Hương sắc quê nhà

(Dân trí) - Không ai hiểu bà cụ Thuấn năm nay bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng mỗi mùa Xuân đến thì người ta lại nhớ đến bà, nhớ đến cái tải ủ rượu cần ngon nhất nhì cái xứ Mường Vang này thì đúng hơn...


Hương sắc quê nhà


Từ ngày hai mươi tháng Chạp trở đi cái quán nhỏ ven sông của bà lại ồn ào ào, huyên nào, xe máy, xe đạp lại có người còn chịu khó đánh ô tô từ Hà Nội vào cố mua cho được hũ rượu ngon về vui xuân.

Thực lòng thì bà cũng muốn nghỉ ngơi cho khỏe, cái nghề làm dâu trăm họ này lắm lúc bạc, cái tâm cái tình của người làm ra hũ rượu cũng thảng hoặc rồi bay theo hương rượu cay nồng. Từ ngày ông cụ Thuấn qua đời bà thấy cuộc sống chỉ như tạm bợ trước khi đến phương cực lạc của mường trời... Tình yêu mà ông bà dành cho nhau chỉ những người già ở đất Mường này mới biết, khi thì ào ạt như con sông Bưởi mùa lũ, khi rỉ rách ngân nga như con suối cạn mùa khô nhưng dai dẳng và bao nhiêu thử thách, đòn roi và bom đạn quân thù vẫn không gì lay chuyển nổi tình yêu mà ôn bà dành cho nhau...

Thuở ấy cách nay cũng đã lâu lắm rồi, cái thuở mà mỗi độ cuối năm, khi cơn gió mùa Đông Bắc trên đỉnh núi Voi tràn về rét từng đợt như muốn hất tung những mái nhà sàn xiêu vẹo, toang hoác, những cánh đồng thuốc phiện ra hoa bạt ngàn, uốn lượn theo chiều gió tỏa hương dìu dịu ngai ngái... Ngày cuối năm sân nhà lang ồn ào nhốn nháo như chợ vỡ, người ỉ ôi khất nợ, người năn nì vay tiền, tiếng dọa dẫm, gầm gừ, có lúc lại quát tháo của lang cậu và đám người nhà càng làm cho không gian ầm ĩ náo loạn. Ngày cuối năm ai cũng muốn có cái Tết chu tất nhưng ngặt nỗi mùa màng thì mất, hoa lợi thu được không đủ nộp sưu cho nhà lang, quan Tây lại thu đất trồng thuốc phiện nên cái đói cái nghèo cứ đeo đuổi mãi cái bản Mường bé tẻo này từ đời nọ đến kiếp kia...

Thao (tên thật của bà, người Mường có tục không gọi tên thật mà chỉ gọi tên con, Thuấn là tên của bác cả con đầu của bà) từ bé đã lớn lên phục dịch trong nhà lang, cũng chỉ cơm thừa canh cặn của mấy cô chủ thôi nhưng Thao đẹp một cách lạ lùng, hình như bao tinh hoa của núi rừng đất Mường kết tinh lại vẻ đẹp không có tội nhưng lắm lúc cô bị những trận đòn ngứa ghẻ hờn ghen của lang bà và cô chủ, những lần ra suối tắm thể nào cũng có ánh mắt cú vọ thèm thuồng của lang cậu như dán chặt vào tấm thân nõn nà của cô gái người ở mới hai mươi phơi phới xuân thì. Hình như đòn roi chưa đủ, người ta còn gán lên đầu cô bao công việc nặng nhọc với mong muốn độc ác là nhan sắc tàn phai đi, xấu đi để họ được yên.

Cũng vào tiết xuân này Trợ trở về sau gần chục năm đằng đẵng, anh nói nhiều lắm, nói về Việt Minh, về cụ Hồ rồi gì gì nữa mà Thao không nhớ nổi, chỉ biết trước mắt cô không còn một anh Trợ thật thà đến mức đáng ghét, cô đợi mãi ở anh một tiếng yêu, mỗi lần cùng nhau đi hái lá cây rừng về ủ men rượu cần cô bóng gió xa xôi nhưng anh chẳng hiểu, công việc là giỏi không nề hà nhưng sao với gái thì dại thế không biết? Anh giờ là cán bộ, người của Đảng... Anh nhìn sâu vào đôi mắt cô nghiêm nghị “ Thao ạ! Chỉ có cách đánh đổ nhà lang, đánh đổ quan Tây thì xứ Mường ta mới mong có ngày mai, tiếng hát tiếng khèn mới ngân vọng trên đất này”, Thao hiểu, anh muốn giao nhiệm vụ cho cô nhưng ngại nói, phần vì nguy hiểm phần anh biết cô không nỡ, một con người lành như đất thế kia làm sao có thể làm được chuyện động trời.

Sau nhiều đêm trằn trọc, nhiều lần khóc thầm cuối cùng Thao quyết ra tay vì cô yêu và tin ở anh, thế thôi...

Hình ảnh nắm lá ngón và nắm lá men khô quắt, đám lính dõng, lang cậu và thằng quan ba Pie mắt trợn trừng trong bữa cơm tất niên sau khi hút xong hũ rượu cứ hiện về ám ảnh mãi... Kể từ đó Thao bỏ hẳn nghề ủ rượu nhưng nào có được, tiết Xuân không có vò rượu ngây ngất, không có tiếng cồng, tiếng chiêng của đám con trai con gái thì còn gì là ý nghĩa. Hết ban quản trị hợp tác đến hội phụ nữ vào thuyết phục mãi cuối cùng cô đành chặc lưỡi “âu cũng là cái nghiệp”...

Chuyến xe chiều đưa tôi trở lại quê từ từ lăn bánh, sương núi, cảnh vật loang loáng rồi nhòa đi trong sương chiều khiến lòng nao nao, buồn buồn. Nhìn hũ rượu thằng em trai đặt ở quán bà Thao gửi vào làm quà lại gợi bao suy nghĩ, hình như mảnh đất khô cằn nơi đây mới cho ra loại men quý, mạch nguồn sông Bưởi đem lại vị ngọt ngào cho những ché rượu ngọt ngào cho mỗi gia đình quây quần, đầm ấm vui xuân, một dư vị thiêng liêng không thể lý giải. Chính là hương sắc quê nhà như một món quà ban tặng của núi rừng Tây Bắc.

Đình Dũng