Hỏi thăm ngày Tết: Đừng để sự quan tâm gây khó chịu cho nhau
(Dân trí) - "Năm nay làm ăn khó khăn, vậy nên tôi chỉ mong đừng hỏi lương tháng bao nhiêu, được thưởng nhiều không... Hãy hỏi sức khỏe năm qua ổn chứ", Minh Phong trải lòng.
Khoảng cách mong manh giữa "quan tâm" và "soi mói"
30 tuổi chưa có ý định kết hôn, áp lực của Minh Phong (Quảng Bình) mỗi khi về quê ăn Tết lại chính là những lời "quan tâm, hỏi han" từ cô bác, họ hàng trong gia đình. Hễ cứ gặp mặt trong dịp Tết, Phong lại phải đối diện với loạt câu hỏi anh chàng cảm thấy khá khó trả lời.
"Tôi không hiểu sao có mỗi một vài câu y hệt mà năm nào mình cũng phải trả lời. Nào là "Tháng làm lương bao nhiêu?", "Năm nay biếu Tết bố mẹ bằng nào?", "Thế bao giờ lấy vợ?"... Đó là những câu hỏi mà tôi thấy vô duyên nhiều hơn là sự quan tâm.
Lần nào chuẩn bị về quê ăn Tết tôi cũng phải liệt kê loạt danh sách câu trả lời để "ứng phó" cho nhanh mà vẫn dĩ hòa vi quý trong ngày này, mặc dù trong lòng chẳng cảm thấy thoải mái tí nào.
Nếu họ hàng hỏi lương tháng bao nhiêu, thì tôi cũng chỉ cười nói: "Dạ cháu đủ tiêu, đủ tiết kiệm để mua nhà". Hỏi năm nay biếu Tết bố mẹ bằng nào, thì tôi cũng cười: "Dạ năm nay cháu biếu đủ mua cây đào chơi Tết thôi ạ".
Rồi nếu mà bị hỏi đến chuyện vợ con, tôi cũng vẫn rất vui vẻ trả lời: "Sang năm cháu lấy vợ, còn sang năm nào thì cháu chưa biết". Người ta hỏi mấy câu xã giao thì mình cũng đáp lễ xã giao lại", Phong cười nói.
Phong chia sẻ rằng, chuyện hỏi thăm trong dịp Tết không nhất thiết phải là những câu hỏi mang tính chất quá cá nhân như vậy. Thay vào đó, hãy dành sự quan tâm ở mức vừa phải để cả hai bên cũng cảm thấy thoải mái, vô tư.
"Năm nay làm ăn khó khăn, vậy nên, tôi chỉ mong đừng hỏi lương tháng bao nhiêu, được thưởng nhiều không, mà hãy hỏi sức khỏe ổn chứ, công việc có gì khó khăn trong năm qua. Một câu hỏi đủ chân thành sẽ nhận lại được sự chia sẻ bằng tất cả sự trân trọng", Minh Phong cho hay.
Đồng ý với quan điểm của Minh Phong, cô nàng Thanh Mai (Lào Cai) cũng không thấy thoải mái khi gặp phải những câu hỏi kém duyên từ cô bác họ hàng trong ngày Tết.
Mỗi độ tuổi sẽ có một áp lực riêng, nhưng lạ thay, những câu hỏi từ họ hàng lại cứ xoáy vào áp lực ấy một cách vô tình.
Ngày nhỏ đi học, cứ đến Tết lại được hỏi: "Năm nay có đạt học sinh giỏi không?". Lớn lên tí thì hỏi: "Ra trường đi làm lương cao không?". Trường thành hơn lại giục: "Thế khi nào cho cô chú ăn cỗ?".
Cho cô chú ăn cỗ rồi thì Tết sang năm lại hỏi: "Khi nào có bầu? Sao chưa có bầu?"... Đó là những câu hỏi "muôn thuở" của những người thân mà khiến cho nhiều bậc làm con, cháu vừa trả lời vừa phải cố tỏ ra hoan hỷ.
Không chỉ là những câu hỏi như Thanh Mai chia sẻ, có một câu hỏi ngày Tết khiến chị em chỉ biết cười gượng đó là: "Béo lên à?".
Cũng thường xuyên "được hỏi thăm" ngày Tết, cô nàng Thảo Mi cho hay: "Tết nào tôi cũng bị hỏi mấy câu tế nhị như lương bao nhiêu, lấy chồng đi chờ gì nữa. Đặc biệt mấy câu "khen" béo lên à..."
Đối diện với những câu hỏi như vậy, thường Thảo Mi sẽ chỉ cười cho qua: "Vì ngày Tết mình tỏ ra khó chịu thì không nên, tôi cười xã giao trả lời đại khái thôi.
Theo tôi, ngày Tết thì hỏi cái gì cũng được, miễn là đừng đào sâu vào những vấn đề riêng tư quá.
Còn nên hỏi những vấn đề sâu xa hơn thì tùy vào hoàn cảnh rồi độ tuổi để đặt câu hỏi cho phù hợp. Có thể hỏi thăm công việc, sức khỏe, cùng nhau bàn bạc về chủ đề ngày Tết chẳng hạn, cũng có thể chia sẻ về những vấn đề tích cực thay vì hỏi những câu có phần "soi mói", Thảo My nói.
"Người lớn" nghĩ gì khi lắng nghe chia sẻ từ "người trẻ"
Lắng nghe những chia sẻ từ các bạn trẻ, bà T.T.V. (58 tuổi, Yên Bái) không giấu được sự bất ngờ vì bản thân cô cũng thường xuyên đặt những câu hỏi này cho các con, con cháu trong dịp Tết.
Bà T.T.V. cười nói: "Mình thấy những câu hỏi ấy là hết sức bình thường, cả năm mới gặp gỡ các cháu một lần, nếu không hỏi những cái này thì biết hỏi cái gì đây? Ngày xưa họ hàng gặp gỡ nhau cũng toàn hỏi mình những câu thế này thì mình thấy vẫn vui vẻ.
Đúng là mỗi thế hệ sẽ có những suy nghĩ, tâm lý rất khác biệt. Chắc là mình cũng sẽ phải thay đổi lại cách trò chuyện để hiểu được các bạn nhiều hơn và không cảm thấy khó chịu, gượng ép khi gặp mình".
Trái ngược lại với bà T.T.V, ông P.Q.T (54 tuổi, Hải Phòng) lại cho rằng các bạn trẻ đang quá nhạy cảm với những câu hỏi quan tâm từ anh em họ hàng trong gia đình dịp Tết:
"Chung quy lại, thì đó cũng chỉ là những "câu chuyện làm quà" ngày Tết. Chỉ là một câu hỏi thôi có gì đâu mà phải khó chịu. Hỏi lương bao nhiêu cũng để xem cuộc sống các cháu thế nào. Đến tuổi lập gia đình hỏi "được bao giờ ăn cỗ" là tỏ ra mong mỏi con cháu sớm có mái ấm gia đình hạnh phúc, yên bề gia thất. Nếu như không hỏi những cái đó thì hỏi cái gì ngày Tết bây giờ. Sự quan tâm của bậc cha chú lại khiến con cháu khó chịu làm mình cảm thấy rất buồn và tủi thân".
Hỏi thăm ngày Tết luôn là câu chuyện nhận về nhiều tranh cãi và chia sẻ. Với người hỏi, đó có thể là sự quan tâm, hay đơn thuần chỉ là câu hỏi xã giao, nhưng với người trả lời lại khiến họ lúng túng, khó xử khi nhận được.
Có chăng, việc hỏi thăm ngày Tết nên được thay đổi để không khí ngày Tết thoải mái và vui vẻ hơn?