Khi con dâu “thảo mai”

Không ít cô dâu đã chọn cho mình cách sống “hai mặt” với gia đình nhà chồng. Tưởng thế là khôn ngoan nhưng có ai ngờ nhiều bi kịch gia đình đã bắt đầu từ thái độ sống không chân thành như vậy.

Khi con dâu “thảo mai” - 1
Hình minh họa: Veer.
 
Nhắc đến nàng dâu duy nhất trong nhà, bác Mùi (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) lại thở dài sườn sượt. Chính vì cô ta mà gia đình bác, vợ chồng, con cái đang lục đục, bất hòa.

 

Bác Mùi chỉ có hai người con, một trai một gái. Cô con gái cả học xong đại học, công tác trong Đà Nẵng và đã lấy chồng ở luôn trong đó nên nhà chỉ có hai vợ chồng già với vợ chồng anh con trai út.

 

Giống như bao bà mẹ khác, bác chỉ mong mình có một cô con dâu hiền lành, chịu thương chịu khó và quan trọng nhất là biết phép tắc kính trên nhường dưới. Thời gian đầu, Thảo đã thể hiện xuất sắc vai trò làm dâu khiến bác thực sự cảm thấy mãn nguyện. Thế nhưng, theo thời gian, bằng linh cảm của người phụ nữ từng trải, bác đã dần dần thấy được một con người khác của Thảo. Và con người này khiến bác Mùi cảm thấy bàng hoàng, kinh sợ.

 

Trước mặt bố mẹ chồng, Thảo là một nàng dâu lễ phép. Tuy không thực sự giỏi giang trong việc nữ công gia chánh nhưng cô là người chịu khó học hỏi nên sau một thời gian đã có thể quán xuyến công việc gia đình một cách chỉn chu, khoa học. Việc gì trong nhà Thảo cũng hỏi ý kiến bố mẹ rồi mới quyết định. Mua sắm đồ đạc gì cô cũng nhờ mẹ chồng tư vấn về kiểu dáng, màu sắc, giá tiền... Những điều đó tuy nhỏ nhưng khiến bác Mùi cảm thấy cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy mình vẫn có tiếng nói trong gia đình.

 

Hơn nữa, Thảo rất biết cách ăn nói. Thỉnh thoảng, cô lại nói với mẹ chồng những câu như: “Con cảm ơn mẹ nhiều lắm!” hay “thật may là con có được mẹ chồng tâm lý như mẹ” khiến cho bác không khỏi hởi lòng, hởi dạ. Ai ngờ, đó chỉ là cái vỏ bọc quá hoàn hảo bên ngoài.

 

Hôm đó, buổi họp phụ nữ khu phố hủy bỏ vì bà hội trưởng phải đi họp trên quận nên bác về nhà sớm hơn so với dự định. Chồng và con trai đi thăm người ốm nên cả nhà im lặng như tờ. Đi qua phòng vợ chồng con trai, bác nghe tiếng cười như xé vải của cô con dâu đang nói chuyện điện thoại. Không có tính tò mò, bác định đi về phía phòng mình thì nghe tiếng Thảo vang lên trong phòng: “Ôi, mày tưởng tao sướng lắm đấy! Bà mẹ chồng nhà tao thực ra tử tế với tao chẳng qua là do tao về đây đem cho nhà họ một đống của nả nên họ mới thế. Chứ tao mà về tay không xem, có mà họ khinh cho như rác...”.

 

Thảo còn nói rất nhiều thứ với người bạn qua điện thoại, cô kể xấu mẹ chồng mình, nào trình độ thẩm mỹ thấp, mình mua sắm cái gì chỉ hỏi han gọi là có, lại cứ tưởng là được trọng vọng lắm nên cứ ý kiến lấy ý kiến để; nào mẹ chồng keo kiệt bủn xỉn, cô có mua sắm cái gì bằng chính tiền của cô mà cũng can ngăn nói không cần thiết... Tựu chung lại, sau mỗi lời nói với bạn, Thảo đều khoe nhà bố mẹ đẻ mình giàu có, và nhà chồng thì toàn “ăn bám” vào cô nên mới phải đối xử tử tế như thế. Nghe tiếng cô con dâu “quý hóa” chan chát trong điện thoại mà bác Mùi thấy rùng mình. Từng lời, từng lời của con dâu như nhát búa gõ vào đầu khiến người bác lảo đảo.

 

Đúng là gia đình nhà bố mẹ đẻ của Thảo có điều kiện hơn nhà bác, đúng là Thảo khi về nhà chồng có mang theo không ít của nả, nhưng đó là vốn riêng của Thảo, gia đình bác không bao giờ có ý động đến dù chỉ một xu. Thật không ngờ, cô con dâu tưởng hiền lành, ngoan ngoãn của bác lại có thể thốt ra những lời đó mà không thấy ngượng mồm. Đau đớn hơn nữa là cô ta lại cho rằng tình cảm mà bác dành cho cô ta bấy lâu nay đều chỉ vì quỵ lụy vào số tiền mà cô ta mang đến.

