Khi cuộc đời chỉ cho ta một trái chanh

(Dân trí) - Người vợ trẻ mới chỉ 25 tuổi, đang mang trong mình hài nhi 7 tháng. Tuổi ấy, vẫn còn ở độ phơi phới sắc xuân, hạnh phúc làm mẹ cũng đã gần kề. Rồi đột ngột một ngày, em gieo mình xuống sông tự tử. Tuổi thanh xuân vĩnh viễn dừng lại, một đứa trẻ mãi mãi không có cơ hội cất tiếng khóc chào đời.

Khi cuộc đời chỉ cho ta một trái chanh - 1

Người nói vì em không hạnh phúc, người nói em vì áp lực từ chuyện nọ chuyện kia, người nói có khi em bị trầm cảm do chịu nhiều dồn nén tâm lý trong thời kì thai nghén. Tất cả cũng chỉ là suy đoán của những người ở lại. Dòng thư cuối cùng em viết cho người thân chứa đầy mệt mỏi “Con mệt rồi. Cho con nằm nghỉ”. Đó là câu chuyện buồn của cô giáo trẻ ở Hải Dương gây xót xa trong dư luận những ngày vừa qua.

Tầm tháng 9 năm ngoái, một thai phụ trẻ cũng 25 tuổi ở Nghệ An, vì mâu thuẫn vợ chồng đã ôm hai con mình nhảy sông tự vẫn. Một phút bế tắc, bốn mạng người ra đi, sự việc quá đau lòng gây nên một nỗi chấn động.

Vẫn biết, nếu không quá khổ đau, nếu không cùng quẫn, nếu không bế tắc, hẳn chẳng ai lại chọn kết thúc đời mình, kết thúc cuộc sống của các con mình theo cách nghiệt ngã và đau đớn ấy. Nhưng lựa chọn này, dẫu cho có người coi là ích kỉ, có người coi là độc ác, thì xét cho cùng vẫn thương nhiều hơn trách.

Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng. Mỗi ngày chúng ta đều phải cố vươn lên với bao nỗi lo toan giằng níu. Nào là nỗi lo cơm áo, nào là nỗi đau bệnh tật, nào là mâu thuẫn chồng vợ, nào là nỗi uất ức tủi hổ do người xung quanh mang đến. Bao nhiêu áp lực đè lên, nếu không có nơi để bấu víu, không có chỗ để tựa nương, một mình gồng gánh chắc rồi ai cũng sẽ mỏi mệt. Mệt rồi muốn nghỉ. Tưởng rằng chỉ cần một giấc ngủ thật dài thật sâu rồi sẽ qua nỗi đau. Đâu ngờ mình đi rồi, nỗi đau chồng chất lên tim những người ở lại.

Thuở tôi còn nhỏ, tôi còn nhớ có chị ở trong làng. Chị xinh đẹp, con nhà gia giáo. Chị yêu một anh làng bên rồi có bầu. Người đàn ông chị không tiếc cả thân mình hiến dâng, khi biết chị mang thai liền phủi bay theo cách vô cùng khốn nạn “chắc gì đứa bé là con tôi”. Bố mẹ chị là giáo viên, vì không muốn người đời dè bỉu có con gái mất nết chửa hoang bèn ép chị bỏ thai. Vài chục năm trước, việc một cô gái không chồng mà chửa ở quê là tày đình ghê gớm lắm.

Ai ở quê rồi sẽ biết, mọi chuyện dù hay dù dở đều lan nhanh không kém mạng xã hội bây giờ. Chuyện của chị dĩ nhiên không thể giấu. Chị, một cô gái mới lớn, đối diện với cú sốc quá lớn đầu đời: Người yêu bỏ rơi, gia đình dằn vặt, làng xóm dị nghị, trong khi đứa trẻ thì không ngừng lớn lên. Chị quyết định khăn gói bỏ nhà đi, để lại bức thư chỉ vỏn vẹn ba từ “Con xin lỗi”.

