Kết hôn, có nên quan trọng điều kiện nhà chồng?

(Dân trí) - Bạn tôi từng nói rằng lấy chồng có gia đình khó khăn thì gánh nặng cả đời, một cô bạn khác lại tuyên bố rằng chồng nghèo mà có năng lực, ý chí là được. Thời gian đã dần cho chúng tôi câu trả lời.

Kết hôn, có nên quan trọng điều kiện nhà chồng? - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Ba chúng tôi lớn lên cùng nhau ở một thị trấn ven đô, gia cảnh chúng tôi bình thường giống nhau, tốt nghiệp đại học rồi cùng xin được việc gần như một lúc, nhưng sự lựa chọn của mỗi người đã khiến cuộc đời chúng tôi dần trở nên khác biệt.

Tôi là người duy nhất chưa lập gia đình ở tuổi ngoài 30. Không phải tôi theo chủ nghĩa độc thân, chỉ là duyên tôi đến hơi chậm mà thôi. Tôi vẫn đang trên con đường đi tìm tình yêu đích thực, và câu chuyện của hai cô bạn thân đã dạy tôi phần nào về việc lựa chọn bạn đời.

Về nhan sắc, Yến và Thảo có thể nói kẻ 8 lạng người nửa cân, cả hai đều khá ưa nhìn, nói chuyện duyên dáng.

Yến thì ngay từ thời cấp ba đã xác định cưới chồng có điều kiện một chút để được nhờ nhà chồng. "Vợ chồng bà chị họ tao tháng nào cũng gửi tiền về cho bố mẹ chồng, lại còn phải nuôi đứa em út ăn học, tao ngại nhất sau này lấy chồng mà nặng gánh thế".

Thảo thì năm nhất đại học đã có người yêu, lại yêu đúng mẫu người mà Yến "sợ" nhất. Bởi Huân, người yêu Thảo là con trưởng trong gia đình nhà nông đông anh em. Yến luôn nhắc khéo Thảo sợ sau này bạn khổ vì phải hỗ trợ nhà chồng nhiều. Nhưng Thảo khá vô tư, cô ấy bảo yêu con người Huân, yêu cái cách anh ấy cố gắng nỗ lực trong tất cả mọi việc. Tôi thì khá ba phải, thấy cô bạn nào cũng có cái lý riêng.

Cuối cùng Yến cũng được mãn nguyện khi cưới Thành, cậu ấm nhà có điều kiện. Thành có mỗi một chị gái đã theo chồng vào Nam. Cả cơ ngơi gồm một ngôi biệt thự và cửa hàng kinh doanh của bố mẹ đều được hứa sẽ để lại cho cậu ấy.

Thảo vẫn chung thủy với anh người yêu nhà nghèo của mình. Những năm đầu mới cưới, họ đi ở thuê nhà khá chật vật, rồi tích cóp dần cũng mua được chung cư. Gần đây, Huân được thăng chức, thu nhập tăng lên nhiều lần, họ còn mua ô tô và chuyển nhà đến khu cao cấp.

Có một điều rất dễ nhận ra là dù lúc khó khăn hay khi dư dả, vợ chồng Thảo vẫn trìu mến, vui vẻ với nhau. Tôi khâm phục Thảo vì cô ấy cư xử tốt với gia đình Huân. Đúng như Yến dự đoán, vợ chồng Thảo trong suốt những năm qua đều phải hỗ trợ tài chính cho bố mẹ chồng và các em. Nhưng Thảo luôn bảo người thân chồng cũng như người thân mình, không thể thấy khó mà không giúp.

Yến thì hôn nhân không bằng phẳng lắm. Vì khi chọn bạn đời, yếu tố điều kiện gia đình được đặt lên trên nên việc phù hợp tính cách Yến không mấy quan trọng, cứ nghĩ về ở lâu sẽ quen dần. Nhưng họ càng ở càng thấy khắc tính nhau, ông nói gà bà nói vịt. Yến hay than khổ dù nhà chồng điều kiện đầy đủ, vì ở nhà bố mẹ chồng, sinh hoạt phí được ông bà bao rồi nhưng không tự do, muốn ra riêng cũng không thể vì hai vợ chồng không đủ lực mua nhà, bố mẹ thì không hỗ trợ vì không ủng hộ con sống riêng.

Yến bây giờ mới nghiệm ra không gì sung sướng, tự do bằng việc hai vợ chồng tự kiếm, tự tiêu tiền. Bố mẹ chồng dù giàu có đến đâu cũng không thể chu cấp toàn bộ nhu cầu cuộc sống cho mình. Giờ Yến nhìn Thảo lại ngưỡng mộ, vì vợ chồng Thảo tự lực cánh sinh xây dựng cả cơ ngơi, được bố mẹ, anh em tôn trọng, chứ không như vợ chồng Yến mang tiếng ăn bám, lại suốt ngày phải nhìn mặt bố mẹ chồng mà sống nếu không sẽ bị "cắt chu cấp".

Yến giờ khuyên tôi cưới được chồng có gia đình giàu có thì tốt mà không thì cũng chẳng sao, quan trọng nhất là người đàn ông của mình có năng lực không, và chính mình cũng phải cố gắng. Trên đời này không có hạnh phúc nào vẹn tròn mà không phải do mình tự nỗ lực.

Bình Tâm

Góc "Clip hài hước của bé":

Muôn kiểu phản ứng của bé trước các loài động vật