 

Biết mẹ chồng đã nghe thấy mình nói chuyện, Thảo không những không sợ hãi mà còn vênh mặt lên thách thức. Cô ta luôn bịa ra những lý do: mẹ tự nhiên khó tính khó nết, mẹ hay bắt bẻ, ép người quá đáng... với chồng khiến cho quan hệ giữa bác và con trai cũng nhiều phen sóng gió.

 

Nàng dâu giỏi đeo mặt nạ

 

Chung một hoàn cảnh như bác Mùi là bác Sỹ (Đại Từ, Thái Nguyên). Về độ “thảo mai, thảo quả”, cô con dâu thứ hai của bác cũng không kém cạnh gì cô con dâu “quý hóa” của bác Mùi.

 

Ngay từ khi cậu con trai cả đưa bạn gái về ra mắt gia đình, bác Sỹ đã cảm thấy có gì đó không yên tâm khi cô gái này thể hiện sự khéo léo trong giao tiếp đến mức có cảm giác không thật thà. Nói chuyện này với chồng thì bác trai gạt đi, nói “bà chỉ lo vớ vẩn, con bé khéo léo như thế, con mình lấy được nó là phúc mấy đời rồi lại còn chê trách được gì nữa”.

 

Mà đúng như thế thật, những ngày đầu, khi Hiên về làm dâu nhà bác, thì hầu như bác không thể chê trách một điều gì ở cô gái này. Hiên đảm đang trong việc nội trợ, tháo vát trong việc nhà. Đi làm về, nhìn thấy bố mẹ chồng từ đàng xa cô đã véo von chào hỏi, vồn vã như thể lâu lắm chưa gặp cho dù họ vẫn sống chung nhà. Với họ hàng, cô cũng đều có thái độ lễ phép, đúng mực như vậy. Ai cũng mừng vì gia đình bác có được một cô con dâu nhanh mồm nhanh miệng lại đảm đang, khéo léo.

 

Có lẽ bác Sỹ sẽ còn bị cô con dâu giỏi đeo mặt nạ này qua mặt một thời gian dài nữa nếu như không xảy ra một chuyện. Gia đình bác Sỹ có một mảnh đất thuộc diện quy hoạch trong dự án mở rộng đường quốc lộ. Số tiền đền bù lên tới vài trăm triệu. Bác định sẽ chia số tiền ấy ra để cho các con mỗi đứa một ít, số còn lại sẽ đem gửi ngân hàng lấy tiền dưỡng già. Mới có ý định thế, cũng chưa quyết định sẽ cho các con mỗi đứa bao nhiêu thì đã thấy các con trong nhà ướm hỏi chuyện tiền nong, rồi đứa này tị nạnh, đứa kia ghen ghét, sợ bố mẹ sẽ cho người khác nhiều hơn mình.

 

Những tin đồn thất thiệt không biết từ đâu bung ra: Nào anh cả mua tặng bố cái tủ lạnh là lấy lòng bố mẹ hòng trục lợi chuyện tiền nong, cô út thì thụt kể xấu vợ chồng anh ba sống vô trách nhiệm, không chịu quan tâm đến bố mẹ... Những hiểu nhầm khiến anh em trong nhà bỗng coi nhau như người dưng nước lã, không khí gia đình ngột ngạt đến khó chịu.

 

Quyết không để đồng tiền làm nền nếp gia đình bao lâu nay bị phá hỏng, hai vợ chồng bác Sỹ mới quyết tâm tìm cho ra nhẽ những chuyện thất thiệt này ở đâu ra. Không khó lắm khi bác phát hiện ra đầu mối cho tất cả những chuyện này chính là từ cô con dâu thứ 2 nhà mình. Cô ta không ra mặt mà thường kích động chồng gây bất hòa giữa các anh chị em trong nhà còn bản thân thì đặt điều cho người nọ, người kia... để bố mẹ thấy rõ “bản chất xấu xa” của những người con còn lại, thấy được “lòng hiếu thuận” của vợ chồng mình để ưu ái cho phần hơn.

 

May mắn là hai bác đã kịp phát hiện ra bản chất thật của cô con dâu “quý hóa” này để giải quyết tận gốc tất cả mâu thuẫn trong gia đình chứ để anh em trong nhà đánh nhau vì đồng tiền thì làng xóm người ta cười vào mặt.

 

Nhưng điều khiến hai bác phiền lòng nhất là không lâu sau những ồn ào đó, hạnh phúc gia đình của cậu con trai cũng bị ảnh hưởng, tình cảm vợ chồng sứt mẻ đến mức khó có thể hòa giải được nữa.

 

Theo Phununet