Khi chồng như khúc... "ruột thừa"

Ngày xửa ngày xưa, có đôi vợ chồng nhà nọ quấn quýt như chim. Một hôm anh chồng (họ Trư) nghe bạn alô rủ đi xem bóng đá. Khi chàng Trư chuẩn bị đi thì chị vợ xuất chiêu, ra tay xào nấu món rau xào ngũ sắc với hạt nêm ABC...

Vừa ra đến cửa, mũi chàng Trư bỗng phập phồng khi ngửi thấy mùi thơm bốc lên từ căn bếp. Chàng lập tức quên bạn, bỏ trận đấu để ở nhà chén thức ăn vợ nấu với lời âu yếm: “Thôi, vô tuyến còn chiếu lại mà”.

 

Bắt đầu bằng “ngày xửa, ngày xưa...” vì hoạt cảnh trên chẳng khác gì... chuyện cổ tích, hoặc chỉ có trên những thước phim quảng cáo (nơi mà người ta được quyền nói vống lên miễn sao gây ấn tượng) chứ vợ có mua cả bao tải hạt nêm mà đổ vào thì cũng không trói được chân các chàng Trư thời hiện đại.

 

Thế nhưng, có chồng để còn được lăn vào xào nấu phục vụ hay cô quạnh nuôi con một mình? Trả lời câu hỏi đó, không ít người vợ thở dài chép miệng: Cũng chẳng biết thế nào, có thì thừa, không có lại thiếu...

 

Có bao giờ trong hành trình hôn nhân, bạn phải thốt lên: chồng - có thì thừa, không có thì thiếu như vậy? Có bao giờ bạn cảm thấy chán ghét hình ảnh của người đầu gối tay ấp, thấy xa lạ với người đàn ông nằm bên cạnh, thậm chí cả căm ghét khi bao lần bạn phải cay đắng khóc vùi một mình?

 

Tuy nhiên, quyết định cắt đứt một mối quan hệ cho dù đã rã rời sau những sang chấn hôn nhân, sau những khủng hoảng bạo bệnh, lại không đơn giản như chỉ định phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa khi đau hố chậu phải, phát sốt hay nôn mửa...

 

Khi “ruột thừa” bị... viêm

 

1. Có chồng cũng như không: Khi chồng ham vui vô độ. Ngày mưa, chồng về sớm đổ uỵch tấm thân bồ tượng trên sofa, lười nhác khều rì-mốt. Vợ "chổng mông", toát mồ hôi vừa nấu nướng vừa dỗ con và luôn miệng giục chồng đi tắm...

 

Ăn xong, chồng phưỡn bụng ì ạch vào phòng, lười nhác lấy ngón chân cái nhấn nút máy tính và say mê làm người hùng trong Võ lâm truyền kỳ hay bán buôn, cướp bóc trên Con đường tơ lụa, mặc vợ bận bịu dọn dẹp, dỗ cho con ngủ.

 

Ngày đẹp trời, chồng cài đặt sẵn tin nhắn trong điện thoại: “Hôm nay anh về muộn, mẹ con đừng chờ...”. Gọi lại thì nhanh như chớp: “Tò tí te con bò kéo xe...”. Nửa đêm, chồng mò về, dáng thước bảy liêu xiêu như liễu, nồng nặc mùi khó tả, nôn oẹ, lảm nhảm như động kinh...

 

2. Có chồng cũng như không: Khi chồng hoành tráng làm phòng nọ ban kia, đi từ sáng đến nửa đêm, nay tỉnh, mai huyện, ngày kia xuất ngoại... mà gi gỉ gì gi, từ tiền ăn, tiền điện, tiền học, đến tiền chữa trị khi con ốm đau cũng một tay vợ, chồng cũng không hề biết tích cóp cho tương lai mà xổ toẹt: “Đời cua, cua máy. Đời cáy, cáy đào”...

 

3. Có chồng cũng như không: Khi chồng mèo mỡ, vụng trộm. “Rau sạch” thì lười ăn mà “rau có thuốc trừ sâu” thì mê mẩn. Với chồng, “rau” có “sạch” đến mấy, có chịu khó đổi món từ xào sang đến tần, hay quý hiếm đến mức nằm trong sách vàng, sách đỏ cũng chỉ bắt đầu bằng một chữ cái duy nhất: “V”. Còn “rau có thuốc trừ sâu” tuy nguy cơ cao nhưng lại phong phú, đủ cả bảng chữ cái từ “A” đến “Z”.

