Khi bát đũa xô nhau

Vợ chồng không thể lúc nào cũng ngọt ngào. Bát đũa còn có lúc xô. Xô sao để không sứt mẻ mới là nghệ thuật.

 
Khi bát đũa xô nhau - 1


Cần có tiếng nói chung

 

Tôi chơi thân đã 10 năm với đôi vợ chồng Vinh - Thuỷ. Họ cùng cơ quan với tôi. Hai năm nay, giữa họ có chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Vinh nói với tôi: Khéo đến chia tay ông ạ”. Còn cô vợ ngậm ngùi: “Anh biết cả hai đứa chúng em từ hồi học đại học, nhưng bây giờ, anh Vinh, anh ấy khác trước lắm, em không thể nào chịu nổi”.

 

Giọt nước tràn ly đã diễn ra ngay sau Tết vừa rồi... Lẽ ra, Vinh phải về sớm, từ lúc 6 giờ tối, để ăn cơm cùng gia đình, con cái và sau đó lại chúc Tết ở bên ngoại. Thuỷ nhìn cơm canh đã nguội ngắt. Con đói, đành cho nó ăn trước.

 

Một mình ngồi đợi, cực kỳ sốt ruột và bực mình: “Anh ấy coi việc về chúc Tết bà ngoại là cái gì đâu cơ chứ!”. 10 giờ tối, Vinh mới lù lù dẫn xác về. Thuỷ hét lên: “Sao anh không gặp tai nạn xe máy, đi bệnh viện có hơn không”. Vinh cũng to tiếng: “Cô chưa để cho ai nói câu gì đã chu chéo lên rồi. Vợ với chả con!”.

 

Từ sau tối ấy, là một cuộc chiến tranh lạnh giữa hai vợ chồng. Một hôm, lên giường đi ngủ, Thuỷ thấy mảnh giấy vẻn vẹn: “Anh có việc, mai phải đi sớm, lúc 7 giờ gọi anh nhé!”. Đêm ấy, ngủ riêng, Vinh quá giấc, mãi 9 giờ mới tỉnh giấc, thấy mảnh giấy để trên trước bàn, cây đèn ngủ chặn lên: “Bảy giờ rồi - Dậy đi”.

 

Họ chưa thể ly dị nhau. Nhưng cả hai sống như vậy, thách thức và “chọi” nhau như vậy để làm gì nhỉ, trong khi họ vẫn đang phải sống chung một căn nhà với đứa con đáng yêu?

 

Nếu họ cư xử một cách bình đẳng có lẽ vấn đề sẽ rẽ sang một chiều khác! Chắc chắn là tốt hơn. Đã là vợ chồng cần xác định cùng mục đích cuộc sống khi đã gắn bó với nhau. Nếu một bên cứ nhìn bên đối tác chỉ với góc nhìn của mình thì suốt đời không thể có “tiếng nói chung”. Mà gia đình hơn ở đâu hết, rất cần một “tiếng nói chung”.

 

Lòng yêu thương và nỗi sợ hãi

 

Đón chồng về, người vợ thấy nồng nặc mùi rượu và than ôi, mùi nước hoa lạ còn nồng nàn ở chiếc cà vạt. Người vợ hét lạc cả giọng, hất đổ cả mâm cơm. Thực trạng tâm lý người vợ lúc này là gì? Ghen - đúng rồi. Nhưng thực chất ghen là gì?  Là nỗi sợ hãi - sợ mất chồng. Cái quyền sở hữu của ta, đang bị đe doạ. Còn ta, ta đang ở thế yếu, bất lực.

 

Đó cũng còn là lòng đố kỵ. Tâm lý học hiện đại coi lòng đố kỵ, tự thấy kém hơn người khác (và nghĩ rằng cái cô gái nào đó kia cũng coi là mình thấp kém hơn họ) cũng là sự sợ hãi. Cách ứng xử bản lĩnh phải là: Hãy tạm chấp nhận sự tồn tại vừa đã diễn ra và tự nhủ: Quái gì mà phải sợ hãi đến như vậy, nếu chồng ta có ai đó quấn quít. Anh ấy phải có sự hấp dẫn tự thân mới được thế chứ. Hãnh diện lên. Sau đó, cần thời gian xem xét, đánh giá mức độ “nguy hiểm” rồi mới có chiến thuật hợp lý.

 

Làm như vậy có hai điều lợi: Một là sự bình tĩnh của ta đã nâng vị thế của ta lên. Hai là: “Anh” phải hiểu: vợ anh là của quý đấy, bản lĩnh chứ không xoàng như anh đâu. Và, anh cũng coi chừng, nên tự biết đối xử với vợ thế nào cho phải. Cái mùi nước hoa lạ kia, chuyện nhỏ đấy, nhưng đã yêu nhau, tôn trọng nhau thì hãy biết điểm dừng là ở đâu.

Trăm phần trăm anh đàn ông nể vợ ở lối ứng xử này. Và một trăm phần trăm anh đàn ông “xem thường vợ” ở cái cách ứng xử như đã nói trên. Mà khi “xem thường nhau” là tình yêu đã mất đi dăm ba phần. 

 

Theo Hà Ly

Gia đình & Xã hội