Hoạn nạn có nhau

Dắt xe ra khỏi ngõ thì tôi bị ba tên mặt mũi hầm hố chặn lại. Việc này chủ nợ đã cảnh cáo cả tuần nay, nhưng tôi vẫn không thể xoay xở được. Chồng nhìn tôi, sắc mặt tái dại: “Chuyện gì vậy em?”.

 
Hoạn nạn có nhau


Tôi chưa biết nói sao thì một tên sấn tới chìa ra trước mặt chồng tờ giấy viết tay ghi nhận nợ mà tôi ký. “Các người là ai, tránh ra cho chúng tôi đi”, nghe giọng tôi lạc đi, hành vi có thể mất kiểm soát, chồng tôi bảo tôi quay vào nhà, để anh nói chuyện. Tôi từng bước quay vào nhà cùng nỗi sợ hãi đã lên đến đỉnh điểm.

    Hai năm trước chồng tôi đi nước ngoài làm ăn, số tiền khổ sở tằn tiện gom góp được bao nhiêu anh đưa tôi cất giữ. Hàng tháng anh nhận lương, tuy không cao, nhưng anh cũng đưa hết cho tôi. Trong cuộc sống hàng ngày chồng tôi rất tiết kiệm, thậm chí là hơi quá chắt bóp.

    Tôi hùn vốn cùng bạn mua đất ở ngoại thành. Ban đầu có lãi, nghĩ mình có tố chất kinh doanh, tự tin lắm. Đôi khi so sánh lời lãi của mình với lương tháng của chồng, tôi không khỏi tự kiêu. Nhưng rồi giá đất hạ còn một nửa, muốn bán cũng không được. Tôi lại theo bạn bè kinh doanh trên mạng. Không có kinh nghiệm, máu ham hố trỗi dậy sau vài lệnh thắng nên tôi thua triền miên. Tôi vay nặng lãi để gỡ gạc. Thua càng thua. Hàng tháng số tiền lãi phải trả đã lên tới chục triệu. Tôi vay mượn bạn bè để trả lãi, nhưng không thể vay mãi được. Hàng đêm tôi ngủ mà thon thót giật mình bởi những cuộc nhắn tin, gọi điện của chủ nợ. Đầu óc lúc nào cũng nghĩ cách vay tiền. Tôi giấu chồng, sợ anh biết sẽ không chịu nổi, rồi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Anh sẽ đuổi tôi ra khỏi nhà, sẽ ly hôn, hoặc hành hạ sỉ nhục tôi...

    Chồng tôi dắt xe vào nhà. Anh không đi làm nữa, thay quần áo và nằm dài suốt buổi sáng. Tôi cũng im lặng không dám hé răng. Anh biết toàn bộ số tiền dành dụm đã mất, lại cộng thêm khoản vay nặng lãi, có lẽ sốc lắm.

    Buổi trưa, chồng lặng lẽ đến bên tôi, anh nói chậm và nhẹ như không: chuyện đã thế rồi em đừng nghĩ ngợi nữa, cho qua đi. Số tiền kia đã mất thì cứ coi như chưa từng có, còn số tiền vay nặng lãi anh đã thương thảo với chủ nợ rồi, trước mắt mỗi tháng sẽ trả bớt vài chục triệu cộng với tiền lãi, rồi cũng qua thôi, quan trọng là sau vụ việc này em tỉnh ra, đừng làm gì tương tự nữa rồi khổ lây con cái.

    Chiều hôm đó chủ nợ đến, anh viết giấy xác nhận nợ một lần nữa, có chữ ký của hai vợ chồng. Chủ nợ ra về, anh ra cửa hàng phô-tô nhiều tờ giấy A4 “Cho thuê nhà gấp, giá rẻ”. “Ba mẹ con em tạm thuê nhà trọ một thời gian. Khổ một tý nhưng an toàn. Tháng sau anh xin đi công trường để có lương cao hơn”. Một tuần sau có người đến hỏi thuê, anh đồng ý cho thuê với giá họ đưa ra, thu tiền ba tháng một lần. Anh gọi chủ nợ tới và gửi trước số tiền nợ bằng ba tháng thuê nhà vừa nhận. Thấy thái độ hợp tác thiện chí của anh, chủ nợ cũng được giải tỏa tâm lý, không tỏ thái độ đàn áp nữa.

    Tôi làm theo mọi việc như anh vạch ra cùng mặc cảm tội lỗi, hối hận khôn cùng. Kỳ lạ sao, tôi đã gây chuyện tày đình vậy mà anh không một lời nặng nhẹ.

    Khi tôi viết những dòng này thì anh đang làm việc tại công trường xa (cách nhà 700 cây số) mỗi tháng gửi tiền về cho ba mẹ con trả nhà trọ và sinh hoạt. Trong cuộc điện thoại tuyệt đối anh không hề nhắc tới nợ nần, mà chỉ hỏi thăm các con học hành ra sao, công việc tôi thế nào.

     Theo Thúy Phan
    PNO