“Hội chứng” yêu sớm
(Dân trí) - Tuổi 13-16, con người bước vào giai đoạn dậy thì và trải qua những thay đổi tâm sinh lý. Có cảm giác “thinh thích” bạn khác giới là chuyện bình thường. Nhưng có nên lao vào cuộc yêu đương khi “công lực” còn chưa vững?
Gần đây báo chí nói nhiều về học sinh và các cuộc chơi tình yêu, về thú ăn, chơi, yêu của dân sành điệu trẻ, về những cặp “tình nhân nhí” với mối tình đủ cung bậc, màu sắc, thôi thì “như người lớn”.
Có lẽ chúng ta sẽ mãi tặc lưỡi “ôi dào, yêu đương nhăng nhít trẻ con” nếu số trường hợp nạo phá thai trong giới SV, thậm chí HS mấy năm gần đây không ngừng tăng đến mức báo động.
Chúng ta sẽ mãi nghĩ “chuyện chẳng có gì” nếu không thấy đâu đó những tấm ảnh mỹ nữ tuổi teen “khoe hàng” hay công tử nhà giàu miệng còn hơi sữa đốt tiền của cha mẹ cho các cuộc “săn tình”.
Các em làm vậy để khẳng định đẳng cấp cao, để chứng minh mình sành sỏi, để được coi là biết mùi đời. Đâu biết rằng phiêu lưu với tình yêu khi thời điểm chưa chín muồi kéo theo biết bao tác hại.
Cô em họ tôi, mới lớp 9, có hôm kể với chị: “Ở lớp em cũng có mấy “đôi” rồi. Cả lớp biết, cô giáo cũng biết, nhưng chẳng làm gì được. Các bạn ấy còn hôn nhau trong lớp nữa. Mà không chỉ mỗi thế đâu. Ghê lắm chị ạ”.
“Không chỉ mỗi thế” là những cái hôn “nóng”, cách bày tỏ yêu thương hết sức “gợi tình”. Thời buổi thông tin đại chúng, “học” được những cái đó không khó. Mà các em lại ở lứa tuổi tò mò, thích khám phá và… tiếp thu nhanh!
Không hiểu các em có nghĩ mình làm vậy sẽ ảnh hưởng đến chúng bạn? Cha mẹ các em phản ứng ra sao nếu biết con cái mình “trưởng thành” theo hướng đó? Và những cuộc “tình non” liệu có để lại hậu quả đáng tiếc nào?
Xin tổng kết ra đây vài cái hại có thể thấy ngay được cho những ai có ý định “yêu sớm” tham khảo:
1. Phân tán tư tưởng
Yêu đương nồng thắm có cái “bất cập” của yêu đương nồng thắm. Những cảm xúc mới lạ đầu đời cuốn hút bạn, những va chạm gần gũi nho nhỏ khiến bạn xốn xang nghĩ đến nó cả ngày.
Khi “tình yêu” gặp trục trặc, tâm lý bạn còn “bất ổn” hơn. Giận dỗi, hờn trách, nghi ngờ, hàng ngàn câu hỏi “tại sao”. Kết cục, bạn chẳng còn làm gì nên hồn cả.
2. Hủy hoại dung nhan, sức khỏe sút kém
“Chat” điện thoại suốt đêm, bấm máy nhắn tin cả ngày, mắt bạn bắt đầu thâm quầng lộ rõ vẻ mệt mỏi.
Đã thế còn mặt mụn vì thức khuya, vì “chăm” đi cà phê với “người yêu”, vì lượn lờ “đánh bóng mặt đường” và hít bụi cả ngày. Dây thần kinh các đầu ngón tay cũng la ó kêu đau, mắt kém.
3. Già trước tuổi
Cứ coi như yên lành chẳng sao, nhưng gặp khi “trái nắng trở trời” quay ra giận dỗi (bệnh kinh niên của các cặp tình nhân nhí) thì đôi bên chẳng còn thiết gì.
Con gái tấm tức khóc một mình tự hỏi “tại sao bạn ấy lại thế, sao chưa nhắn tin, gọi điện, hay đã không còn nhớ mình?”. Con trai thì đau khổ “cô ấy thật khó hiểu, hơi một tí giận dỗi, hơi một tí đòi chia tay”.
Các chàng lao vào đánh games, tụ tập bạn bè, đi đá bóng. Nhưng thực ra cũng chẳng vui vẻ gì. Vui thế nào được nếu không có “em yêu”.
Vậy vẫn còn lành mạnh chán, sợ rằng có những anh chàng “quên sầu” trong thú vui khác nguy hiểm hơn như lui tới những nơi “cấm trẻ em dưới 18 tuổi”.
Một khía cạnh khác, tình yêu không đơn thuần là cảm xúc lãng mạn. Khi con trai và con gái gần nhau, tự nhiên sẽ có những ham muốn khác lạ, ước ao được gần gũi.
Như một tất yếu, bạn biết những-điều-chưa-nên-biết. Có khi sau này hối hận vì thời trong sáng của mình diễn ra quá ngắn ngủi.
Vậy khi nào nên yêu?
Tình yêu là cảm xúc tự nhiên của con người, rất khó để “sai bảo” trái tim hãy yêu người này chứ đừng yêu người kia, yêu lúc này mà không phải lúc khác. Nhưng làm chủ, kiềm chế bản thân thì không phải chuyện “không tưởng”, chỉ cần bạn có quyết tâm.
Hãy duy trì tình cảm bạn bè với người mình “thích” ở mức trong sáng, thân thiện. Chí ít là cho đến khi đã luyện đủ 12 “thần công lực”, tức là hết bậc phổ thông trung học, bạn mới nên yêu.
Bản lĩnh đã vững vàng, đã lấy được “tấm vé” cơ bản để đi tiếp trên con đường học hành và sự nghiệp, ta sẽ tự tin hơn, đủ dũng khí hơn và có trách nhiệm hơn khi nói lời yêu với người bạn trong trái tim mình.
Huyền Trang