Kéo chồng về nhà

Nhiều bà vợ than rằng chồng không còn hào hứng gặp mình như thuở yêu nhau và lo sợ lung tung. Một đôi lần giận hờn vô cớ xem như điểm xuyết cho tình vợ chồng nhưng cứ ghen bóng ghen gió thì sớm muộn cũng khiến chồng có thêm tật xấu.

 
Kéo chồng về nhà - 1


Ngoài một số ít trường hợp bận việc đột xuất xem như có lý do chính đáng, nhiều ông không về nhà sớm chỉ đơn giản vì... thích la cà, tụ tập.
 
Như anh Hai tôi, từ khi chưa cưới vợ, mẹ tôi thường la rầy vì mải tụ tập với bạn bè khiến cả nhà phải chờ cơm. Đến khi cưới vợ, chị Hai tôi “quản lý” chặt được vài tháng nhưng rồi anh vẫn chứng nào tật nấy. Anh và các bạn say sưa tận hưởng không khí đàn đúm, chẳng lo lắng gì đến vợ con. Khi trời sụp tối và lâng lâng men rượu, họ mới nhớ ra có vợ đợi, con trông ở nhà! Có lần chị dâu bồng cháu về ngoại ở mấy ngày. Chỉ sau 2 ngày tỏ vẻ dửng dưng, anh chịu hết nổi. Với vẻ mặt hối lỗi, anh sang năn nỉ ông bà nhạc cho rước vợ con về nhưng... chỉ được vài tháng, đâu lại hoàn đấy.

 

Tôi là người thường về trễ nhất công ty và biết không ít ông chồng cứ nấn ná ở lại công ty làm việc này, việc kia vì... không muốn về nhà trước vợ, muốn trốn việc nhà và sợ đến bữa ăn bị ca cẩm đủ chuyện. Anh Thanh, làm cùng công ty với tôi, nói vợ chồng  thỏa thuận ai về trước đi đón con, rồi bắc nồi cơm, dọn dẹp nhà cửa... Nhiều lần về nhà đúng lúc vợ đang nấu cơm, anh Thanh vội xắn tay áo lên phụ lo cơm nước hay tắm con, đút con ăn... Cực thế mà chỉ lơ đễnh một chút là chị kêu than: “Anh phải giúp em chứ, em cũng đi làm 8 giờ và mệt như anh mà!”.

 

Có một nguyên nhân đáng lo và khá phổ biến là vợ chồng “chưa tìm được tiếng nói chung”, nhất là trong chuyện phòng the và thường gặp ở những cặp vợ chồng có con nhỏ. Nào là việc ở cơ quan, nào là việc nhà, con cái, lúc muốn tâm sự về những cơ hội hay khó khăn trong công việc thì nửa kia đang bận bịu hoặc mệt đừ, mắt nhắm mắt mở có nghe được gì đâu huống chi chuyện “gần gũi”.

 

101 phương cách

 

Hạnh phúc gia đình không phải muốn là có được. Những người vợ thông minh sẽ biết cách khéo léo “kéo” chồng sớm về nhà sau giờ tan sở.

 

Khi chúng tôi mới cưới nhau cũng là lúc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, công ty thua lỗ, nợ ngập đầu. Lúc đó, bà xã tôi sắp sinh, kinh tế gia đình chỉ nhờ vào tôi. Bạn bè thấy mình sa cơ cũng sợ gần, tôi như suy sụp hoàn toàn, chỉ muốn tìm rượu giải sầu. Vợ tôi rất buồn nhưng chỉ nói toàn những câu an ủi, động viên: “Mình không giàu, nhưng mình vẫn còn có em và con. Hãy chờ cơ hội khác”... Từ hôm ấy, sau giờ làm việc là tôi lại về bên vợ con. Gia đình đã truyền thêm sức mạnh giúp tôi vượt qua khúc ngoặt ấy của cuộc đời.

 

Cuộc sống vợ chồng lâu ngày sẽ không tránh khỏi đôi lúc thấy nhàm chán. Các bà vợ nếu thay đổi một chút về kiểu tóc, cách ăn mặc, tính cách... sẽ hấp dẫn trong mắt chồng. Khi ông xã về trễ, nên tươi tắn và hỏi han về công việc... Như vậy, tinh thần các chị thoải mái mà cánh đàn ông cũng vui hơn.

 

Việc nhà tuy không tên nhưng rất nhiều, cần trao một phần trách nhiệm cho các ông. Nếu các ông chưa tự giác thì cần có “chiêu” nhờ vả ngọt ngào: “Anh ơi, giúp em cái này!”, “Anh ơi, coi giùm cái kia”. Nếu ông xã đam mê thể thao, hãy tìm ra một sở thích chung nào đó để cả hai cùng chơi như cầu lông, chạy bộ, đi bơi... Được vậy, các chị sẽ có nhiều cơ hội ở bên chồng hơn.

 

Theo Văn Hùng

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm