Khi con là “hot boy”, “hot girl”
Trong khi các teen tự hào vì được nhiều người ngưỡng mộ và liên tục khoe độ “cute”, độ nổi và độ sành điệu của mình, thì các bậc phụ huynh lại ngày đêm lo lắng, sợ con mình hỏng sớm.
Không có ngày nào là chị Quyên (phường Trường An - TP Huế) lại không lo lắng về cô con gái rượu. Ai cũng khen chị có phước, có cô con gái “xinh như mộng”. Gần đây, chị còn nghe phong thanh chuyện con gái chị được mệnh danh là “hot girl” của trường. Trái ngược với sự hí hửng của cô bé, chị Quyên lại thấy không vui chút nào. Con gái chị đang tuổi ăn, tuổi lớn, còn phải tập trung cho việc học hành, thế nhưng, chỉ vì vẻ bề ngoài xinh đẹp, cuộc sống của cô bé dường như đã bị đảo lộn.
Trung bình một ngày, chị Quyên phải tiếp không dưới 10 cuộc điện thoại xin gặp con gái chị, mà đa số “chủ nhân” của những cuộc điện thoại ấy đều là nam. Vốn nghiêm khắc, nên dù cô bé đã nài nỉ nhiều lần, chị vẫn kiên quyết không sắm điện thoại di động cho con. Máy tính ở phòng con gái cũng không được nối mạng, đề phòng những “nguy cơ” xấu.
Nhưng hơn ai hết, chị biết rằng, mình vẫn không thể kiểm soát con gái được 24/7. Cô bé đang ở giai đoạn cuối cấp, việc học thêm nhiều môn để phục vụ cho những kỳ thi trước mắt là rất cần thiết. Cứ mỗi lần con gái vác cặp đến lớp học thêm, chị lại đứng ngồi không yên, sợ con theo bạn bè, bỏ bê việc học. Căn dặn mãi cũng không tiện, nhiều khi lại làm cho mẹ con bất hòa. “Ở tuổi “dở người lớn, dở trẻ con” này, nếu cứ kiên quyết quá, e rằng lại phản tác dụng. Tôi cũng đã nhiều lần nhắc nhở con gái, nhưng con bé cũng đã không ít lần tỏ thái độ khó chịu ra mặt và có xu hướng chống đối” - chị Quyên chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ với chị Quyên, chị Nga (phường Tây Lộc - TP Huế) cũng “đau đầu, nhức óc” khi có con là “hot girl”. Ngặt một nỗi, con gái chị lại học hành lẹt đẹt nên nỗi lo con hư hỏng càng tăng gấp đôi. Dù đã được bố mẹ “đầu tư” khá nhiều, nhưng sức học của My - con gái chị Nga - cũng chẳng tiến bộ lên được mấy. Không có hứng thú với việc học, do đó, toàn bộ thời gian, cô bé đều dành để “ngắm vuốt” vẻ bề ngoài.
Tuy nhiên, chị Nga lại không tính đến những mối nguy từ những đồ “high tech”, vẫn sắm sửa cho con đầy đủ điện thoại, máy tính để tiện liên lạc và phục vụ cho việc học. Vậy nên những lúc bố mẹ vắng nhà, My tha hồ “tung hoành” trong thế giới riêng của mình. Cô bé có rất nhiều “fan” hâm mộ và cũng khá bận rộn với những lịch “hẹn” dày đặc. Thông thường, cô bé luôn nói dối bố mẹ là đi học và tham gia ngoại khóa để tự do đi với bạn bè.
Vì bận rộn với công việc kinh doanh, hai vợ chồng chị Nga cũng không có nhiều thời gian để “quản lý” cô con gái đang lớn. Nhìn vẻ bề ngoài ngoan ngoãn của con, chị cũng bớt lo phần nào. Tuy nhiên, những cuộc điện thoại “kiểm tra” liên tục của bố mẹ không làm cô bé “ngoan” hơn. Đi với bạn bè, My có cảm giác được “tung hô”, và cảm thấy sung sướng trước nhiều ánh mắt ngưỡng mộ.
Theo My, ước mơ của cô bé là sớm được “nổi tiếng” như các “hot boy”, “hot girl” khác. Cô bé “ý thức” được nhan sắc và độ nổi của mình ở trường nên dù có học hành lẹt đẹt, My vẫn rất tự tin: “Em tin rằng mình sẽ kiếm được nhiều tiền và được nhiều người biết đến. Đã có rất nhiều chương trình thời trang mời em trình diễn. Đó là những khởi đầu tốt đẹp phải không ạ?”.
Không biết niềm tin của cô bé mãnh liệt đến đâu, chỉ biết rằng, những buổi đáng ra nên có mặt ở lớp, cô bé lại “chuồn thẳng” để đi chụp ảnh bìa cho những tờ tạp chí và tham gia các show diễn thời trang. Còn chị Nga, chị vẫn tin con mình “ngoan”, mặc dù trong thâm tâm luôn tồn tại những dự cảm không tốt.
“Bọn trẻ đang chạy theo những giá trị ảo”
Đó là lời khẳng định của cô giáo Kim - chủ nhiệm của một lớp có khá nhiều “hot boy”, “hot girl” thuộc dạng “đình đám”. Thật ngẫu nhiên khi lớp cô có quá nhiều “trai xinh”, “gái đẹp”. Nhưng theo cô giáo, công việc chủ nhiệm của cô cũng trở nên vất vả hơn vì điều đó.
Bởi các “nam thanh”, “nữ tú” này luôn muốn “chơi trội”. Đơn cử như việc mặc đồng phục của trường. Hôm nào, lớp của cô Kim cũng bị giám thị “tóm cổ” ít nhất là 5 em học sinh mặc đồ sai quy định, mà hầu hết là các nữ sinh. “Trường quy định nữ sinh phải mặc áo dài, chúng lại diện những bộ đồ thời trang theo sở thích. Trường đã có những biện pháp xử phạt nghiêm ngặt, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn” - cô Kim cho biết.
Theo lời cô, không phải tất cả những “hot boy”, “hot girl” đều học dốt và “quậy”, vẫn có nhiều người thành công trên con đường học vấn và biết cách tận dụng vẻ bề ngoài của mình, nhưng đa phần, vì sớm “nổi tiếng” với vẻ bề ngoài, nên những học sinh có “biệt danh” đó đều khó mà tập trung hết sức cho việc học. Nhiều em vì quá “mải mê” tìm kiếm sự nổi tiếng nên đã sẵn sàng đánh đổi thời gian lên lớp cho những hoạt động nhằm đánh bóng tên tuổi bản thân.
Chị Uyên - mẹ của một “hot boy” khá nổi, kể khổ: “Không có ngày nào là con tôi không bị làm phiền. Đa số là các cô gái “hâm mộ” vẻ bề ngoài đẹp trai của nó. Tôi thấy lực học của con mình từ khi lên cấp III cũng sụt giảm hẳn”. Cũng theo lời chị Uyên, vì đang “tuổi lớn”, rất thích nghe những lời tán tụng, nên nhiều khi, sự “nổi tiếng” chưa đúng lúc sẽ làm cho nhiều bạn trẻ tin vào những giá trị “ảo”.
Tuy không nổi đến mức xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, nhưng Mai - “hot girl” của trường X. lại khá bận rộn với những show diễn thời trang và là “nhân vật đình đám” trong nhiều bữa tiệc của bạn bè. Theo cô bé, việc sở hữu một vẻ ngoài xinh xắn sẽ đem lại cho cô nhiều “cơ hội” hơn trong tương lai. Cô bé không ngần ngại bày tỏ: “Theo như em thấy, giữa một người có nhiều bằng cấp, giỏi nhưng xấu xí và một cô gái xinh đẹp, thì cô gái xinh đẹp luôn có “cửa” rộng hơn dù cho cô ta có ngốc nghếch”.
Quan điểm trên của Mai không phải là không có lý, bởi hiện nay, có rất nhiều công việc đòi hỏi đến hình thức. Nhưng xét đến cùng, nhận thức này đang gây ra một sự “nhầm tưởng” tai hại cho nhiều bạn trẻ, vì không ai có thể trẻ đẹp mãi mãi, và vẻ bề ngoài không phải là “yếu tố” quyết định tất cả đến sự thành công của cuộc đời họ.
Đa phần, những phụ huynh có con là các “hot boy”, “hot girl” đều có cảm giác không yên tâm về con mình. Trong mắt họ, đó vẫn là những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”, mà cuộc sống thì lại quá phức tạp và lắm cạm bẫy. Giống như trường hợp của vợ chồng anh Hoàng, khi nhà trường gửi quyết định đình chỉ học tập đến nhà, anh chị mới “té ngửa” khi biết đứa con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn của mình thường xuyên bỏ học, đàn đúm với đám bạn sành điệu.
Có sắc đẹp không phải là một cái tội, ngược lại, nó là một “lợi thế” nếu người ta biết cách khai thác. Tuy nhiên, ý thức về sắc đẹp một cách quá sai lầm, quá sớm như nhiều bạn trẻ hiện nay lại dẫn đến những hệ lụy xấu. Và các bậc phụ huynh, thay vì tự hào khi có con cái là “nam thanh”, “nữ tú”, họ lại phải gánh thêm một nỗi lo khác: Lo con sớm rơi vào những cạm bẫy của cuộc đời.
Theo Ngọc Hoàn
Eva