Góc tâm hồn
Hoài niệm tháng Giêng
(Dân trí) - Cứ độ ra Giêng, mưa xuân lất phất bay, bà ngoại lại nhìn trời chép miệng “Giêng dài Hai rộng” rồi khẽ thở dài. Cả đời bà tháng Ba ngày Tám và buổi Giêng hai là những tháng ngày giáp hạt nặng nề đã ăn sâu vào tiềm thức thành nỗi ám ảnh khôn nguôi.
Có bận mình đòi theo chị, đường từ nhà đến chợ huyện dài cả chục cây số, chị cáu gắt không cho đi, dọa nạt mãi không được cuối cùng chị dỗ dành “Em ở nhà ngoan, tí về chị mua cho nửa bánh pháo”. Nghe vậy mình mừng húm, cả buổi sáng đi ra đi vào thấp tha thấp thỏm. Trưa chị về cho nửa bánh pháo tép, sướng rơn nổ đì đùng quên ăn. Biết đâu rằng nửa bánh pháo bằng mấy lon gạo, bị bà mắng chị khóc dấm dứt, từ đó về sau không chơi pháo nữa. Lấy chồng xa với bộn bề công việc, không biết chị còn nhớ những kỷ niệm xưa không?
Mô hình Hợp tác xã làm ăn kém hiệu quả, người ta bắt đầu chuyển đổi, đưa cây cao su về trồng trên vùng đất Tây Gio Linh này với hy vọng thay da đổi thịt cho vùng đất bị bom đạn giày xéo, chất độc hóa học, hàng rào điện tử biến thành vùng đất chết. Chiến lược là việc các ông trên với người dân làm sao đủ ba bữa là tốt, cả làng nai lưng đi đào hố trồng cao su. Sáng sớm bảnh mắt đi, tối mịt không thấy mặt người mới về, bàn tay ai cũng phồng rộp. Nghĩ lại mà thương cho mấy chị con gái, đi chơi không dám cầm tay người yêu. Cuối tháng lếch thếch, lũ lượt về nông trường bộ nhận gạo, cái mùi ẩm mốc của gạo tồn kho lâu ngày nấu lên có mùi thơm lạ, nó đeo đẳng theo mình suốt cuộc đời, ngon hơn cả gạo Thái, gạo tám thơm. Cũng vào tiết xuân này, cũng mưa bụi lất phất bay, hoa xoan rụng đầy bờ mương, bà về trời, nhẹ nhõm thanh thản như chính cuộc đời bà vậy.
Lớn lên đi học xa nhà, thi thoảng những kỷ niệm xưa ùa về, đó là những lúc trên đường phố bắt gặp tiếng rao “Ai khoai lang nướng nào”, tha thiết, réo rắt. Mùi khoai nướng bùi bùi thơm thơm, dáng vẻ tảo tần của chị bán hàng gọi về nỗi nhớ chị, nhớ bà, gọi về kỷ niệm xưa khiến sống mũi cay cay. Thời gian có bao giờ quay trở lại để được thấy mưa bụi bay lất phất, hoa xoan rụng trắng bờ mương và được nghe bà thở than “Giêng dài, Hai rộng”.
Đình Dũng