Bố mẹ chị dù giận, khi thấy con bỏ nhà đi cũng cuống quýt đi tìm. Có cha mẹ nào mà không thương con, dù con mình khạo khờ, dại dột. Vậy mà tới tận 5 năm sau chị mới trở về, mặn mà xinh tươi, cùng với một cậu bé đẹp như tranh vẽ. Mẹ chị khóc ngất ngày gặp lại con. Làng xóm chạy đến, vừa tò mò, vừa là để biết chị bao năm qua sống ở đâu, sống như thế nào. Có người bà con ôm chị “mấy năm qua chắc con cơ cực lắm”. Chị mỉm cười, cười như thể chưa từng đi qua khổ đau “Khi cuộc đời chỉ cho con một trái chanh. Việc của con là tìm đường để bỏ vào nó chứ”

Không lâu sau đó, chị lấy chồng. Đó là người đàn ông đã giúp chị đi qua những khó khăn khi chị một mình thân cô thế cô nơi xứ lạ với một đứa con còn đỏ hỏn. Lẽ đời, khi một người rời bỏ ta đi, là để có chỗ cho người khác đến. Không có nỗi đau nào là tột cùng. Không có ai là hoàn toàn cô đơn. Chuyện gì dù khó đến đâu cũng có cách giải quyết. Nếu chưa tìm ra cách thì vì đó chưa phải là cuối cùng.

Có một thời điểm nào đó trong cuộc đời, chúng ta sẽ hỏi bản thân: Sao người ta sung sướng còn mình thì khổ thế? Sao người ta hạnh phúc còn mình thì bất hạnh? Sao ông trời lại đối xử bất công? Họ có gì hơn mình đâu mà họ toàn nhận về những may mắn? Và rồi nỗi đau khiến ta ngã quỵ không còn chút sức lực nào, chẳng nghĩ gì được nữa ngoài hai chữ: Buông xuôi.

Khi nghe một ai đó tự kết thúc cuộc đời mình, dù bằng cách này hay cách khác tôi đều thấy buồn thương. Bởi tôi nghĩ chính là trong thời điểm người đó yếu đuối nhất đã không có người kịp đến, không có bàn tay nào kịp chìa ra, không có bờ vai nào tình nguyện gánh vác sớt chia nỗi khổ đau của họ. Bế tắc – đó thực sự là hai từ đáng sợ, nó khiến ta không thấy cả con đường đang đi trước mặt, không nhìn thấy gì ở tương lai, chỉ thấy nỗi đau hiện hữu bủa vây không cách gì thoát ra được.

Khi cuộc đời chỉ cho ta một trái chanh. Có người nhắm mắt nuốt chua cay, có người miệt mài tìm mật, tìm đường pha vào cho dễ uống. Cũng có người không còn đủ sức lực, không còn đủ kiên nhẫn liền vứt trái chanh đi để mình chết khát. Sống hay chết, dĩ nhiên là lựa chọn của bản thân mỗi người. Nhưng khi một người cùng quẫn mà ra đi, người ở lại cũng có một phần lỗi. Lỗi quá vô tâm, lỗi quá ơ hờ, để không kịp nhìn thấu, để không kịp sẻ chia, để không kịp khai thông một tâm hồn đang chìm trong bế tắc tuyệt vọng.

Tôi cũng từng trải qua những thời điểm trong đời mình như thế: Chán nản, bất lực, bất mãn. Và không dưới một lần tôi đã dại dột nghĩ “chết thực ra không đáng sợ bằng sống khổ”. Nhưng mọi thứ cũng chỉ dừng lại ở suy nghĩ đó. Vì khi nỗi buồn chán đi qua, khi tôi lại có người đỡ nâng, sẻ chia, kề cận, tôi lại thấy cuộc đời vẫn đẹp, lại hào hứng sống, lại ngập tràn yêu thương.

Thật không khó để nhận ra khó khăn luôn chực chờ ta phía trước, trên mỗi chặng đường ta đi, qua mỗi thời gian ta trải. Không có ấm êm nào mãi mãi, sóng gió chắc chắn sẽ có lúc lướt qua đời mình. Nhưng chúng đến không phải để ở lại, không phải để quật ngã chúng ta. Mỗi khó khăn chỉ là thử thách để ta mạnh mẽ hơn, cứng cáp hơn, để chiến đấu, để sống, để làm người. Nỗi đau chỉ là tạm thời, ai chẳng có đôi lần thấy đời mình nhập nhoạng hoàng hôn. Nhưng hãy vững tin, đi qua đêm tối này, ngày mai bình minh sẽ đến.

Và sống không chỉ vì mình, mà còn vì những người thương yêu mình, vì những người mình thương yêu.

Lê Giang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm