Kẻ thứ ba thời hiện đại

Chuyện “một cô gái trẻ bị gã họ Sở lừa cho có thai rồi bỏ chạy”, hay “cô dâu ngất xỉu trong đám cưới khi hay tin chú rể đã con đàn cháu đống ở quê”… đều là những mô-típ rất cũ chỉ đủ khiến người nghe cười nửa miệng. Chuyện bây giờ khác, đó là những cô gái sẵn sàng làm kẻ thứ ba!

Chuyện để thiên hạ tò mò giờ đã khác xưa, ít nhất là: Một thiếu nữ xinh đẹp thông minh chấp nhận làm bồ ruột của một doanh nhân, cô ngang nhiên vượt qua mọi cuộc đánh ghen của vợ người tình, an phận với một căn hộ “quà tặng” và nhận đều lương tháng từ “lão gia” hờ kia.

 

Số đông thiên hạ như mọi khi làm đúng sứ mệnh của mình là lên tiếng phản đối lối sống buông thả tạm bợ của cô gái nọ, sự mu muội và bạc tình của nhân vật “lão gia” và thương cảm cho hoàn cảnh trớ trêu tội nghiệp của người vợ chính thức.

 

Nghe một tai...

 

Trong mắt đám đông: Cô ta trẻ hơn lão gia nhiều tuổi, nhan sắc kha khá. Cô ta là sinh viên và cần một khoản chu cấp ăn học, hoặc cô ta là một ả chân dài cần vô cùng nhiều tiền để tôn thế mạnh của mình.

 

Cô ta trơ trẽn ra điều kiện: có nhà và xe máy đứng tên cô. Vợ lão gia không được làm phiền, “nếu mụ ta đến làm phiền, tôi sẽ cắt hợp đồng với anh”. Cô ta tuyên bố tỉnh bơ trước lời thương thuyết của vợ lão gia: “Cứ để yên thì còn chồng, nếu quá đà tôi sẽ cho mất chồng vĩnh viễn”. Cô ta giận dỗi thất thường, đôi khi lại vùng lên đòi công khai mối quan hệ, bắt lão gia phải lựa chọn dứt khoát “tôi hoặc bà ta”.

 

Đám đông thấy hình ảnh của cô là như vậy, nhưng thực chất thân phận của kẻ thứ ba mỉa mai hơn thế nhiều…

 

Và nghe cả hai tai

 

Cô ta cần tiền, cần việc làm, cần giúp đỡ gia đình đông anh em và phải chấp nhận làm bồ nhí cho một “cụ chàng” mà cô không hề yêu. Thực ra cô hâm mộ vì anh ta đầy kinh nghiệm chiều chuộng chứ đâu vì tiền. Vì nghiện cái vẻ từng trải ở anh ta thành ra cô thấy các chàng trai chưa vợ đều là “cún con”. Cô cứ phải nuốt hận vì không được khoác tay “diễu hành” cùng lão gia ở nơi công cộng;

 

Cô phải từ chối gặp gỡ với nhiều chàng trai mà cô có cảm tình vì cô đã bị “đóng dấu” sở hữu của một người mất rồi. Cô buồn tủi vì khi bà xã của lão gia ốm cô không còn là tâm điểm nữa. Cô nhận ra chỉ đàn ông già mới phục tùng đến chi ly, đám trai trẻ chỉ biết ngửa cổ chờ đối tác hầu hạ.

 

Trong mắt đám đông: Anh ta là một kẻ có mới nới cũ, thấy vợ già đi thì chê. Vừa mới giàu lên đã đem tiền đi bao gái. Khôn ngoan thế mà vẫn bị gái đào mỏ. “Voi đú chuột chù cũng đú”, thấy thiên hạ có tình nhân mình cũng tình nhân.

 

Thân phận mỉa mai của lão gia: Cả một quãng đời đèn dầu ăn bo bo tù hãm nghẹt thở rồi, giờ mới có lúc thử nếm hương hoa mật ngọt. Xế chiều rồi mới biết yêu là gì. Mắt đã kèm nhèm nhưng cứ phải học nhắn tin chiu chíu để chuyển những lời có cánh cho nàng. Có bồ trẻ mới lấy lại tự tin trước những người đồng lứa. Cũng nhờ có “em” mà tình trạng “sinh lý” đang hấp hối của lão mới được hồi sinh. Bà xã tiền mãn kinh đuổi lão như đuổi tà mỗi lần lão có “ý định”, vậy thì phải tìm nguồn năng lượng mới dồi dào hơn.

 

Trong vai người đàn ông che chở lão thấy mình đáng mặt nam nhi. Đôi khi đứng chân chênh vênh trên hai chiếc ghế lão thấy vừa run sợ vừa thích thú. Lão cũng là mục tiêu để người ta tranh giành đấy chứ!. Rồi có lúc đầu lão lại muốn nổ tung vì cuộc lựa chọn “sinh tử”- vợ già nhăn nhó cộng ân nghĩa cũ hay là người tình xinh trẻ cộng ngộ nghĩnh dễ thương?

 

Lời kết

 

Các nhà xã hội học bó tay không lý giải nổi vì sao càng bị xã hội lên án thì các “tam giác” trong hôn nhân càng gia tăng. Những tam giác bất chính chỉ có tuổi thọ ngắn và gần như không có cái nào tồn tại vĩnh cửu nhưng cứ như vào đúng “mùa” nảy nở, nở rộ tươi tốt như cỏ mọc sau mưa.

 

Tam giác tan tành khi các lão gia hoặc là từ từ hoặc là bất thần đổ sụp xuống xe lăn. Mà rồi số đông những kẻ thứ ba cũng phải đi lấy chồng.

 

Theo Tiền Phong