Hôn nhân nào phải trò đùa
(Dân trí) - Vượt hàng trăm cây số về đến nhà đã nghe bà chị cả nước mắt vắn dài: “Con Cúc có khi phải bỏ chồng, nghĩ tủi lắm dì ạ. Thằng đó cờ bạc đi suốt ngày đêm. Giờ muốn gặp nó chỉ còn cách gọi 113 đến gô cổ lại...”, tôi rụng rời tay chân.
Hai dì cháu chênh nhau gần chục tuổi. Cúc “còi to", nhanh chân vượt trước cả dì. Nghe tin chúng vừa tìm hiểu lẫn cưới xin, chỉ trong vòng ba tháng, tôi đã góp ý: “Thời gian từ tìm hiểu đến hôn nhân ít nhất phải là sáu tháng, cháu ạ”. Nó cười: “Dì đúng thật... Gặp con cá to thì phải múc ngay chứ. Cháu dì gặp được người ta là tốt phúc lắm đấy ạ. Họ nhà cửa đàng hoàng, là con cả, có nghề nghiệp ổn định...”.
Giờ xảy ra cơ sự ấy tôi được thể mắng cháu mình xối xả như tát nước vào mặt: “Không nghe lời người lớn, hoạ ngay trước mắt. Dì bảo rồi có thèm nghe lấy một lời đâu. Thấy nó đẹp trai, nhà cao cửa rộng thế là tối mắt vào. Nhanh thế thì làm sao mà biết nó có mắc thói hư tật xấu gì để mà thích nghi với cả rèn giũa. Cứ phải thế cho mày sáng mắt ra cháu ạ”.
Chị tôi hốt hoảng chạy ra, kéo con bé sỗ mồm là tôi tuột vào nhà: “Ôi dì ơi, nằm trong chăn mới biết chăn có rận, ai mang dùi đục đi tán gái bao giờ. Cái nhà nó to thế sau mới biết là ngân hàng cầm bìa đỏ rồi. Cả bố thằng đó cũng nghiện trò xóc đĩa, bài bạc đã ăn vào máu. Con này có biết đâu, cưới xong lúc phát hiện ra thì cái thai đã được bốn tháng, bỏ sao đặng, thế là cố. Dì còn chưa biết, cái đợt nó phải vào viện cấp cứu là do thằng khốn kiếp ấy bảo đưa tiền mà không đưa, nó đạp cho một cái vào bụng, tội nghiệp con bé, có dám nói với ai đâu, cứ nuốt thầm trong bụng. Giờ dì nhiếc móc cháu, khơi ra nỗi đau, nó nghĩ quẩn thì khổ. Dì có vui nổi không?”.
Nghe chị nói tôi ứa nước mắt. Chao ôi, cháu tôi! Vừa tốt nghiệp cấp ba, sao phải vội vàng thế cháu. Chưa có nghề ngỗng gì đã ôm đồm việc của người lớn. Chị xấu hổ “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không dám kể nhưng qua mẹ tôi mới biết, anh chị để dành mua tặng vợ chồng nó miếng đất tương đối giá trị, dựng một căn nhà nhỏ khang trang trên đó, coi như của hồi môn. Thế nhưng giờ không ai ở, con bé thì phải đi bán hàng thuê, nhờ bà ngoại trông cháu giùm rồi ở luôn nhà mẹ đẻ, vì thằng rể nhất quyết không ở, nó kiếm cớ gây hấn. Đó là nhà vợ, nó không muốn chui gầm chạn. Chừng nào bố mẹ vợ sang tên cho nó thì nó mới về".
Sang tên xong thì để làm gì, để nó tiếp tục với những trận bạc thâu đêm nhằm gỡ gạc, gỡ ra không gỡ chỉ thấy mỗi ngày đồ đạc trong nhà lại trống trơn. Đến cái nhà to vật vã dưới phố, bố con nó còn cầm cố, để cả nhà vật vờ thuê trọ nữa là. Vợ chồng nó sớm muộn cũng ly dị. Tôi rầu cả ruột, về và buồn bã. Rồi lại tự động viên: Cuộc sống còn dài, còn nhiều điều cần cố gắng. Dù hôm nay trời mưa thì ngày mai, những bông hoa sẽ vẫn nở, tươi đẹp và rực rỡ.
Mẹ tôi dấm dẳng, cảnh cáo: “Còn đời ngươi đấy ngươi ơi, nào ngươi đã bảy tám mươi đâu mà già". Tôi biết mẹ đang đay nghiến, việc ngót nghét ba mươi mà tôi vẫn bình chân như vại. Mẹ nói, tình yêu trong một khuôn khổ nào đó, không nên sớm quá và càng không nên dừ quá, đến giai đoạn chín muồi thì nên tiến hành ngay, song tôi lại còn chần chừ. Thực ra tôi là đứa cả nghĩ, cứ nhìn vào những tấm gương xung quanh lại vận vào mình. Tình yêu đang đẹp thế quấn nó vào vòng quay đầy trăn trở, toan tính của cuộc sống mà làm gì, khi chưa có sự chuẩn bị tinh thần từ trước.
Tôi không thể cẩu thả chọn cuống, chọn cuồng cho mình một người để có thể gọi là chồng, mà không có bất cứ sự hoà hợp đồng điệu nào về sở thích, cũng như quan điểm. Và tôi cần thời gian để xem những cái họ khác với mình hoặc các tật xấu, liệu có thể thích nghi và thông cảm, không thể để đến lúc cưới về, mới loay hoay tìm cách.
Thiều San Ly