Hết nợ
Không biết nhà tôi bắt đầu nợ từ lúc nào, chỉ biết từ lúc tôi biết suy nghĩ, biết cảm nhận được nỗi xót xa, tủi nhục của “một con nợ” là lúc đó nhà tôi “nợ đầy đầu”.
Nhà tôi nợ đến nỗi, người ta đến đòi nợ ba tôi, trong thời gian ngồi chờ, họ viết thành thơ-đòi-nợ. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn lưu giữ bài thơ đòi nợ đó trong cuốn lưu bút học trò của mình. Mấy năm học đại học, mỗi lần thấy thiếu nghị lực, tôi lại lấy bài thơ ra đọc, như một cách để tự động viên mình cố gắng học thật tốt để có tiền sau này trả nợ giúp gia đình.
Càng cận tết, các chủ nợ càng đòi gắt gao hơn, những lời chửi rủa nặng nhẹ càng nhiều hơn. Có người đòi sống, đòi chết ở nhà tôi, có người đòi “đón giao thừa” cùng nhà tôi cho vui. Cứ như vậy, ba tôi trốn chui trốn nhủi đến tận đêm 30, ba về bằng cửa sau với cái mũ lưỡi trai lụp xụp trước mặt, lưng đi khom khom, người cúi xuống thật thấp vì sợ vô tình có chủ nợ nào đó còn lảng vảng trước sân.
Tôi không quên được hình ảnh ba tiều tụy, mặt mày hốc hác, đôi mắt buồn thâm quầng nhưng không thể chảy được giọt nước mắt nào, ngồi bẻ mấy cành bông vạn thọ chưng bàn thờ lúc mười hai giờ năm phút đêm 30, lúc các con nợ vừa “buông tha” nhà tôi để về nhà đón giao thừa. Những năm đó, nhà tôi chưa bao giờ đón cái Tết an lành, chỉ buồn hiu hắt mà không ai dám nói với ai. Má cũng gói vài cây bánh tét, vài cái bánh chưng, chị tôi cũng cố dành dụm để mua một ít mứt gọi là đón Tết. Mấy năm đó, tôi thực sự ghét Tết. Không đêm giao thừa năm nào tôi không nghe lời tỉ tê khóc lóc của má, còn ba thì đòi tự tử vì nỗi nhục mà bản thân ba bất lực không thể nào giải quyết được. Ba luôn trách bản thân mình không lo được cho bầy con no đủ, cho gia đình được đón một cái Tết ấm êm đúng nghĩa.
Tôi học đại học năm thứ nhất, gia đình bắt đầu có biến chuyển. Anh rể thứ 4 cùng vợ về phụ gia đình ở lò gạch cũ, cũng có đồng ra đồng vô nuôi hai đứa con. Vợ chồng chị ba dắt díu nhau lên tận vùng đất Kinh Thầy, đường Trường Sơn năm xưa, thế chiếc xe Cup cũ vay được 3 triệu đồng tiền nóng có tiền xoay sở làm ăn. Anh trai tiếp tục làm ruộng, má tôi có khi phải đi giặm lúa mướn cho hàng xóm kiếm ba mươi ngàn tiền công mỗi ngày.
Trong này, tôi mua chiếc xe đạp cũ, bắt đầu đi phát tờ rơi, dạy kèm để nuôi sống cuộc đời sinh viên. Số tiền cả gia đình dốc sức vào làm được bắt đầu trả nợ dần dần. Những chủ nợ cần kíp ba tôi cho giải quyết trước, những chủ nợ nhiều ba tôi hẹn trả định kỳ. Cũng may nhờ người bạn tốt bụng của ba cho vay ít vốn, gia đình lấy công làm lời, làm ngày làm đêm, bất kể mưa nắng, bão lụt hay giá rét, vì thế số tiền nợ bắt đầu dần dần được giải quyết. Hết học kỳ một, đại học năm thứ hai, khoảng hăm bảy Tết đã thấy ba tôi xuất hiện dọn dẹp nhà cửa, lau dọn tủ bàn thờ để đón mừng một năm mới no đủ hơn, đầm ấm hơn. Toàn gia đình dốc sức vào làm, bắt đầu năm đó tôi mới thấy mùa xuân trở lại với gia đình.
Nhờ sự đoàn kết của cả gia đình, nhờ anh chị tôi chịu khó làm việc, giờ nhà tôi đã có của ăn của để, ba tôi không phải trốn chui trốn nhủi vào mỗi dịp Tết đến xuân về, cũng không phải lom khom cúi đầu bước về nhà đêm ba mươi như năm nào. Má tôi cũng đã tăng thêm số lượng cây bánh tét cho nhà thêm no đủ. Và mỗi chiều ba mươi, tôi phụ dọn dẹp nhà cửa với anh trai, cùng chờ mấy chị gái chở về mấy chục thùng trái cây, bánh mứt, bia, nước ngọt để đón tết. Tôi biết, trên hết, nhờ cả gia đình biết yêu thương, san sẻ, đoàn kết lẫn nhau nên kinh tế gia đình đã được phục hồi và có được những mùa xuân trọn vẹn, những cái Tết tràn ngập tiếng cười.
Năm nay tôi sẽ đón tết bên nhà chồng, trong lúc loay hoay dọn dẹp đồ đạc, đống sách báo cũ, tình cờ thấy lại cuốn lưu bút, giở lại trang cuối có bài thơ đòi nợ năm nào, trên trang giấy có vài chỗ nhòe vì những giọt nước mắt của tôi những lần đọc những vẫn thơ đó, tự nhiên ký ức buồn của đêm ba mươi năm nào lại hiển hiện ra trước mắt. Ký ức buồn của đêm ba mươi mà tôi biết chắc chắn mỗi thành viên trong gia đình tôi đều không bao giờ quên được. Và tôi mong, đó mãi là ký ức mà gia đình tôi không bao giờ gặp lại trong cuộc sống hôm nay.
Theo PNO