chức.

 

Theo Đàn Ông