 

4. Có chồng cũng như không: Khi chồng không còn là cây tùng, cây bách làm nhiệm vụ chở che cho vợ con. Từ việc lớn đến việc bé, từ cái bóng đèn cháy đến lễ Tết nội ngoại đều một tay vợ. Chồng như đứng bên lề cuộc sống của vợ con, như người ăn nhờ, như kẻ ở trọ. Tình cảm vợ chồng luôn treo đầu sợi tóc, mong manh, căng thẳng, ngột ngạt...

 

Khi đã cắt... “ruột thừa”

 

1. Không chồng và nỗi cô đơn: Ngày Tết sum họp chỉ mẹ với con. Những bữa cơm quạnh hiu chỉ con với mẹ. Những buổi họp lớp, những bữa liên hoan, tiệc tùng, mẹ lủi thủi một mình, đắng lòng khi nghe người quen hỏi han. Ngày của con, mẹ lẽo đẽo chạy theo gót chân xinh xắn, chạnh lòng khi thấy cảnh vợ chồng con cái người ta ríu rít bên nhau. Đêm cũng như dài hơn, tấm chăn cũng như mỏng hơn. Những ngày mẹ ốm, mẹ gồng mình với cho mình ly nước vì bàn tay nhỏ xíu của con chưa đủ bê nước cho mẹ.

 

2. Không chồng và những gánh lo toan: Mẹ bất lực, bặm môi trào nước mắt khi cái cằm xinh xắn của con cứ vênh lên, khi con ngúng nguẩy không nghe lời mẹ. Trước đây, mỗi lần như vậy, mẹ chỉ cần bảo: “Chờ ba về...” là con líu ríu, răm rắp nghe theo. Khi con bị bạn bắt nạt, con chạy về phụng phịu: “Nó méc ba, còn con không có ba để méc...”.

 

Dù trước đây ba đi tối ngày, chưa từng cầm tay con viết một nét chữ, nhưng ba vẫn là “ông kễnh” trong nhà, ba chỉ cần “ho” một tiếng là trật tự được thiết lập ngay tức khắc. Ba dù tốt hay xấu cũng làm con ngưỡng mộ. Có ba bên cạnh, con tự tin hơn, bạo dạn và độc lập hơn. Còn mẹ càng thương con càng gắng đáp ứng, bù đắp thiệt thòi cho con. Có lẽ vì vậy mà câu: “Dao sắc không gọt được chuôi” hay “Con không cha như nhà không nóc” cho đến nay vẫn đúng.

 

3. Không chồng và dư luận: Trong 100 người đứng quanh một đám đổ vỡ của ngôi nhà từng là tổ ấm, có bao nhiêu người thương cảm, động viên khi mẹ con gồng gánh nuôi dạy nhau? Có bao nhiêu người dèm pha, dè bỉu, đoán già đoán non để mỗi ngày có thêm câu chuyện mang ra làm quà, để khẳng định: “tôi là người thạo tin” (trong khi “ruột thừa” của họ có khi còn sưng tấy gấp nhiều lần?) Ly hôn như vết sẹo mang theo cả đời người, đi qua mỗi ánh nhìn soi mói, thiếu thiện cảm thậm chí là thương hại, vết sẹo lại nhói lên, nhức nhối.

 

Đôi lời với người sở hữu “khúc ruột thừa”

 

Chỉ có bạn mới quyết định được việc có hay không một cuộc “đại phẫu” bởi điều này tùy thuộc vào mức độ “viêm” cũng như khả năng chịu “đau” của bạn. Hơn nữa, kết quả của cuộc “đại phẫu” này không bác sĩ nào dám tiên liệu và bản thân bạn cũng chưa biết sẽ đi về đâu. Điều đó đòi hỏi bạn phải cân nhắc thiệt hơn, vì hôn nhân thực sự là một bài toán cần giải bằng những phép tính nghiêm túc.

 

Đôi lời với “khúc ruột thừa”

 

Xin các quý ông đừng vội giận dữ (hoặc giận thay ai đó) vì cái tên “ruột thừa”. “Ruột thừa” thực ra không bao giờ thừa, ngược lại bản thân nó cũng có những chức năng nhất định như tham gia vào hệ miễn dịch, tham gia vào quá trình tạo tế bào lympho giúp ích cho hệ thống miễn dịch của cơ thể. Cần quá đi chứ những “khúc ruột thừa”.

 

Nhưng quan trọng là đừng để “viêm”, bởi khi đã sưng tấy thì “cắt bỏ” là khả năng phải nghĩ đến đầu tiên. Và dù, người vợ vì lý do này hay lý do khác không dám cắt bỏ, thì khả năng đau đớn vẫn sẽ đeo đẳng họ suốt cả cuộc đời.

 

Theo Hà My

Đẹp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm