Học đòi yêu như... Tây

Gặp Hoài Linh ở một bữa tiệc buffet, cậu đã chững chạc, già dặn đi nhiều so với 2 năm trước. Câu chuyện đi vào chiều sâu, nghe tôi hỏi chuyện cưới xin, Linh cười ngạc nhiên: “Chị quan tâm làm gì, cả em và bạn gái đều không nghĩ đến chuyện cưới. Được đến đâu, vui đến đó”.

Sẵn sàng... over night

 

Hoài Linh tốt nghiệp ĐH ngành công nghệ sinh học ở Úc, về nước làm việc cho công ty của Đức được 1 năm. Sinh năm 1984, nếu nói theo sự quy chiếu bây giờ thì Linh và tôi cùng chung thế hệ 8X. Nhưng những gì Linh thổ lộ với tôi đều là bất ngờ gây... sốc.

 

Trong hơi nồng nhẹ của rượu vang, Linh kể về những điều (với tôi là) thầm kín một cách tự nhiên như nói với những người bạn tâm giao. Linh cho biết, bạn gái của cậu là một sinh viên 19 tuổi, hiện đang học Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Theo lời Linh, họ “đã gắn bó với nhau” được... “hàng chục đêm over night”. Họ yêu nhau rất “sòng phẳng”, chẳng có gì ràng buộc. Linh có thể đi với ai tùy thích, cô gái kia cũng thế. Cả bạn gái của Linh và Linh chưa hề có mối quan tâm nào đến gia đình hai bên cả. Cuối tuần, khi cô gái kia không vướng bận chuyện học hành và Linh được nghỉ việc, họ hẹn nhau đâu đó và sẵn sàng những buổi tham quan, du lịch ngắn ngày và “over night” với nhau.

 

Thấy tôi tỏ vẻ khó hiểu, Linh bình thản giải thích “cả hai cùng hứng thú khi đến với nhau là đủ, cần gì phải quan tâm đến những thứ khác cho mệt đầu óc. Úc người ta sống thế và... công ty Linh, giới trẻ cũng như thế cả”.

 

Trong công ty của Linh, chuyện “cuối tuần đi nghỉ ở đâu với bạn gái” được cập nhật thường xuyên và trở thành chuyện hết sức bình thường.

 

Không thích thì “bái bai”

 

Tưởng rằng khi quyết định “over night” với nhau, những người trẻ này đã ít nhiều có định hướng cho tình yêu của mình. Nhưng khi tôi đặt vấn đề: “Bao giờ Linh cho cha mẹ biết cô gái đó?”, Linh tròn mắt ngạc nhiên: “Em còn quá trẻ để nghĩ đến chuyện kết hôn, sao phải thông qua ba mẹ mấy chuyện tình cảm tào lao làm gì cho mất công giải thích”.

 

Tiếc rằng, những người có quan niệm yêu như Linh không phải là cá biệt trong đời sống hiện nay. Và giới hạn suy nghĩ cũng không dừng lại ở những bạn trẻ nam. Nhiều bạn nữ cũng coi chuyện “over night” là bình thường với cả những đối tượng lần đầu mới gặp.

 

Nguyệt Yến, một cô gái từng là du học sinh ở Nhật về, khẳng định: “Không cần gặp, nếu chát với nhau thấy hợp, ở bên nhau thấy vui vẻ thì... “OK” thôi!”. Còn anh bạn tôi, L.T, từng lấy bằng tiến sĩ ở Pháp về, thì cười ngất khi tôi hỏi: “Thế sau đó có gặp lại nhau không? Hay cứ thế là... quên luôn?”. Anh bảo: “Em lạc hậu mất rồi. Thích thì tiếp tục gặp, còn không thích thì “bái bai”, như chưa bao giờ từng gặp”.

 

Yêu đương... “ngoại nhập”

 

Những bạn trẻ Việt Nam học đòi lối yêu đương “ngoại nhập” ngày càng nhiều. Họ thích thú công khai lối sống của mình với những bậc làm cha làm mẹ, cho đó là tân tiến, là hợp thời.

 

Con trai của chị N.T.K.Anh (Phú Thọ, Tân Bình - TPHCM) đi Mỹ học được 2 năm đã dẫn về một cô bạn gái người Trung Quốc và thẳng thừng yêu cầu ba má phải “thuê khách sạn cho bọn con ở với nhau khi về nước”.

 

Nói đến điều này chị K.Anh rất buồn, cho biết: “Tôi không nghĩ là con tôi thay đổi nhanh đến thế. Khi chưa sang bên đó, thậm chí nó còn... chê bai những bạn gái đi chơi khuya, về muộn...

 

Tôi đã khuyên con ở đây là... Việt Nam chứ không phải Mỹ, mà nó không nghe”. Ngược lại với nỗi buồn của mẹ, Thắng, tên của cậu du học sinh đó, lại bình thản cho biết: “Có gì đâu. Thời đại bây giờ đâu còn như xưa. Em thích cách sống của Mỹ, thoải mái lắm!”.

 

Khi tôi đặt vấn đề này với chị Hoàng Hà, giám đốc một công ty du học Mỹ, chị gật đầu xác nhận: “Giới trẻ bây giờ không... yêu đương như ngày trước đâu, nhất là các em đi du học về, quan niệm khác hẳn”. 

 

Theo Nguyễn Nguyễn

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm