“Khách” quen
Lần nào cũng vậy, khi con gái dọn cơm mà có mặt chồng tôi ở nhà là tôi nhắc vui cháu: “Con nhớ lấy bốn cái chén, hôm nay nhà mình có khách!”. Thật tình, nếu tôi không nhắc, cháu chỉ lấy đúng ba cái chén cho mẹ, cho mình và cho em trai.
Vì anh thường xuyên vắng nhà nên ba mẹ con tôi đã quen với cách sinh hoạt “chỉ có ba người”. Hình như khi nhà vắng người đàn ông thì bữa cơm cũng đơn giản hơn rất nhiều. Tôi lại có công việc làm thêm mỗi tối nên bữa ăn của ba mẹ con tôi rất nhẹ nhàng, qua quýt. Tôi vừa lo cho hai con, vừa đi làm nên hầu như không có thời gian rảnh.
Tối nào tôi cũng lên giường ngủ lúc nửa đêm, khi chồng và các con đã ngủ say. Có lúc quá mệt mỏi, hai vợ chồng không nói với nhau được vài câu. Việc anh có thể làm được cho các con là ký tên vào sổ liên lạc (khi trường đòi hỏi chữ ký của cả cha lẫn mẹ), chứ anh không có thời gian để hỏi han gì về việc học hành của con.
Anh xuất hiện trong gia đình tôi như một người khách quen. Dù người khách quen ấy luôn dành tình yêu thương cho các con tôi và luôn quan tâm đến những vui buồn của tôi. Anh nhớ rất rõ ngày sinh nhật của từng người và những ngày kỷ niệm riêng của gia đình. Dù có mặt ở nhà trong những ngày ấy hay không, anh vẫn luôn là “nhà tài trợ chính” cho bữa tiệc. Đi công tác xa nhà hay ở cơ quan, dù bận bịu đến mấy, ngày nào anh cũng tranh thủ vài phút gọi điện về nhà để nhắc đi nhắc lại cái điệp khúc: “Ở nhà có chuyện gì không?”.
Dù biết dành thời gian cho nhau càng nhiều càng tốt, nhưng thời buổi này xem ra điều ấy đã không còn thích hợp được với hoàn cảnh hiện tại của gia đình tôi. Thôi thì, tôi thường tự an ủi mình, biết đâu trong cái dở lại có cái hay...
Gần đây, anh lại có thêm việc làm ở ngoài, nghĩa là người khách ấy vẫn sẽ là “khách quen” của ba mẹ con tôi, có lẽ cho đến khi anh... nghỉ hưu.
Theo Nguyễn Đào
PNO